Áp lực vì… được điểm cao

Mực Tím, Theo 16:31 01/02/2012

Đã là sinh viên, ai cũng muốn mình học giỏi, điểm cao để nhận học bổng. Nhưng vẫn có bạn cảm thấy… chán học, căng thẳng chỉ vì điểm cao! Mấu chốt của nghịch lý này là gì?

Không học gì cũng… được học bổng

C.G (sinh viên năm 2 ĐH S) kể: “Học kì nào mình cũng có học bổng, dù mình chẳng tốn sức là bao! Chỉ đến trường nghe giảng rồi thôi, chẳng bao giờ mở quyển sách ra đọc, nói gì đến việc học bài, làm bài. Gần thi, mình cứ nhớ được bao nhiêu thì ghi vào, không thì… tự chế. Các thầy cô thì luôn khuyến khích sự sáng tạo, nên môn nào mình càng “chém gió” thì càng được điểm cao! Mình cảm thấy vui và tự hào, nhưng đồng thời vẫn rất lo lắng. Điểm cao nhưng không học gì cả, liệu có… xứng đáng?”

M.Q (sinh viên năm 2 ĐH T) luôn đứng đầu lớp từ khi vào đại học tới giờ. Anh chàng cho biết, phương pháp học ở trường vô cùng nhẹ nhàng, chẳng hề tốn sức học như khi còn ở cấp 3. “Mình nộp nguyện vọng 2 vào trường này với số điểm 18.5, trong khi sinh viên ngành mình đa phần đều chỉ tầm 14 - 16 điểm, chính điều đó tạo cho mình sự nổi bật và khiến mình ỷ lại, chẳng còn muốn cố gắng” - M.Q cho biết.

Nghỉ học vẫn có điểm?

K.T (sinh viên năm 1 ĐH K) chia sẻ: “Thầy dạy Triết ở khoa mình dạy rất hay và thi cũng cực kì nhẹ. Đề mở và làm nhóm. Hôm đó mình nghỉ học, nhưng bạn bè mình vẫn thêm tên mình vào đề thi. Cả nhóm chỉ việc chép một đoạn trong sách, vậy là cả nhóm 9 điểm. Có một số môn mình bỏ nữa, nhưng các bạn thay phiên nhau… làm kiểm tra cho mình, kí tên cho mình khi nộp bài. Cả năm nay, mình chỉ lên trường vài buổi nhưng chưa thi lại môn nào cả!”

T.P (sinh viên năm 2 khoa tiếng Anh trường ĐH T) được bạn bè trong lớp rất ngưỡng mộ chỉ vì bảng điểm “khủng”: không hề có môn nào dưới 9 điểm. Ít ai biết P nghỉ học liên miên, nhưng vì nói tiếng Anh siêu giỏi và thường xuyên phát biểu nên được điểm cộng từ thầy cô khá nhiều. “Các thầy cô luôn ghi nhận điểm cộng. Bây giờ mình đi thi 1 điểm đi nữa thì tổng số điểm cộng của mình đủ để khiến mình từ 1 thành… 10” - P nói.



Kiến thức gần như bằng 0

T.P chia sẻ, năm sau anh chàng dự định thi lại vào đại học Ngoại Thương vì quá chán cảnh điểm cao. “Sau này mình không biết tương lai mình sẽ đi về đâu với bảng điểm “đẹp như mơ” này. Thật sự trình độ mình không tới cỡ đó. Mình cảm thấy vô cùng nguy hiểm khi cầm tấm bằng loại giỏi nhưng rồi không tìm được việc làm. Thà điểm thấp để mình biết cố gắng” - P tâm sự.

“Bạn nghĩ mình vui vì điểm cao, vui vì thường xuyên được học bổng? Ngược lại là khác. Mình luôn trong trạng thái áp lực nặng nề. Bạn bè học Y Dược, Kinh Tế, Ngân Hàng…, ai cũng “cày” rất nhiều mà điểm vẫn thấp, mình toàn chơi mà luôn đứng đầu. Sau này ra đời mình sẽ ra sao? Kiến thức không có, khả năng đặc biệt cũng không, tấm bằng ở một trường đại học dân lập không thể khiến mình giỏi trong mắt nhà tuyển dụng. Mình đang tìm hướng khác để học, điểm càng cao thì mình càng… sợ, đặc biệt là những môn chuyên ngành” - M.Q băn khoăn. 

Cấp 3, học sinh luôn muốn điểm càng cao càng tốt để vượt mặt bạn bè. Nhưng lên đại học, sinh viên lại sợ những con điểm cao của mình, vì họ tin chắc thực lực của họ không được như thế. Nếu học ở trường khác tốt hơn, bảng điểm của họ chắc sẽ “xấu” hơn, nhưng họ chấp nhận, vì tương lai, vì kiến thức và trình độ, chứ không phải vì những con điểm hão huyền.