Chương trình đại học cần bớt trừu tượng

Tuổi Trẻ, Theo 11:23 01/11/2013
Chia sẻ

GS Nguyễn Quang Diệu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), GS trẻ nhất được công nhận năm 2011 (lúc vừa tròn 37 tuổi), nhận định như vậy khi đề cập đến những thay đổi cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo thực chất trong nhà trường.

GS Nguyễn Quang Diệu chia sẻ: “Có những nội dung thuộc chương trình ĐH tiếp tục bị lặp lại đến 2/3 ở chương trình đào tạo thạc sĩ. Sự trùng lặp này nói lên điều gì nếu không phải là sự bất hợp lý, có phần chồng chéo về nội dung giữa các trình độ đào tạo khác nhau? Gói trong phạm vi đào tạo cử nhân sư phạm toán, thấy rất rõ nhiều nội dung học tại trường quá... nặng. Đành rằng có SV sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ, rồi theo con đường nghiên cứu, nhưng số đó không nhiều. Mục tiêu đào tạo chính vẫn là để các em tốt nghiệp về các trường THPT dạy học. Vậy mà nhiều kiến thức SV phải học trừu tượng quá mức, hầu như không dùng gì khi các em ra trường làm nghề.

Chương trình đại học cần bớt trừu tượng 1
GS Nguyễn Quang Diệu - Ảnh nhân vật cung cấp

"Giáo viên dạy phổ thông không cần thiết phải học đến trình độ thạc sĩ. Học xong thạc sĩ, không phải họ sẽ dạy phổ thông hay hơn. Song nếu cùng trường có 2-3 người học rồi thì những người khác cũng nhấp nhổm muốn đi học ngay. Việc này nhiều khi rất lãng phí... "

Theo GS, sự chồng chéo về kiến thức này bắt nguồn từ đâu và liệu có giải pháp khả thi nào áp dụng được ngay không?

Cần giải thích thêm sự chồng chéo xuất phát từ ít nhất hai nguyên nhân. Thứ nhất, mặt bằng chung kiến thức đầu vào các học viên cao học không đồng đều, nên cần thiết phải nhắc lại các kiến thức trước đó. Thứ hai, lý do cơ bản hơn là chúng ta hầu như chưa có những chuyên gia đầu ngành đúng nghĩa, tức là không những kiến thức cơ bản cũng thành thạo mà còn có khả năng tiếp cận với các công nghệ hay hướng nghiên cứu mũi nhọn và thời sự nhất hiện nay.

Chương trình ĐH nói chung nên được xây dựng theo hướng giảm bớt các lý thuyết trừu tượng trong những năm đầu ĐH, chú trọng hơn nữa vào việc mô tả các mô hình, ví dụ cụ thể, để SV dần dần tiếp cận với các lý thuyết cao cấp. Đi sâu hơn, sẽ hướng các em mường tượng ra được những ứng dụng của những gì đang học sau khi rời ghế nhà trường. Theo cách đó, tôi tin SV sẽ tìm thấy hứng thú, có cảm hứng hơn trong học tập.

Từng học tập, tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều nước, GS thấy có sự khác biệt nào về điều kiện học tập của SV mà VN cần cải thiện để thay đổi chất lượng đào tạo?

Ở các nước phát triển, sự đầu tư của nhà nước cho SV rất đáng mơ ước. Các khu ký túc xá trang bị hiện đại, nhà ăn, bến xe buýt, thư viện, trung tâm dạy ngoại ngữ... được xây dựng liên hoàn. Có thể nói SV chỉ có việc học cật lực và không phải lo gì về cuộc sống. Điều quan trọng nữa, ở các nước này, SV có sự giao thoa tốt hơn với các nhà khoa học hay chuyên gia giỏi, thậm chí chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực SV quan tâm.

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đặt ra kế hoạch sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học với các trường ĐH công lập để kéo gần hai mô hình lại với nhau. Theo GS, đây có phải là giải pháp khả thi?

Viện nghiên cứu và trường ĐH có những đặc thù riêng, nên việc sáp nhập cần được xem xét kỹ. Cách làm đơn giản và hiệu quả hơn chính là tăng cường hợp tác giữa các viện và trường. Ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... sự hợp tác giữa viện nghiên cứu và trường ĐH rất chặt chẽ. Các giảng viên ở trường ĐH có thể đến làm việc tập trung tại viện nghiên cứu trong một thời gian dài. Ngược lại, chuyên gia từ các viện nghiên cứu được mời giảng cho các lớp thạc sĩ hay hướng dẫn nghiên cứu sinh cho các trường ĐH. Đây là mô hình mà VN đang hướng tới. Cách thức hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) là một ví dụ điển hình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày