Đề văn mở, người chấm không cứng nhắc
Ngay trong buổi họp báo kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã giải đáp những ý kiến trái chiều xung quanh câu hỏi nghị luận của đề thi văn (câu 2). Câu hỏi yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của mình về hành động dũng cảm cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong cách ra đề thi của Bộ. Theo đó, đề thi không chỉ xoay quanh nội dung sách giáo khoa mà mở rộng đến những vấn đề của cuộc sống, có thể khơi gợi sự sáng tạo ở học sinh. Đề văn này được dư luận đánh giá cao, tuy nhiên cũng có ý kiến phân vân về việc chấm thế nào cho đúng với một câu hỏi mở như vậy.
“Việc ra đề mở sẽ có nhiều cách chấm khác nhau, bài văn lập luận chặt chẽ sẽ đạt điểm cao. Đề mở thì đáp án mở, không bắt bẻ chi tiết, nếu thí sinh đưa ra ý kiến có lập luận xác đáng thì đều được ghi nhận”, Thứ trưởng Hiển cho hay.
Đáp án và hướng dẫn chấm thi chính thức của Bộ ghi rõ: “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn vì Bộ không hướng dẫn rõ thế nào là lệch lạc và tiêu cực? Theo một giáo viên dạy văn, với dạng đề mở, việc xây dựng hướng dẫn chấm thi không đơn giản. Việc dư luận có những ý kiến khác nhau là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ lưu ý: Chấp nhận “kiến giải riêng mà hợp lí”, “thí sinh có kĩ năng làm bài tốt mà chỉ bàn luận một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa”…
Các giáo viên đánh giá, đây là chủ trương phù hợp với cách ra đề mở, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh và cũng không còn bắt buộc người chấm phải “đếm ý cho điểm” như trước đây nữa.
Không quá khó cho giáo viên
TP Hà Nội huy động hơn 1.500 giáo viên tham gia chấm thi. Bài thi của thí sinh toàn thành phố được tập trung về một hội đồng chấm thi. Dự kiến, Hà Nội sẽ hoàn thành chấm thi và công bố kết quả tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh vào ngày 15/6.
Theo thầy Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), đề mở, đáp án mở chỉ phát huy được hết ý nghĩa khi người chấm cũng phải mở lòng ra để đón nhận những ý tưởng mới mẻ của thí sinh. Người chấm rất dễ phát hiện những lệch lạc về tư tưởng đạo đức, có cách nghĩ tiêu cực theo kiểu chê bai, bài xích... Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra tình huống, có thể có học sinh khâm phục và ngợi ca hành động dũng cảm của Nam nhưng khi liên hệ với bản thân, các em có thể nói là không đủ dũng cảm để làm như Nam... Khi học sinh trả lời như vậy, người chấm vẫn cho điểm nhưng không cho điểm tối đa.
Ông Đại cho biết thêm, chỉ cần Hội đồng chấm thi thảo luận làm rõ “thế nào là những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực” và dự kiến những ý kiến “trái chiều” nhưng không phải là “lệch lạc, tiêu cực” (chẳng hạn, khâm phục hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Nam nhưng không thể hành động như Nam…) thì giáo viên sẽ không gặp khó khăn khi chấm thi.
Những giáo viên được cử chấm thi đều có kinh nghiệm trong giảng dạy và chấm thi nên họ sẽ biết cách thẩm định để thí sinh không bị thiệt thòi. Một giáo viên chấm thi cho biết, Hội đồng chấm thi tốt nghiệp của tỉnh đã thảo luận rất kĩ những ý mà “dư luận băn khoăn” để thống nhất quan điểm “thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”, dự kiến những tình huống có thể gặp trong quá trình chấm, nếu có vấn đề gì bất thường sẽ đưa ra thảo luận ở tổ chấm. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào bị đánh giá là có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Như Hương, trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, cho biết: “Mọi người cứ tranh cãi về chuyện có học tập theo Nam nhảy xuống sông cứu người hay không. Tôi thấy suy nghĩ đó là tương đối phiến diện. Tôi tin rằng, qua đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, câu chuyện của Nam sẽ làm lay động suy nghĩ của các bạn trẻ. Không có lý gì mà không cho điểm cao khi học sinh nói được một điều đơn giản là: Hành động của Nam giúp em phải xem lại bản thân mình, liệu có lúc nào mình đã sống ích kỷ, thờ ơ và vô cảm với những người xung quanh”.