Cantin đã không còn thân thiện với sinh viên

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 12/10/2012

Cantin kiểu cũ thường hay bị gắn liền với kiểu bán đắt, phục vụ không tốt, lại còn là chỗ dành cho nhóm bạn "cúp cua". Nên nhiều sinh viên khác khá e dè khi đến đây.

Một nơi chẳng mấy lạ

Căn tin trong trường là nơi luôn cung cấp đủ những đồ dùng, đồ ăn cần thiết dành cho các sinh viên, trung bình một trường đại học sẽ có số lượng căn tin tùy thuộc vào quy mô của trường, chính bởi vậy mà chẳng phải đi xa, bạn có thể đến ngay căn tin và có thể mua được thứ mà mình cần.

Phượng (sinh viên năm 3 ĐH KTQD) có chia sẻ: “Mình rất ủng hộ việc nhà trường đặt căn tin ở trong trường, trường mình có nhiều căn tin nên muốn mua gì cũng tiện lại mà không đi xa”.

Nhưng nó khiến sinh viên e ngại

Việc đặt căn tin ở trong trường là cần thiết, tuy nhiên, căn tin cũng có những điểm trừ.

Do được đặt ở trong trường đại học, và tạo thành một hệ thống nên các căn tin trong trường đã tạo thành thế “độc quyền” về giá bán, và điều đáng nói là giá bán trong căn tin thường đắt hơn ở ngoài rất nhiều, điều này hoàn toàn không phù hợp với đa phần sinh viên.

“Giá cả ở căn tin thường đắt hơn nhiều so với ở ngoài, đắt tới mức giật mình, đặc biệt là đồ uống ăn và đồ uống nên mình chỉ đến căn tin mua những đồ dùng cần thiết” – Quỳnh  (sinh viên năm 2 ĐH TNMT) chia sẻ.

cantin-da-khong-con-than-thien-voi-sinh-vien

Cùng ý kiến đó Phượng (sinh viên năm 3 ĐHKTQD) cũng thêm vào: “Không chỉ trường tớ mà hầu hết các căn tin ở các trường tớ qua, đều bán hàng đắt hơn ở ngoài rất nhiều”.

Biết là mọi hình thức kinh doanh đều dẫn đến mục đích hàng đầu là sinh lời, và căn tin cũng như vậy, nhưng việc hét giá quá cao so với mặt hàng đó ở bên ngoài sẽ gây nên tâm lý ức chế cho sinh viên, dẫn đến chuyện e ngại, khó chịu khi đến mua đồ ở căn tin với sinh viên, phần nhiều vẫn phải phụ thuộc vào gia đình.

Thêm nữa, về thái độ phục vụ của các nhân viên trong căn tin cũng làm sinh viên không mấy mặn mà.

Phượng (sinh viên năm 3 ĐHKTQD) tiếp tục chia sẻ: “Đa phần các cô bán hàng cho mình đều tỏ thái độ khó chịu, mình đi mua mà như đi xin vậy.”

Có thể dễ hiểu về nguyên nhân sâu sa của thái độ phục vụ như vậy, một phần là vì căn tin thường rất đông sinh viên nên họ khó có thể phục vụ được nhanh và kịp thời như mọi sinh viên đều yêu cầu. Thêm nữa căn tin bây giờ đang là thiên đường ăn uống và “chém gió” của một bộ phận sinh viên không thiết tha gì với việc học, nên thường trốn học và đến đó nghỉ ngơi. Họ có thể ngồi lê la ở căn tin nhiều tiết học, buôn chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ, xả rác bừa bãi và quỵt nợ... gây nên nhiều ác cảm cho các cô chú phục vụ ở căn tin.

Thêm vào đó, các sinh viên sau khi mua đồ ăn ở căn tin, cũng thực hiện ngay việc xả rác bừa bãi ở mọi nơi và mọi lúc.

“Chúng tớ không đút rác vào ngăn bàn và vứt ngay xuống sàn vì ngăn bàn phải để cặp rồi” – X ( trường CĐTH) hài hước chia sẻ.

Để cải thiện

Đại học FPT là đại học đi đầu trong cải thiện các vấn đề về căn tin, trong vài năm gần đây, trường đã tổ chức cho sinh viên đấu thầu việc quản lý căn tin trong từng kỳ, nhóm sinh viên có ý tưởng hay sẽ trúng thầu và được trao quyền quản lý, bán hàng trong căn tin. 

cantin-da-khong-con-than-thien-voi-sinh-vien

Trang (sinh viên năm 3 đại học FPT) chia sẻ: “Vì là sinh viên bán cho nhau nên thái độ phục vụ của họ rất vui vẻ và nhiệt tình, hơn nữa, đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để các bạn có đầu óc kinh doanh thử sức và rèn luyện.”

Để cải thiện về vấn đề giá thành, Đăng (sinh viên năm 2 đại học FPT) nêu ý kiến: “Có thể dành nhiều suất thầu cho nhiều nhóm sinh viên, buộc họ phải cạnh tranh và hạ giá bán”.

Vấn đề về căn tin đã diễn ra và vẫn đang tiếp diễn ở nhiều trường đại học, vì vậy các sinh viên đang rất cần sự định hướng và vào cuộc của phía nhà trường, thêm nữa, vấn đề ý thức của các sinh viên trong trường đại học và nhất là trong căn tin cũng là một yếu tố rất quan trọng.