Bi hài chuyện sinh viên chạy theo bằng cấp

Phan Hằng, Theo Pháp luật xã hội 23:58 19/12/2013

Nhiều SV nghĩ rằng càng có nhiều bằng cấp thì cơ hội có việc làm càng cao. Thế nên, họ bất chấp thời gian thì ít mà lại “ham hố” đăng ký học rất nhiều để rồi kết quả không được cái nào có ích.

Tùy theo từng đặc thù của ngành đang học mà SV có thể lựa chọn cho mình những văn bằng như: Kế toán, tiếng Anh TOIEC, IELTS, TOEFL, nghiệp vụ Sư phạm, nghiệp vụ Báo chí, Tin học…

Lợi ích của những tấm bằng mang lại

Không thể phủ nhận rằng thời đại bây giờ nếu chỉ cầm một tấm bằng ĐH hoặc CĐ mà không có bất cứ cái gì kèm theo chắc chắn chúng ta sẽ khó xin được việc làm. Mặc dù, có những tấm bằng chỉ mang tính chất tượng trưng, không giúp ích được cho chuyên môn nhưng nó lại làm hồ sơ của chúng ta “đẹp” lên rất nhiều.

Chẳng hạn như bạn học Kinh tế thì nên có thêm 1 cái bằng Ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nhật, 1 cái bằng Tin học hoặc Kế toán. Có như thế, hồ sơ xin việc của bạn sẽ dễ dàng được chú ý hơn. Chưa kể, hết hầu các nhà tuyển dụng đều có tâm lý muốn tuyển một nhân viên có thể làm được nhiều việc cùng một lúc để có thể tiết kiệm được một số thứ.

Một số bạn SV thì nghĩ rằng, học nhiều văn bằng nếu sau này, cái bằng chính không xin được việc làm thì mình có thể sử dụng “đỡ” những tấm bằng phụ.

Bi hài chuyện sinh viên chạy theo bằng cấp 1
Ảnh minh họa

Thực tế không như ta nghĩ

Thế nhưng, thực tế rất ít SV có thể hoàn thành tốt việc học của mình. Việc phân bố thời gian không hợp lý khiến cho việc học chính trên trường và việc học những văn bằng khác bị xáo trộn. 

Bạn K.Anh (SV năm 3 ĐH NN) cho hay: “Mình đang học tiếng Anh, nhưng mình muốn có thêm một cái bằng nghiệp vụ Sư phạm và Tin học. Bây giờ việc học trên trường khá là nặng, thời gian thì không có nhiều mà nếu không học bây giờ thì sang năm 4 cũng trễ rồi. Giá như vào năm 1, năm 2 có người nói sớm cho mình biết thì mình đã học từ lúc đó. Như thế sang năm 3 mình sẽ có cơ hội học thêm những thứ khác và tập trung cho chuyên môn ngành học của mình. Bây giờ mình học như đi chạy sô ấy, sáng chiều thì học chính trên trường, tối thứ 2 - 4 - 6 thì học Sư phạm, còn tối thứ 3 - 5 - 7 thì Tin học. Mình hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi luôn.”

Một số khác rơi vào những tình huống rất bi hài, nhiều bạn đơn giản suy nghĩ rằng chỉ cần có càng nhiều bằng thì sẽ có lợi cho mình sau này. Thế nên, những bạn đó đi đăng ký học nhiều nhưng lại không tập trung được cho cái nào hết.

Trường hợp của bạn H.Nam là một ví dụ điển hình. Đang học CNTT nhưng bạn ấy muốn có thêm một cái bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, rồi đi đăng ký thêm một lớp học Bác sĩ máy tính. Học Ngoại ngữ không đòi hỏi bản thân phải thông minh, nhưng bắt buộc phải siêng năng thì mới có thể giỏi được. Mặc dù là đã đăng ký học nhưng bạn ấy lại đi "bữa được, bữa mất" vì học bên này thì mất bên kia, về nhà bài tập trên trường, lập trình, làm đồ án… ngốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, cả tiếng Nhật và tiếng Anh thì Nam chỉ nghĩ rằng mình đi học trên lớp là đủ rồi, về nhà học cái khác. Chính vì quá “ham hố” học nhiều bằng cùng một lúc nên đến kỳ thi, Nam rớt cả 2, còn khóa học Bác sĩ máy tính có liên quan đến ngành học nên mới may mắn đậu. H.Nam thốt lên rằng: “Biết vậy, đầu tư học từng cái cho chất lượng để đảm bảo có một cái bằng hơn là học quá nhiều bằng cùng một lúc. Bây giờ vừa tốn tiền, tốn công mà bằng thì chẳng có.”

Hệ lụy mang lại

Nhiều bạn ban đầu cũng muốn đi đăng ký học nhiều bằng, nhưng chỉ sau một thời gian cảm thấy mình không thể theo kịp nên chấp nhận bỏ giữa chừng để tập trung cho cái khác quan trọng hơn. 

Một số bạn năm 2 nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện thì có thể học cùng một lúc 2 trường ĐH, ra trường sẽ có 2 cái bằng cùng một lúc. Thế nhưng, có rất ít bạn có thể học tốt được cả 2 bên, nên nhiều bạn chấp nhận học chính 1 cái và học thêm nhiều bằng phụ khác.

Hệ lụy trước tiên mà nhiều SV mắc phải đó chính là tâm lý lúc nào cũng căng thẳng, học chưa xong cái này thì cái khác ập tới liên tục, stress, không có thời gian đi chơi, nghỉ ngơi, và nhất là tốn tiền bạc, thời gian mà lại thi không được, không lấy được bằng.

Chưa kể, nhiều tấm bằng học ra nhưng lại không giúp ích được cho nghề chính. Ví dụ như nhiều bạn thích học thêm những khóa ngắn hạn về Kế toán nhưng sau này đi làm thông dịch viên hoặc nghề khác thì lại chẳng liên quan gì tới cái bằng đã học. 

Vậy nên, tốt nhất bạn nên chọn những văn bằng phù hợp với nghành nghề mà mình đang học, có như thế, sau này sẽ không hối tiếc.

Thời gian để đầu tư và tập trung học những văn bằng khác cho hiệu quả cao nhất là vào năm 1, năm 2 và sau khi ra trường. Những khóa học ngắn thì bạn có thể sắp xếp học vào buổi tối, còn những khóa học dài đòi hỏi phải đi học chuyên cần thì tốt nhất bạn nên hoàn thành tốt việc học chính trên trường, rồi mới tập trung học cái này.