7 cách “học đâu nhớ đấy”

Hiến Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/02/2015
Chia sẻ

Những lúc rảnh hãy thử vận dụng vài phương pháp “học đâu nhớ đấy” sau đây nhé.

1. Làm “cách mạng” phương pháp học

Bạn đã rất quen với cách học từ xưa đến nay? Phương pháp đó có thể đã hoặc chưa đem lại kết quả tốt cho bảng điểm của bạn. Dù thế nào hãy thử làm một cuộc “cách mạng” trong phương pháp học tập xem sao.

Với những bạn chưa đạt được kết quả tốt thì nhất định phải thay đổi. Vì chỉ khi thay đổi, kết quả mới thay đổi. Còn với những bạn đã có những kết quả tốt thì cũng có thể thay đổi, để có một kết quả tốt hơn, hay có một sự mới mẻ và không bị nhàm chán. Nhưng thay đổi cái gì? Có rất nhiều thứ, điển hình như: giờ giấc học, cách thức học (đọc, hiểu, tìm tài liệu,…), mục tiêu học tập (học vì điểm hay vì kiến thức?).

 2. Chơi mà học, học mà chơi

Học tập trên sách, vở là điều cần thiết, nhưng không nên lúc nào cũng “vùi đầu” vào sách vở. Và những chuyến “du xuân”, chơi Tết của bạn cũng có thể trở thành những bài học quý giá, những trải nghiệm thực tế mà không phải lúc nào bạn cũng có được. Ví dụ, một chuyến “du xuân” ở vùng cao, hãy cố gắng vừa chơi vừa quan sát, vừa hỏi han, giúp đỡ những đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu hơn văn hóa của họ. Nếu chịu khó quan sát, bạn có thể “học mọi lúc, mọi nơi”. 



3. Áp dụng thực tế 

Khi học, hãy đặt câu hỏi “bạn học cái này để làm gì?”. Nếu chỉ là để có điểm cao, hãy học vẹt, đừng nghĩ nhiều cho mệt. Nhưng khi câu trả lời là nó áp dụng được cho thực tế thì hãy cố gắng hiểu, đừng quan trọng điểm số. Hãy cố gắng học những gì có thể áp dụng vào thực tế, đừng mất nhiều thời gian cho lí thuyết vô ích.

Khi đã có được những kiến thức bổ ích cho thực tế, hãy cố gắng áp dụng nó ngay vào thực tế. Vì chỉ khi làm bạn mới hiểu và nhớ lâu hơn. Ví dụ, khi học tiếng Anh, hãy cố gắng bắt chuyện với người nước ngoài, và tất nhiên bạn nên “rào” trước là “mình đang học tiếng Anh và mong họ giúp đỡ”.

4. Chia sẻ

Đừng ngại chia sẻ những gì mình vừa học được. Một bài viết hay bạn vừa đọc được, hãy kể ngay với những người bạn, để bàn bạc, tranh luận sẽ giúp bạn hiểu vấn đề hơn. Cũng như trong bài học, khi kết thúc buổi học, hãy “chém gió” về những vấn đề của bài học ấy. Bạn sẽ biết cần phải giữ những gì, bỏ những gì và học thêm điều gì. 

5. Tập trung 

Một lần nữa chúng ta lại phải nhắc đến sự tập trung. Chẳng ai làm được gì nếu không tập trung. Và những thói quen xấu khiến bạn mất tập trung rất “quen”: ti vi, máy tính, điện thoại,… Và giải pháp là hãy tránh xa chúng khi bạn đã xác định học bài.

Ngoài ra, hãy trang trí phòng, nơi học tập của mình một cách hợp lí. Có thể bừa bộn hoặc ngăn nắp theo ý thích của bạn. Màu sắc hài hòa và hơi thiên về màu nóng là tốt nhất. Đừng để không khí cảu khu học tập quá im lặng, một chút nhạc không lời là rất tốt.

6. Rút kinh nghiệm “sâu sắc”

Phải nhắc lại là rút kinh nghiệm thực sự. Khi vướng phải một lỗi sai, hãy nhìn lại nó và cố gắng nhớ thật kỹ để không bao giờ lặp lại lỗi cũ lần thứ hai. Đừng chữa bài kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chỉ cần biết điểm cao hay thấp là được chứ không quan tâm mình đang sai ở chỗ nào.

7. Dùng mẹo

Mẹo để học tập là một cách rất dễ nhớ. Áp dụng mẹo khi học không chỉ gúp bạn nhớ nhanh, nhớ lâu mà còn tạo niềm vui cho bạn. Ví dụ, những công thức Toán, Lí, Hóa biến thành văn thơ tình yêu. Hay những bạn học tiếng Anh sẽ biết đến UEOAI, OSHACOM. Khi tổng kết kiến thức thành cụm từ khóa, bạn sẽ nhớ rất nhanh.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày