Tháng 11 là tháng dành cho thầy cô và còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời học sinh. Đối với các bạn du học sinh mà nói, điều này là hết sức ý nghĩa. Bởi các bạn không chỉ xa quê hương, tổ quốc, mà môi trường học tập cũng thay đổi. Những chiêu quay bài, cúp học, bị thầy cô phạt thụt xì dầu, rồi các món ăn vặt quanh trường,... lại càng khiến các bạn bồi hồi, nhớ nhung hơn.
Như để những kỷ niệm ấy không bao giờ quên, các bạn teen Việt hiện đang sinh sống hoặc học tập tại Washington với biệt danh "nhóm Xì Trum" đã cho ra đời đoạn clip vô cùng ý nghĩa và không kém phần hài hước của tuổi học trò.
Màn quay bài vô cùng quen thuộc
Hay những chiêu lén lút cúp học rồi bị cô giáo phát hiện phạt thụt xì dầu.
"Có quay bài, có bị thầy cô phạt, những trò đùa nghịch khờ dại và các trò chơi dân gian,... đều có đầy đủ trong đoạn clip mà chúng tôi muốn gửi đến cho các bạn. Để clip ý nghĩa hơn, các thành viên trong nhóm còn dành tâm huyết thu âm hai bài hát "Tình thơ & Giấc mơ thần tiên" lồng vào nên tốn rất nhiều thời gian" - bạn Amy Tran, trưởng nhóm Xì Trum cho biết.
Đoạn clip rất ý nghĩa do các bạn trong nhóm Xì Trum dàn dựng.
Cùng nhau trò chuyện với một thành viên trong nhóm
Chào nhóm Xì Trum, không biết nội dung các bạn muốn truyền đạt từ đoạn clip này là gì?
Qua video Giấc Mơ Thần Tiên, tụi mình muốn đưa mọi người trở về với những kỷ niệm đáng yêu của thời học sinh. Dù ở xa quê hương, nhưng những hình ảnh và tình cảm với trường lớp, thầy cô, bạn bè vẫn luôn ăn sâu trong ký ức của từng thành viên trong nhóm. Qua video này, tụi mình cũng mong được quảng bá hình ảnh của thầy cô và học sinh VN đến các bạn nước ngoài, và cũng như những bạn người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ, để họ hiểu thêm về văn hóa & trường lớp Việt Nam.
Khi làm clip, các bạn học sinh hoặc thầy cô người nước ngoài có chia sẻ hay góp ý gì không?
Trong quá trình quay clip tại trường University of Washington, có rất nhiều bạn sinh viên của trường và một số khách nước ngoài đã rất thích thú và luôn gửi lời khen ngợi, nhất là đến các bạn “nữ sinh Việt Nam” trong tà áo dài trắng. Họ còn xin chụp hình chung với tụi mình nữa.
Ngoài ra, sau khi video hoàn thành thì mình có chia sẻ clip này với một vị giáo sư của mình tại trường University of Washington. Giáo sư đã tỏ ra rất thích thú với tất cả các trò chơi truyền thống của Việt Nam như nhảy dây, banh đũa, đá cầu, và giáo sư đã bật cười khi thấy những trò nghịch ngợm quậy phá của học sinh, cảnh cô giáo phạt 2 bạn thụt xì dầu, hoặc cảnh các bạn trốn học và bị bắt gặp. Giáo sư cũng đã rất ấn tượng với những tình cảm gắn bó của thầy cô và học sinh Việt Nam như thế này.
Những đạo cụ như áo dài, bánh tráng trộn, banh đũa... rất Việt Nam và truyền thống. Vậy các bạn ở bên đó để tìm những thứ này có khó khăn lắm không?
Áo dài trắng thì tụi mình tìm không khó. Tụi mình cũng sinh hoạt trong ca đoàn ở nhà thờ Việt Nam nên cũng rất thường mặc áo dài đi hát lễ. Một số bạn trong nhóm mới qua Mỹ định cư không lâu, nên vẫn còn giữ bộ áo dài trắng đã mang từ Việt Nam sang. Tuy nhiên, cũng có một số bạn đã qua Mỹ rất lâu thì phải nhờ người may từ Việt Nam gửi qua.
Và những thứ như cầu đá, muối Tây Ninh để làm bánh tráng trộn tụi mình cũng phải nhờ họ hàng và bạn bè ở VN gửi qua. Khó khăn nhất là món bánh tráng trộn, vì tụi mình phải tìm cách tự làm và làm cách sao cho nhìn thật giống bịch bánh tráng trộn của Việt Nam.
Khi sang nước ngoài học tập như thế, các bạn nhận thấy tuổi học sinh ở VN chúng ta như thế nào?
Khi tụi mình qua định cư ở Mỹ thì rất nhiều bạn bè ở Việt Nam đã nhắn tin hỏi thăm tụi mình học hành thế nào, có nhớ Việt Nam không? Tụi mình làm video clip này cũng như 1 lời nhắn gửi đến các bạn ở Việt Nam là tụi mình luôn luôn nhớ về quê hương, nhớ thầy cô và bạn bè.
Những hình ảnh và giây phút bên trường lớp, thầy cô, bạn bè ở Việt Nam là những kỷ niệm mà tụi mình không thể nào quên. Cho dù có ở xa quê hương, đi đến phương trời nào thì những hình ảnh và tình cảm thân thương này vẫn luôn trong trái tim tụi mình. Giờ phút này đây, chúng mình chỉ có thể mong ước được trở về ngôi trường cũ, gửi đến tất cả các thầy cô những cái ôm thật chặt và nói “chúc mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11”.