Bộ GD-ĐT “tiết lộ” cách thức điều chỉnh điểm sàn năm 2013

VOV, Theo 10:12 08/04/2013
Chia sẻ

Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra 2 mức điểm sàn: Điểm sàn trên và điểm sàn dưới.

Bộ GD-ĐT đang tập hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và đông đảo các thầy cô giáo về điều chỉnh điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp này, Bộ GD-ĐT sẽ có sự điều chỉnh điểm sàn sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế của các trường ĐH, CĐ.

Giải thích về việc điều chỉnh điểm sàn năm nay, trong cuộc trao đổi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Thực tế cho thấy, trong những năm qua, điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra sau kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã có những bất cập về việc dịch chuyển thí sinh từ vùng này sang vùng khác bị chênh lệch, nhiều thí sinh có điểm thi trên mức điểm sàn không chọn lựa học những trường ở các địa phương, trường ĐH, CĐ mới mở.

Bộ GD-ĐT “tiết lộ” cách thức điều chỉnh điểm sàn năm 2013 1
Thí sinh xem lại đề thi sau khi kết thúc buổi thi môn Toán trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012

Mặc dù, số lượng thí sinh có số điểm trên điểm sàn rất đông nhưng nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoặc những trường uy tín mà có ngành đang cần tuyển vẫn rất khó khăn trong công tác tuyển sinh. Vì vậy, việc điều chỉnh điểm sàn với mục đích là giải quyết những bất cập trên. Tuy nhiên, điểm sàn được điều chỉnh vẫn phải để cho các trường ĐH, CĐ nâng cao chất lượng đào tạo là chính.

Việc tính điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 dự kiến sẽ dựa trên mức độ của đề thi và phổ điểm trung bình 3 môn thi của thí sinh. Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra 2 mức điểm sàn: Điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Điểm sàn trên là điểm dựa theo chỉ tiêu tuyển sinh; còn điểm sàn dưới là tổng điểm trung bình của 3 môn thi-ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học ĐH, CĐ. Dự kiến, điểm sàn dưới sẽ thấp hơn điểm sàn trên khoảng 2 điểm.

Dự kiến có điểm sàn dưới sẽ giúp cho những địa phương, trường học, ngành nghề khó tuyển sinh có thể tuyển sinh dễ dàng hơn. Ngoài ra, những thí sinh nào không đạt được điểm sàn trên thì sẽ có thêm cơ hội đăng ký vào học ở những trường xét tuyển dựa trên điểm sàn dưới.

Tuy nhiên, điểm sàn dưới là điểm sàn thấp nhất để thí sinh có thể được xét tuyển học ĐH, CĐ. Vì vậy, những trường tổ chức thi hay không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển cũng sẽ căn cứ vào phương án trên để xét tuyển và việc xét tuyển sẽ không được lấy những thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm sàn dưới.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, việc dự kiến đưa ra mức điểm sàn trên và điểm sàn dưới là không có sự phân biệt giữa trường ĐH, CĐ công lập và trường ngoài công lập, trường tốp trên với trường tốp dưới./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày