Bài thi tốt nghiệp: vẫn còn những chuyện cười buồn

SGTT, Theo 10:00 16/06/2010

“Kính thưa thầy hoặc cô đang chấm bài thi của con, con thi ban A nên con xin thưa thật là con không chuẩn bị gì nhiều cho các môn khối C (đặc biệt năm nay có tới 3 môn)..."

Học sinh đã nắm được những kiến thức cơ bản, không nhiều bài thi mắc những lỗi ngớ ngẩn và cười ra nước mắt như các năm trước, tuy nhiên lại có những lỗi thuộc về “truyền thống” mà các học sinh cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học đầu tháng 7 tới.

Đó là chia sẻ của các giáo viên khối C  khi hầu hết các địa phương đã chấm thi xong, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010 bắt đầu được công bố.

Những chuyện cười… buồn

“Kính thưa thầy hoặc cô đang chấm bài thi của con, con thi ban A nên con xin thưa thật là con không chuẩn bị gì nhiều cho các môn khối C (đặc biệt năm nay có tới 3 môn). Để làm bài thi này con đã cố gắng bằng tất cả sự hiểu, nhớ lại những bài giảng cũ, tuy nhiên con biết sẽ có chỗ đúng chỗ sai. Vậy nên con mong được thầy cô nương tay để con có thể không bị điểm liệt, vượt qua kỳ thi. Con xin hứa sẽ cố gắng hơn trong quá trình học tập sau này. Mong được thầy cô bao dung, tha thứ. Con: Đứa học trò ngu dốt!”.

Đó là một trong những bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010 gây “ấn tượng” mà cô H.L.Hương (giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) kể lại. Cô Hương cho biết, em thí sinh viết 4 trang dầy đặc chữ thể hiện sự “cố gắng” và có những chi tiết đúng nên thầy cô cũng… nương tay.

Còn cô N.T.Vân (giáo viên Sử, trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) kể, trong câu 2 (phần chung) nói về Diễn biến cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19.12.1946 đến ngày 17.2.1947) đáng lẽ ra phải nói là “đánh ở chợ Đồng Xuân thì có học sinh lại viết thành “đánh ở Berlin, “Chúng tôi đánh giá em thí sinh này có phần “liên hệ với thế giới” tốt”, cô Vân cười.

Hoặc có một số em khi đề bài hỏi về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội, lại liên tưởng và phát triển tới tận… Việt Bắc. Thậm chí có em còn viết trong bài, “Em chỉ thích học các chiến dịch thôi, mấy tổ chức nước ngoài em học không vào” tại phần câu hỏi theo chương trình chuẩn.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Mất điểm nhiều do lạc đề, bịa lung tung

Thầy T.Dũng (tổ trưởng tổ Sử, trường THPT Chu Văn An) đánh giá, năm nay chất lượng thí sinh làm bài thi môn Sử khá tốt, điểm số đa phần là khá giỏi. Không có những bài thi mang tính chất có vấn đề như mọi năm, hiếm gặp những bài thi “cười ra nước mắt”.

Đồng quan điểm này, cô Trần Thị Nhung (giáo viên Sử - Hải Phòng) chia sẻ, tuy các em không mắc những lỗi được cho là “ngớ ngẩn” nhưng có những lỗi thường năm nào khi chấm thi cũng gặp mà các em cần phải tránh để không bị trừ điểm khi thi đại học, cao đẳng sắp tới.

Nhung ví dụ, các em mắc quá nhiều lỗi chính tả, chưa chú trọng cách viết, hành văn tùy ý. Đặc biệt, do không thuộc bài nên các em cứ “bịa” lung tung để thầy cô thấy viết dài mà thương, nhưng như thế chỉ gây mệt mỏi cho người chấm. Nếu cứ bê nguyên xi cách hành văn ấy khi thi đại học, chắc chắn sẽ bị trừ điểm.

Ngoài ra cần phải đọc kỹ đề bài, vì lạc đề là lỗi rất hay mắc ở các bài thi, cô Nhung nói thêm.

Còn tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Văn, trường THPT Chu Văn An) cho hay, trong đề Văn năm nay, với câu hỏi về Lòng yêu thương của tuổi trẻ thời hiện đại, đáng lẽ các em phải nói được trực diện về tình yêu thương với sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của người khác… thì nhiều em lại lạc đề khi quá sa đà vào khía cạnh “mặt trái” – nhiều bạn trẻ với lối sống thờ ơ, vô cảm, vị kỷ. Trong khi ý này chỉ được có 0,5 điểm. Nhiều em kiến thức tốt, phân tích sâu nhưng vì quá sa đà vào ý nhỏ khiến tổng điểm bài viết không cao.

Tại ý phân tích nhân vật văn học Việt (trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi), thay vì “phân tích”các em đều biến thành “diễn xuôi”. Rồi ở phần sau phân tích bài thơ Sóng cũng vậy, thâm chí còn tách bạch hẳn bài thơ đề đi phân tích riêng về… tình yêu. Hay khi phân tích nhân vật Việt, nhiều em lại sa đà vào phân tích các nhân vật không được đề cập đến trong đề như bố mẹ, chị Chiến

Tiến sĩ Tuyết cũng đề xuất, đề Văn trong kỳ thi mang tính quốc gia nên có tính định hướng cho thí sinh. Ví dụ, khi phân tích nhân vật Việt, có thể hướng thí sinh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng hay chất Nam bộ trong tác phẩm, phân tích bài thơ Sóng nên hướng cho các em vào một vấn đề như tình yêu của người con gái hay hình thức nghệ thuật... sẽ giúp thí sinh tập trung vào hẳn một khía cạnh, bài văn không bị tản mạn quá.