Bài học để dành từ gia đình
Những ngày bé thơ, mỗi lần được cho kẹo, tặng quà, ông bà bố mẹ đều căn dặn không vội ăn hết hay dùng ngay mà phải biết “để dành”. Đôi khi là chờ tới bữa đói và đồ ăn trong nhà đã hết. Đôi khi là chờ tới Tết hay một dịp nào đó nơi quần áo mới là những món đồ cần thiết và không thể thiếu. Chúng ta luôn nghĩ đó là một cách thức tiết kiệm hay biết “lo xa”. Nhưng ta không biết câu chuyện ngày thơ bé ấy có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định của chúng ta ở hiện tại như thế nào.
Họ đã để dành như thế!
Có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng một khi lãng quên, bạn chẳng thể nào có thể sửa chữa. Ví như trường hợp của Lam Anh (CTV truyện ngắn cho một trang truyện online), đầu óc bạn ấy luôn tràn ngập ý tưởng để xây dựng truyện ngắn. Nhưng Lam Anh tự tin rằng mình có thể nhớ rất dai nên cô nàng quyết định quẳng chúng vào một xó và mãi tới khi rảnh rỗi “quá đà” mới lôi ra và ngồi viết. Tới lúc ấy, cảm hứng trong cô nàng đã bay biến và không sao “chấp bút” nổi. Hoặc tệ hơn, đôi lúc cô bạn cảm thấy hối hận vì một bạn nào đó đã chớp được ý tưởng và thể hiện nó trước khi cô bạn kịp làm.
Tương tự như thế, Thùy Dương (Thanh Xuân, HN) đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội nhận học bổng hay tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo quốc tế chỉ bởi thiếu chứng chỉ IELTs. “IELTs là bằng tiếng Anh có giá trị hai năm nên tớ dự tính trước khi ra trường sẽ ôn và thi để lấy bằng. Trong thời gian chờ đợi ấy, tớ mải chơi và chẳng thèm ôn tập chi hết nên trình độ tiếng Anh mai một thấy rõ. Bạn bè gửi cho rất nhiều thông tin học bổng, hội nghị quốc tế,... nhưng không đủ điều kiện tham dự chỉ vì chưa thi IELTs. Chần chừ và lần lữa mãi, biết bao cơ hội đã vụt qua tay.”
Không khá khẩm hơn Dương là bao, Hiếu (ĐH Luật HN) đã luôn phải nuối tiếc khi chưa một lần dám đưa ra quyết định cho bản thân mình. “Tớ sống theo sự sắp xếp của bố mẹ từ nhỏ, cũng muốn đứng lên nói ra tiếng nói, ý kiến của bản thân. Nhưng luôn tự nhủ, lần sau, lần sau nói cũng được. Tới giờ thì chẳng kịp nữa rồi, mọi thứ như đoàn tàu đã khớp đường ray và không có cách chi dừng lại”
Riêng Nam Anh (BN), đã hơn 3 năm kể từ ngày bắt đầu đi làm nhưng cậu vẫn chưa thể cầm trên tay tấm bằng đại học. Lý do là bởi cậu muốn bảo lưu kết quả học tập để thử làm việc tích lũy kinh nghiệm trước. Nhưng khi làm việc, cậu thấy chán ngán chuyện học hành. Thế là tạm gác và nói năm sau sẽ học. Nhưng thời gian càng dài, cậu càng ngại học. Cậu ấy đang phải đối diện với nguy cơ không thể lấy được bằng tốt nghiệp dù đã học gần xong Đại học.
Để dành ước mơ, trì hoãn cuộc đời
Bạn có nhận ra điểm chung của tất cả những ví dụ kể trên? Họ đều có ước mơ, có dự định và kế hoạch của bản thân. Nhưng thay vì hành động ngay, họ đều chần chừ, cất hành động của mình vào một góc mang tên “để dành”. Họ đâu biết rằng cuộc đời như những mắt xích chảy trôi liên tục. Chỉ cần bạn chậm trễ ở một điểm, bạn có thể kéo tụt cả hành trình dài phía trước của chính mình. Cơ hội đôi khi chỉ đến một lần trong đời. Nếu bạn không biết nắm giữ, bạn sẽ chẳng thể nào tìm lại, hoặc thậm chí còn phải đối diện với thất bại và nỗi ân hận.
Một khi đã có ước mơ, hãy dám sống với ước mơ của mình. Ước mơ không bị ai đánh thuế và cũng chẳng phải một món hàng cần được tiết kiệm hay để dành. Hãy cứ ước mơ và sống với nó.