Check xem liệu bạn có đang học "lưng chừng"

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 25/11/2012
Chia sẻ

Học lưng chừng, khái niệm ấy có quá lạ lẫm với bạn?

Điểm mặt chỉ tên

“Mời” bạn ngó qua những biểu hiện của kiểu học lưng chừng được liệt kê dưới đây:

- Chăm chỉ học bài nhưng không biết tại sao mình phải/cần học.

- Hoặc tự mãn, hài lòng với kết quả học tập của bạn thân và cho rằng mình không cần cố gắng nhiều hơn nữa.

- Đến lớp như một quy định bắt buộc và không làm gì khác ngoài... ngủ gật, nói chuyện với bạn bè, làm việc riêng trong giờ học.

- Không vui mừng khi điểm cao, không thất vọng khi điểm thấp. Với bạn, điểm số không đóng một vai trò gì cả.

- Không biết mình muốn gì.

Check xem liệu bạn có đang học "lưng chừng" 1

Lý do của bạn là gì?

Sự thực thì câu chuyện “học lưng chừng” không tự nhiên mà có. Nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, khá phong phú, đa dạng.

Với Phương Trang (ĐH KTQD) thì học lưng chừng là một kế cầm chừng của cô bạn trong những năm tháng học... nhầm trường. “Tớ muốn học ngành PR – Quảng Cáo. Nhưng bố mẹ nhất quyết phản đối và muốn tớ thi vào trường Kinh Tế. Để có thể làm vừa lòng bố mẹ, tớ đã nộp hồ sơ và đỗ vào trường này. Nhưng càng ngày, tớ càng cảm thấy mình không hợp với những con số, phép toán, những công thức khó nhằn. Thôi thì tới lớp học cho qua ngày rồi ra trường tính sau vậy!”

Còn Minh Phương (Gia Lâm, HN) thì khá “ung dung” với tư tưởng “Học hay không cũng thế!” của mình. Chẳng là cậu bạn này đọc được thông tin rằng kiến thức học trong trường phổ thông và đại học không thể giúp gì chúng ta sau khi ra trường làm việc nên Phương nghĩ cậu cũng không cần “mài ghế” nhà trường nữa. Cậu chểnh mảng học hành và không màng tới điểm số. Thậm chí cậu còn tin rằng đó là một lựa chọn đúng đắn và cười khẩy vào những người bạn khác đang chăm chỉ học hành và cố gắng từng đêm.

Riêng Phan Hoàng (BG) lại thể hiện sự chống đối trường lớp của mình bằng cách lơ là việc học. Khi thầy cô của cậu chấm điểm thiếu công bằng, có thể do một sự nhầm lẫn hay hiểu lầm nào đó, cậu không lên tiếng mà ngấm ngầm... ghét bỏ thầy cô. Cậu nghĩ việc chấm thi là không công bằng, hà tất cậu cần cố gắng. Từ đó cậu rèn cho mình thói quen đến trường mà như không đến, ngồi học mà như đi chơi...

Check xem liệu bạn có đang học "lưng chừng" 2

Bạn được gì khi ở giữa lưng chừng việc học?

- Sự tập trung nửa vời

Bạn không thể phân thân để hoàn thành cùng một lúc nhiều nhiệm vụ. Vậy nên khi ở trường cũng như lúc ngồi học ở nhà, bạn nên tập trung vào học thay vì lơ đãng. Điều đó không mang lại hiệu quả cho bất kì công việc nào của bạn.

- Sự ảo tưởng về bản thân

Như trong trường hợp của Phương, cậu bạn này luôn bảo thủ giữ ý nghĩ của bản thân về một tương lai “không cần kiến thức”. Cậu nghĩ cậu sẽ thành công. Nhưng cậu không biết rằng nếu không có những kiến thức nền tảng đó, cậu rất khó có thể tiếp thu những kiến thức nâng cao sau này. Thêm nữa, sự lười biếng của cậu ở thời điểm hiện tại có thể biến thành thói quen và ảnh hưởng đến tương lai của cậu rất nhiều!

- Sự thất bại có thể dự đoán

Dù bạn biết hay không biết, đồng ý hay phản đối, bạn cũng nên đưa ra ý kiến đóng góp của mình với thầy cô trực tiếp giảng dạy. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể liên hệ với các cơ quan khác như BGH nhà trường, thầy cô chủ nhiệm,... để được trợ giúp. Bạn chắc chắn không thể phát triển toàn diện trong một môi trường chính bạn cảm thấy không thoải mái. Bạn bằng lòng với việc học lưng chừng. Nhưng như thế có nghĩa cả đời bạn cũng có thể phải sống... lưng chừng. Bạn có muốn vậy không?
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày