Cô bé “hạt tiêu” cháy cùng ước mơ vào đại học

Đời Sống Pháp Luật, Theo 09:57 02/11/2013
Chia sẻ

Dù sức khỏe yếu nhưng cô bé "hạt tiêu" vẫn có thành tích học tập khá tốt và luôn mong muốn được vào đại học để thực hiện ước mơ làm chuyên gia tâm lý của mình.

Chỉ cao chừng 1m và nặng 16kg, khi nhìn vào không ai nghĩ Võ Thị Thanh Thảo năm nay 18 tuổi và là học sinh THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam). 

Cô bé 16kg, có 9 năm là học sinh giỏi

Võ Thị Thanh Thảo sinh 11/06/1995, học sinh lớp 12/11, trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam); chiều cao 104cm, cân nặng 16kg, 9 năm liền đạt học sinh giỏi; thành viên đội học sinh giỏi văn của trường; ước mơ trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý.

Nghị lực phi thường

Thảo sinh ra tại một thôn nghèo ở Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngày mới sinh, cô chỉ nặng 8 lạng và thể trạng sức khỏe rất yếu. Đến nay khi đã 18 tuổi trở thành học sinh trung học, Thảo mới chỉ được 16kg, trong gia đình không có ai thấp bé, nhẹ cân như Thảo. Sức khỏe không được tốt nên gia đình cũng rất lo lắng cho tương lai của em sau này.

Thanh Thảo hiện đang là học sinh lớp 12 của trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam). Không chỉ là cô học trò có ngoại hình khá đặc biệt, Thanh Thảo còn là tấm gương cho các bạn trong trường, trong lớp noi theo. Thảo nhớ ngày mới vào học cấp ba, bạn bè trong lớp không ai trêu nhưng mấy đứa con nít nhìn thấy thì hỏi "bạn học lớp mấy?". Khi nhắc tới những khó khăn mà mình phải vượt qua, Thảo tâm sự: "Khó khăn lớn nhất của em là trong việc sinh hoạt hàng ngày, em hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Em đi học vất vả lắm. Em hay bị ốm đau, đi lại không được thuận tiện như các bạn. Nhưng được sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình bạn bè nên em đã cố gắng phấn đấu để không phụ sự mong đợi của mọi người". Đường đến trường xa xôi, đi lại vất vả, Thanh Thảo xin bố mẹ cho được ở trọ để tiện đi học. Thảo kể: "Mỗi lần về nhà, em xin mẹ 50 nghìn đồng để tiêu vặt nhưng có tuần em không xin. Một tháng mẹ cho em khoảng 100 nghìn đồng để đóng tiền học thêm, chi phí linh tinh. Em biết kinh tế gia đình mình bấp bênh lắm, vì vậy em phải cố tiết kiệm, tháng nào còn dư tiền là em đưa lại cho mẹ".

Cô bé “hạt tiêu” cháy cùng ước mơ vào đại học 1

Thanh Thảo luôn cố gắng học tập để biến ước mơ thành hiện thực.

Mỗi lần nhắc đến cha mẹ, mắt Thanh Thảo lại rưng rưng. Ba mẹ vất vả lo cho Thảo rất nhiều, gia đình rất khó khăn, ba mẹ phải làm việc rất vất vả để nuôi Thảo học xa nhà. Ba mẹ còn lo cho chị gái là sinh viên đại học Bách Khoa Đà Nẵng, hơn nữa 18 năm nay gom góp được bao nhiêu tiền ba mẹ đều lo thuốc thang chạy chữa để Thảo có một sức khẻo tốt. Chỉ cần nghĩ về cha mẹ phải chịu bao vất vả thì dù trong người có mệt yếu, nhiều bài tập khó em cũng không nản lòng, phải tự động viên mình cố gắng. Ngoài việc học tập thật tốt để đền đáp công ơn cha mẹ thì cô học trò này không thể làm gì khác, vì vậy Thảo luôn dặn lòng mình "phải học", sau này nên người đền đáp công ơn của cha mẹ.

Dù ngoại hình không được như các bạn trong lớp, nhưng Thanh Thảo luôn tự tin trong giao tiếp cũng như trao đổi bài vở cùng các bạn. Bằng nghị lực phi thường và sự động viên của gia đình, cô bé "hạt tiêu" đã đặt ra cho mình nhiều dự định trong tương lai. Thảo đã tự khẳng định mình khi trở thành một trong những học sinh đại diện của trường tham dự kì thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh và em có thành tích học tập khá tốt. Với Thảo, chỉ có tự mình vượt qua mọi khó khăn mới có thể gặt hái được nhiều thành tích trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Biệt tài tâm lý và ước mơ vào đại học

Với dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, tính cách vô tư, chan hòa và sở hữu giọng nói khá dễ thương, Thanh Thảo luôn được bạn bè và thầy cô trong trường yêu mến. Được thầy cô, bạn bè nhận xét là người chăm ngoan, chịu khó tìm tòi, không ngại khó, ngại khổ vươn lên, đó cũng là động lực lớn đối với Thanh Thảo. Nhiều thầy cô và bạn bè còn lấy em làm động lực vượt qua khó khăn tiếp tục gắn bó với ngôi trường này. Không chỉ học tốt môn văn, Thanh Thảo còn có biệt tài về "tâm lý". Tuy nhiên, Thanh thảo chỉ coi đó là tài lẻ của mình. Khi ngồi cùng người khác, hoặc ngồi đối diện, Thảo có thể phán đoán được suy nghĩ và tâm lý của người đó. Thảo có thói quen quan sát cuộc sống, quan sát mọi người xung quanh và tự mình trải nghiệm, suy nghĩ. Chính vì không ngại tiếp xúc với người khác, nên Thảo có thể hiểu và nắm bắt tình cảm của họ rất nhanh.

Trong thời gian tới, Thảo mong mình có một sức khỏe tốt, từ đó có thời gian học tập tốt hơn, sau này mới giúp được ba mẹ và những người đặc biệt như mình. Trong mắt cô học trò bé nhỏ luôn trào lên một hy vọng "nếu một ngày tôi được lớn", đó là ước mơ đơn giản mà bao bạn bè khác của Thảo vẫn làm được. Thảo muốn được đi chợ, nấu cơm, làm những công việc hàng ngày thay cha mẹ, được tự tay dọn đồ lên gác mỗi khi mùa lũ tràn về. Thảo muốn một lần được tự mình đạp xe đến trường mà không phải để người khác đèo cho thỏa niềm mong mỏi từ những ngày còn thơ ấu. Có lẽ môn thể dục quốc phòng bị bỏ trống cũng là điều hối tiếc của Thảo. Em mong trong cột điểm quốc phòng của mình được ghi bằng những con số, mong được cầm tay em nhỏ dắt qua đường, nhường ghế cho cụ già trên xe bus. Và nếu một ngày được lớn lên "em sẽ không ngại ngần nhìn vào ánh mắt của một ai đó". 

Những ước mơ tưởng chừng như đơn giản nhưng với Thảo thì khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, chính những ước mơ nhỏ nhoi đó đang tiếp thêm sức mạnh để cô bé "hạt tiêu" thực hiện ước mơ vào đại học của mình. Những bài văn điểm 9 cộng với biệt tài về tâm lý, Thảo luôn khao khát thi đỗ vào ngành tâm lý học của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tại TP.HCM. Dù khó khăn tới đâu, nhưng em sẽ cố gắng hết mình để mang lại niềm tin và niềm tự hào cho ba mẹ, sau đó em sẽ thực hiện nốt những ước mơ vẫn đang còn dang dở của mình.

Thảo chia sẻ: "Nếu bạn có cơ thể khỏe mạnh, một đôi chân vững chắc, bạn đừng ngần ngại làm bất cứ việc gì. Còn những người khuyết tật, gặp bất hạnh trong cuộc sống hay đặc biệt như mình sẽ luôn có một ước mơ cháy bỏng và vươn lên. Mong các bạn hãy sống thật có ích cho xã hội, cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, tìm cho mình một ước mơ đích thực và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày