Thuê phòng ở gần trường luôn là lựa chọn tối ưu
Nhiều bạn tân sinh viên chọn đến thuê trọ cùng với các anh/chị, hay bạn thân khi bắt đầu nhập học. Tuy nhiên, do mật độ phương tiện lưu thông dày đặc nên việc đi lại trong thành phố lớn và đông đúc như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… là không đơn giản. Thuê trọ ở xa khiến các bạn sinh viên mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để có thể đến trường. Quỳnh Mai (sinh viên năm 2 ĐH Công đoàn) có thuê trọ cùng bạn thân ở Cầu Giấy cho biết: “Mới đầu vì quý mến nhau và chưa quen biết ai nên mình đến ở cùng bạn thân ở Cầu Giấy, cách trường mình học 7 km. Tuy nhiên, việc hằng ngày phải dành 1-2 tiếng để đi lại rất mệt mỏi và bất tiện nên sau 2 tháng mình đành xin lỗi bạn và chuyển đến 1 xóm trọ gần trường.”
Ở thành phố lớn, chuyện tắc đường thường xuyên xảy ra khiến cho việc đi lại, di chuyển trở nên khó khăn nhất là trong giờ cao điểm. Không những thế, ở xa trường bạn sẽ phải mất thêm 1 khoản chi phí, thời gian và công sức đi lại. Vì vậy, bạn nên tìm thuê 1 phòng trọ gần trường, càng gần càng tốt để có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc. 1 khảo sát trong môn Xã hội học của SV Học viện Báo chí Tuyên truyền cho thấy : Khả năng sinh viên ở gần trường trong khoảng thời gian lâu dài cao hơn rất nhiều so với những sinh viên ở xa trường.
Dành thời gian để xem xét kỹ ngôi nhà
Đừng thuê nhà quá vội vàng! Bạn và gia đình hãy dành thời gian để quan sát kỹ về nơi ở và nấu ăn, phơi quần áo, để xe cộ trong khu nhà bạn muốn thuê. Vấn đề an ninh rất quan trọng cho tân sinh viên sống ở phòng trọ. Rất nhiều vụ trộm cắp laptop, xe máy, tiền, điện thoại… của sinh viên đã để lại 1 nỗi ám ảnh đối với bất cứ bạn sinh viên nào. Hoặc đơn giản là vụ trộm vặt quần áo, phụ kiện cũng gây khó chịu và bất an cho nhiều sinh viên. Vì vậy, hãy chọn thuê ở 1 xóm trọ đảm bảo an ninh, cổng cửa chắc chắn. Lan Hương (sinh viên năm cuối CĐ Sư phạm Hà Nội) kể về câu chuyện thật của mình: “Vì không xem xét kỹ ngôi nhà để thuê nên mình đã thuê ở 1 xóm trọ có cổng cửa lỏng lẻo và đã bị mất trộm nhiều lần. Trong khi ngủ, trộm đã cạy cửa vào và cuỗm sạch đồ đạc giá trị của 3 chị em mình.”
Trao đổi trước với chủ nhà về tất cả những chi phí
Hãy trao đổi và làm hợp đồng trước về tất cả các chi phí phát sinh khi ở tại nhà, bao gồm tiền phòng, tiền điện nước, mạng internet, truyền hình cáp và các chi phí khác. Bạn nên làm hợp đồng với chủ nhà về các khoản thu để tránh những khoản chi phí tiềm ẩn và phát sinh trong quá trình ở trọ.
Anh Tuấn (sinh viên năm 3 ĐH Điện lực) kể về người chủ nhà của mình: “Do không trao đổi trước về chi phí trong khi ở trọ nên ngoài tiền điện, nước, mạng, hàng tháng, chủ nhà của mình lại “nghĩ” ra hàng loạt các chi phí phát sinh như: tiền điện cầu thang, tiền lau dọn vệ sinh, tiền đổ rác, tiền “bảo vệ môi trường”… Điều này làm sinh viên chúng mình rất khó chịu và mệt mỏi.”
Tìm hiểu trước về nội quy xóm trọ
Hãy đọc nội quy phòng trọ (nếu được ghi trên giấy) hoặc hỏi trước chủ nhà về nội quy xóm trọ bao gồm những vấn đề liên quan trực tiếp đến bạn như : giờ giấc đóng cửa, hay việc cho phép bạn bè đến chơi. Việc chuyển đến ở trọ mà chưa biết rõ nội quy sẽ làm nhiều tân sinh viên vỡ mộng.
Lan Anh (sinh viên năm 3 ĐH Sư phạm Hà Nội) kể lại: “Khi mình vừa chuyển đến ở nhà bà T – ngõ 28 – Trần Thái Tông - Cầu Giấy - Hà Nội, thì bà chủ mới đến và giảng 1 bài nội quy xóm trọ, bao gồm việc không cho phép bạn đến nhà chơi. Thật tiếc vì đã không hỏi trước về vấn đề này.”
Ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ bạn sinh viên nào, ngay cả với những người đã đi làm. Vì vậy, việc cẩn thận khi chọn phòng trọ, sống chan hòa với mọi người ở xóm trọ sẽ giúp bạn có 1 khoảng thời gian ở trọ với nhiều kỷ niệm đẹp.
Quỳnh Trang