1. Mục tiêu rõ ràng và phù hợp
Đương nhiên, mục tiêu sẽ là điều bạn phải vạch ra đầu tiên. Vì không có điều gì có thể thành công nếu không có mục tiêu. Trong năm mới này, hãy đặt cho mình một mục tiêu phù hợp. Ví dụ, bạn mong muốn có một chiếc xe máy, hãy ước lượng số tiền mà bạn cần và thực hiện nó. Tất nhiên bạn cần kiên định và có một bản lộ trình tốt.
2. Lập kế hoạch chi tiêu có “biến thiên”
Có 3 thứ thiết yếu nhất mà bạn không thể thiếu đó là: thực phẩm, tiền nhà (phòng trọ) và di chuyển. Vì nó là cố định nên bạn phải lên kế hoạch chi tiêu xoay quanh 3 “trọng điểm” này. Vì ngoài 3 thứ thiết yếu trên bạn còn rất nhiều việc phải “chi”.
Hãy lập cho mình một kế hoạch chi tiêu và những khoản tiết kiệm bắt buộc hàng tháng. Bạn phải làm và nếu ai đó đọc qua điều này mà kêu “làm mới khó” thì một lời khuyên là hãy bỏ ý nghĩ đó. Vì nếu đến kế hoạch chi tiêu của cá nhân bạn còn không làm được thì bạn hi vọng gì sẽ quản lí được những công ty, đơn vị sản xuất lớn, với hàng chục, hàng trăm công nhân?
3. “Thắt lưng buộc bụng” trong mua sắm
Tất nhiên rồi, mua sắm là một trong những thú vui tốn kém nhất mà bạn phải làm. Điều quan trọng là bạn phải có kế hoạch chi tiêu hợp lí cho mảng này. Hãy cố gắng vượt qua những “cám dỗ” mà các cửa hàng, siêu thị tung ra.
4. Lập sổ chi tiêu
Nếu bạn không thể lên ý tưởng trong đầu bạn về những khoản chi tiêu, hãy ghi chúng lại vào một cuốn sổ, ghi tất cả không bỏ bất cứ một khoản nào dù nhỏ. Sau đó, cứ 1 tuần bạn lại kiểm tra lại một lần và khoanh tròn những khoản bạn chi tiêu hoang phí. Hãy làm điều đó nhiều lần trên giấy và rút kinh nghiệm sâu sắc. Sau nhiều lần như vậy, một thói quen tiền bạc hợp lí sẽ hình thành trong đầu bạn. Chắc chắn!
5. Mặc cả
“Bệnh sĩ chết trước bệnh tim”, vì vậy đừng ngại mặc cả khi mua hàng. Giá niêm yết nhiều khi vẫn dành ra một phần đề phòng khách hàng thương lượng. Hãy tận dụng chúng và không ngại mặc cả ở bất cứ đâu.
6. Là “chuyên gia” khi mua hàng
Hãy tìm hiểu thật kĩ về các mặt hàng bạn định mua. So sánh giá cả từ nhiều nguồn trước khi mua một sản phẩm. Đó là cách tốt nhất để bạn không trở thành “con mồi” của các cửa hàng, kể cả những siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn.
7. Nghĩ cách tự kiếm tiền
Hãy nghĩ cách để tự kiếm tiền thay vì cứ suốt ngày “chìa tay xin”. Tất nhiên cũng chẳng sao nếu nhà bạn có điều kiện và công việc của bạn là “tiêu”. Nhưng lời khuyên là hãy tiêu những đồng tiền mà bạn kiếm được, nó mới là giá trị cuộc sống và những công việc còn đem đến cho bạn nhiều điều thú vị mà ở trường không có. Nếu bạn có khả năng tự kinh doanh riêng thì đây thực sự là điều tuyệt vời.
8. Cố gắng cắt giảm các khoản nợ
Hãy cố gắng trả các khoản nợ càng nhanh càng tốt, đặc biệt là các khoản nợ có lãi. Và hãy tránh tối đa việc phải đi vay và mắc thêm những khoản nợ dù đang rất khó khăn. Ví dụ cuối tháng đã đến, bạn đã “bội chi” hết số tiền bố mẹ gửi và tiền bạn làm thêm. Đừng vay tiền khi chỉ còn vài ngày nữa là đến kì bạn có lương. Vì chính khoảng thời gian bạn “bí” là lúc bạn tiết kiệm nhất. Tất nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.
9. Cắt giảm tối đa phí đầu tư
Khi bạn mang tiền đi đầu tư thông qua các công ty, tổ chức thường bị thu phí. Hãy giảm tối đa khoản phí đó bằng cách lựa chọn công ty có phí thấp hoặc chọn các loại hình đầu tư tốn ít phí.
10. Lập ngay sổ tiết kiệm
Phải nhấn mạnh lại rằng “hãy ngay lập tức lập sổ tiết kiệm”. Vì sức mạnh của sự cộng dồn là bạn càng tiết kiệm từ sớm thì càng có nhiều tiền để đầu tư và để dành khi về già. Đừng đợi đến khi đến giữa giai đoạn sự nghiệp rồi mới bắt đầu tiết kiệm.
11. Sống “ghép”
Nếu bạn sống xa gia đình, hãy cố gắng sống cùng những người bạn tốt (hay chí ít cũng không gian xảo). Việc sống “ghép” sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều khoản và cũng đỡ buồn hơn, an toàn hơn khi ốm đau.
12. Biết cách “từ chối”
Sự tốt bụng luôn là điều cần thiết nhưng đôi khi lại đem đến những phiền toái. Hãy cân nhắc trước những quyết định giúp đỡ người khác. Một lời khuyên có thể hơi “ích kỉ”: Hãy lo tốt cho mình trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Vì nếu bạn tốt bụng, nhưng nghèo, thì những khoản giúp đỡ của bạn cũng chẳng “ăn thua” gì với những giúp đỡ của người giàu. Hãy bỏ ngay suy nghĩ “tấm lòng là chính”.
13. Hãy mua đồ “rẻ và tốt”
“Rẻ” và “tốt” không mấy khi đi cùng nhau, nhưng nếu cần và có cơ hội, hãy mua ngay. Ví dụ, cùng một món đồ dùng, ở những siêu thị khác nhau sẽ có giá khác nhau, hãy chọn những siêu thị giá rẻ hơn. Tất nhiên, chất lượng vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Đây là tiết kiệm chứ không phải “ham rẻ”.
14. Khi không dùng hãy “tắt”
Vòi nước, bóng điện, quạt, ti vi,… khi không dùng hãy “tắt”. Thói quen này không chỉ giúp chính bản thân bạn tiết kiệm mà còn đang góp phần vào “công cuộc” tiết kiệm nguyên, nhiên liệu của đất nước.
15. Làm từ thiện
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, hãy làm từ thiện. Tất nhiên, như đã nói ở mục “học cách từ trối”, hãy giúp đỡ khi bạn có thể, và nếu có thể đừng từ trối giúp đỡ. Cho đi là nhận lại và niềm vui là thứ bạn “cá kiếm” được đầu tiên khi “cho đi”.
Tết đến, năm mới 2015 đã bắt đầu, nếu bạn chưa thành công, hãy cố gắng để thành công, nếu bạn đã thành công thì hãy tiếp tục cố gắng thành công hơn nữa. Mỗi người hãy cố gắng sống có kế hoạch, có khoa học. Đừng sống theo bản năng “không biết đến ngày mai”. Tất nhiên, sự hạnh phúc vẫn luôn là tôn chỉ thiết yếu trong “lập trình” cuộc sống. Chúc các bạn một năm mới sức khỏe, thành công và hạnh phúc.