Khi điểm chuẩn các trường đại học lần lượt được công bố thì cũng là lúc sinh viên ráo riết tìm một nơi ở trọ để chuẩn bị cho năm học mới. Tân sinh viên mới trúng tuyển đổ xô đi tìm chỗ an cư, nhiều sinh viên vừa ra trường vẫn tiếp tục bám trụ thành phố, sinh viên đã có chỗ trọ thì chạy ngược chạy xuôi tìm người chia sẻ chỗ ở khiến cho thị trường thuê nhà càng sôi động. Việc tìm nhà trọ đã trở thành "cuộc chiến" vô cùng gay go và khốc liệt.
Nhiều bạn đi từ sáng tới chiều tối với hy vọng tìm được cho mình một chỗ tá túc trong những năm học đại học sắp tới, nhưng đành tay trắng về nhà. Với những bạn sinh viên đã sống ở thành phố một thời gian, rành rẽ đường xá và có chút ít kinh nghiệm thuê nhà cũng phải tìm đỏ con mắt mới có được chỗ ở ưng ý. Còn những tân sinh viên “lạ nước lạ cái” thì hành trình tìm nhà trọ càng trở nên gian truân.
Kim Nga, sinh viên mới trúng tuyển vào trường đại học Công Nghệ TP.HCM, cho biết khi nghe tin trúng tuyển hai mẹ con hối hả khăn gói vào thành phố tìm chỗ trọ. Vậy mà đã hơn một tuần trôi qua, Nga vẫn chưa có được chỗ “nương náu” ưng ý. Nga chi sẻ: “Chỉ cần nghe chỗ nào có nhà trọ cho thuê là mẹ và mình đều tới tận nơi để liên hệ, nhưng chỗ sạch sẽ, an ninh được đảm bảo và gần trường thì giá mắc quá, tìm được chỗ rẻ thì nhà lại xập xệ, bốn vách chỉ là những tấm tôn xếp lại. Mình đang nghĩ đến phương án làm đơn xin vào ký túc xá của trường rồi từ từ tìm nhà trọ chuyển ra sau.”
Không chỉ những bạn “chân ướt chân ráo” tìm chỗ trọ gặp khó khăn, Thủy Tiên, sinh viên năm hai trường đại học Sài Gòn, sau khi chủ đột ngột đòi lại phòng trọ lại phải cấp tốc đi tìm chỗ ở mới. Cô bạn cho biết: “Thời gian khác tìm chỗ ở đã khó, bây giờ lại là lúc các bạn mới trúng tuyển cũng cần nơi ở cho năm học mới, khiến việc này càng trở nên vất vả. Thậm chí có nơi sáng treo bảng "cho thuê phòng" chiều đã thay bằng bảng "hết phòng cho thuê".
Tìm nhà trọ có nhiều cách như liên hệ với các tờ rơi hay bảng hiệu treo, nhờ trung tâm tìm giúp hay tìm trên internet. Tuấn Minh, tân sinh viên trường đại học Công Nghiệp cho biết, do mới đến thành phố không rành đường xá cũng chẳng có người quen để nhờ cậy nên phải nhờ những trung tâm dịch vụ tìm hộ phòng thuê với giá đặt cọc là 200.000 đồng. Thế nhưng, đi từ ngõ này đến ngách khác thì chỉ có những căn nhà nhỏ xíu, lại dơ bẩn. Cuối cùng Minh đành phải thuê căn phòng 17m2 chung với hai bạn cùng quê với giá 1,8 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện nước.
Phần lớn sinh viên ở trọ đều chọn cách ở ghép. Ở chung nhiều người tuy không thoải mái bằng lúc “một mình một cõi” nhưng tiền thuê nhà rẻ hơn và những lúc đau ốm hay khó khăn sẽ có người giúp đỡ. Nếu như nhiều sinh viên lao đao trên hành trình tìm nơi ở cho những năm tháng dùi mài đèn sách sắp tới thì nhiều bạn cũng chộn rộn tìm người chia sẻ phòng trọ.
Tuyên Hằng đang sống cùng với bốn người bạn trong một căn phòng ở khu nhà trọ có giá 2 triệu đồng/tháng. Bây giờ Hằng phải chật vật tìm người ở ghép vì hai cô bạn đã về quê sau khi tốt nghiệp ra trường. Cô bạn cho biết khu nhà trọ khá xa trường học, lại nằm trong hốc hẻm ngoằn ngoèo nên ít người biết đến. Hằng tâm sự: “Trước đây thuê bốn người nên mỗi người chỉ trả 500.000 đồng tiền nhà mỗi tháng, nay tiền nhà đã tăng lên đến con số triệu. Nếu không tìm được người thuê cùng chắc mình với nhỏ bạn chỉ còn cách ăn mì gói thay cơm để trả tiền nhà tháng tới.”
Cứ đến khoảng thời gian này, sinh viên lại đau đầu với vấn đề tìm chỗ ăn chỗ ở. Tìm được nhà trọ hay phòng trọ đáp ứng đủ các điều kiện sạch sẽ, thoáng mát, giá phải chăng, an ninh đảm bảo quả thật không dễ. Trong khi sinh viên ngày càng nhiều, chỗ ở lại không “nở” ra thì việc tìm được nhà trọ ở nơi “đất chật người đông” trước thềm năm học mới rất khó khăn.