Cảm phục chàng trai mù không muốn xin đặc cách mà tự thi ĐH

Gia Đình, Theo 15:42 03/07/2013
Chia sẻ

Đó là tâm sự trước thềm thi đại học của thí sinh Võ Văn Nhật (sinh năm 1995) cựu học sinh lớp 12/2, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền), dự thi ngành Quản trị kinh doanh tổng quát – Đại học Kinh tế (Đà Nẵng).

Đó là tâm sự trước thềm thi đại học của thí sinh Võ Văn Nhật (sinh năm 1995, trú phường Mỹ An 1, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, cựu học sinh lớp 12/2, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Liên Chiểu), dự thi ngành Quản trị kinh doanh tổng quát – Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Cảm phục chàng trai mù không muốn xin đặc cách mà tự thi ĐH 1
Võ Văn Nhật đã vượt qua mặc cảm tự tìm "ánh sáng" cho đời mình

Gặp Nhật vào sáng 3/7 khi em cùng mẹ đến địa điểm thi trường Đại học Đông Á làm thủ tục trước ngày thi, chúng tôi khâm phục trước sự nỗ lực vươn lên của em. Bà Nguyễn Thị Anh (mẹ em Nhật) cho biết, từ khi sinh ra cho đến lúc 18 tháng tuổi, Nhật bị khiếm thị một mắt mà không biết nguyên nhân vì sao. Sau đó gia đình có đưa em ra Hà Nội khám và các bác sỹ điều trị đã múc 1 mắt của em và lắp mắt giả vào.

Đến năm lên 2 tuổi, bất hạnh lại tiếp tục đổ xuống, khi con mắt thứ hai của em cũng bị khiếm thị. Cả gia đình vay mượn tiền bạc với hy vọng chữa khỏi, nhưng cuối cùng cũng con mắt đó cũng phải múc ra và thay mắt giả vào. Cuộc đời em Nhật phải sống trong bóng tối từ đây.

“Lúc đó gia đình tôi buồn lắm. Nhật là con đầu lòng, không may nó bị hỏng cả hai mắt. Cả nhà lo lắng, mất ăn mất ngủ. Rồi đây tương lai của con mình biết sẽ ra sao khi bóng tối bao trùm. Cứ nghĩ như thế mà tôi nước mắt rơi dài”, bà Anh tâm sự.

Với quyết tâm không để con mình sống những ngày tháng buồn tủi, từ năm lớp 1 đến lớp 6, gia đình đã gửi em Nhật vào học tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật).

“Ngày đưa nó vào lớp 1 nghe nó hỏi là mắt con không thấy gì cả làm sao học được con chữ hả mẹ? Liệu con có học được không? Có khó không? Hay mẹ cho con ở nhà cũng được. Nghe những câu hỏi bi bô của con mà lòng tôi quặn thắt. Chỉ biết động viên con cố gắng học hành, sẽ có thầy cô, bạn bè giúp đỡ con…”, bà Anh gạt nước mắt cho biết.

Cảm phục chàng trai mù không muốn xin đặc cách mà tự thi ĐH 2
Nhật cùng mẹ và thầy giáo đến địa điểm thi đại học để làm thủ tục vào sáng nay 3/7

Số phận đã không quay lưng lại với cậu bé Nhật, sau khi được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, em Nhật học lực ngày càng giỏi. Đến năm lớp 6 đến lớp 9, gia đình quyết định cho em theo học ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm như bao học sinh bình thường khác. 3 năm học ở trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu) Nhật đều là học sinh giỏi, các bạn bình thường cùng lớp ngỡ ngàng và khâm phục trước học lực giỏi của em.

“Bị khiếm thị từ nhỏ không nhìn thấy ánh sáng, em buồn lắm. Cứ nghĩ cuộc đời đã đóng sập cánh cửa mơ ước của mình. Nhưng được sự giúp đỡ của mọi người, bản thân em tự đứng dậy và tìm “ánh sáng” cho đời mình”, Nhật tâm sự.

Tay mân mê bảng chữ nổi, Nhật cho biết, từ khi mò mẫm biết được chữ trong bóng tối, em càng say mê học, đặc biệt là môn Hóa học và Vật lý. Để học được trong một lớp học bình thường như các bạn khác, hàng ngày lên lớp em nghe thầy giảng và nhờ các bạn ngồi cạnh đọc bài cho nghe, khi đến kỳ thi thì có thầy Nguyễn Duy Quy (trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu) giúp đỡ dịch đề thi qua chữ nổi, sau đó em làm bài. Cứ thế, trong 3 năm học cấp 3, em Nhật đạt học sinh giỏi cả 3 năm. Vừa qua, em được đặt cách miễn thi tốt nghiệp.

Cảm phục chàng trai mù không muốn xin đặc cách mà tự thi ĐH 3
Không nhìn thấy ánh sáng từ nhỏ, Nhật có đôi bàn tay giúp em thực hiện ước mơ học chữ và mơ ước bước vào cổng trường đại học để sau này có điều kiện giúp đỡ những bạn không may bị khuyết tật như mình

Là người dẫn dắt, hỗ trợ, chăm sóc việc học hành cho Nhật từ những năm cấp 2 đến cấp 3, thầy Nguyễn Duy Quy cho biết, em là một học sinh chăm học, hiền lành, thông minh và biết vượt khó.

“Mặc dù bản thân bị khiếm thị nhưng năng lực học tập và tính tình vui vẻ, hòa đồng, thân thiện của Nhật như các bạn bình thường. Mấy năm dìu dắt em học hành tôi quý mến đức tính đó của em. Bây giờ được Đại học Đà Nẵng phân công tôi và một giáo viên nữa giúp em Nhật trong vấn đề chuyển ngữ từ chữ nổi Braille sang chữ bình thường trong kỳ thi đại học này tôi mừng lắm. Mừng là em có thể tự tin đi thi đại học bình thường như các bạn khác. Đó chính là sự vượt khó vươn lên của em mà có lẽ sẽ là gương sáng cho các bạn trẻ noi theo”, thầy Quy cho biết.

Cảm phục chàng trai mù không muốn xin đặc cách mà tự thi ĐH 4
Giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp thành phố của Võ Văn Nhật

Theo thầy Quy, ngày đi đăng ký thi đại học cho Nhật, có rất nhiều người tư vấn là đối với trường hợp của em Nhật thì nên làm đơn xin đặt cách vào đại học để trường Đại học Đà Nẵng xem xét. Nhưng em Nhật không chịu làm đơn. Em nói phải để em tự đi thi như các bạn khác. “Em ấy tự tin mình có thể làm bài thi tốt như các bạn khác. Em ấy không muốn vì mình khiếm thị mà được ưu ái, muốn đi bằng chính sức lực của mình”, thầy Quy nói.

Được biết, Nhật là con đầu trong gia đình có hai anh em. Gia cảnh của Nhật cũng không khá giả gì. Bố mẹ em đều làm công nhân trong ngành thủy sản, lương ba cọc ba đồng chỉ đủ nuôi sống cả nhà qua ngày. Không những học giỏi, Nhật còn hát hay, đàn giỏi. Ngoài đạt giải ba Hóa học 12 cấp thành phố, Nhật còn đạt Huy chương bạc “Tiếng hát về trái tim người khuyết tật” được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2011.

“Phương châm sống của em là sống phải cố gắng hết mình, đừng quản ngại khó khăn và đừng nản chí”, em Nhật tâm sự.

Cảm phục chàng trai mù không muốn xin đặc cách mà tự thi ĐH 5
Đại diện Báo Gia đình & Xã hội trao số tiền 2 triệu đồng hỗ trợ kịp thời cho em Nhật trong kỳ thi này với mong muốn ước mơ vào giảng đường đại học của em Nhật thành hiện thực

Sau khi biết tin hoàn cảnh gia đình và nỗ lực vươn lên vượt khó của em Nhật, đại diện Báo Gia đình & Xã hội đã tặng em Nhật số tiền 2 triệu đồng trong chương trình “Tiếp sức mùa thi cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn” năm 2013. Nhận được số tiền hỗ trợ kịp thời của báo, em Nhật rất xúc động và hứa sẽ cố gắng hết mình trong kỳ thi Đại học này để không phụ lòng quan tâm của gia đình, thầy cô, bạn bè…

“Nếu đậu đại học và thực hiện ước mơ của mình, sau này ra trường em muốn mở một chi nhánh kinh doanh gì đó để tự nuôi sống bản thân và có cơ hội giúp đỡ các bạn không may bị khuyết tật như em vào làm việc”. Nghe lời tâm sự toát ra từ cậu học trò khiếm thị biết vượt qua hoàn cảnh để vươn lên học giỏi chúng tôi càng xúc động và cầu mong ước mơ vào cổng trường Đại học của em sẽ trở thành hiện thực.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày