1. Tập trung vào quá trình thay vì chỉ nghĩ đến kết quả
Mỗi công việc trong học tập và cuộc sống, dù lớn dù nhỏ, nếu muốn thành công bạn cần thực hiện nó bằng một quá trình liên tục và có nhiều cố gắng.
Nhiều người thường hay nghĩ về những thành công lớn lao, mơ ước về những điều kì diệu. Nhưng một lời khuyên là bạn nên tập trung vào những gì bạn sẽ làm được, thay vì những gì bạn mơ ước. Nghĩa là thay vì suốt ngày chỉ nghĩ đến những mục tiêu, bạn hãy tập trung vào các công đoạn để đạt được mục tiêu đó. Thay vì quan tâm đến kết quả, hãy tập trung vào quá trình thực hiện.
Hơi khó hiểu đúng không? Vậy đây sẽ là ví dụ, nếu bạn muốn cải thiện mối quan hệ với thầy cô giáo, bạn không thể chỉ nghĩ về điều đó và chờ đợi. Bạn cần phải tập trung vào việc học tập tốt hơn, giao tiếp nhiều hơn nhằm gây ấn tượng tích cực với thầy cô. “Hữu xạ tự nhiên hương”, quá trình này sẽ giúp bạn tự khắc giành được tình cảm của thầy cô.
2. Làm mọi thứ bất tiện
Một đặc điểm tâm lí dễ nhận thấy ngay đó là: những gì khó làm thì chúng ta sẽ hoặc không muốn làm hoặc rất ít khi làm.
Vậy hãy dựa vào đặc điểm tâm lí này để “cai nghiện” những điều hấp dẫn nhưng có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ví dụ: để tivi ở xa chỗ ngồi học, bạn sẽ ngại đi bật; để điện thoại ở chế độ im lặng và khó với tay; tắt ứng dụng chát của Facebook,…
Sự thuận tiện của môi trường xung quanh sẽ khiến bạn dễ phân tâm. Vì thế, hãy tự làm khó chính mình để tránh xa những “cám dỗ” của môi trường xung quanh.
3. Phân loại nhóm công việc, nhiệm vụ
Mọi người đều có vô số những công việc, nhiệm vụ phải thực hiện và hoàn thành trong ngày, trong đời. Thế nhưng, mức độ cần thiết và quan trọng của các nhiệm vụ, công việc lại rất khác nhau. Vì thế, chúng ta phải học cách phân loại các nhiệm vụ và công việc để biết việc gì đáng làm và việc gì không đáng làm.
Ví dụ, bạn cần chọn ra hai hoặc ba nhiệm vụ đóng góp nhiều nhất cho việc học tập của bạn. Chẳng hạn, những việc gì giúp bạn học tập hiệu quả nhất? Điều gì giúp bạn đạt điểm số cao nhất? Điều gì giúp bạn không chỉ có điểm cao mà còn có kĩ năng tốt? Hãy trả lời các câu hỏi để chọn ra những nhiệm vụ quan trọng nhất và loại bỏ những thứ khiến bạn mất thời gian.
4. Biết dừng lại đúng lúc và nghỉ ngơi khoa học
Ernest Hemingway, tiểu thuyết gia nổi tiếng với nguyên lí “tảng băng trôi” có một câu rất hay: “Cách tốt nhất là luôn luôn dừng lại khi bạn đang làm việc tốt và biết rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu bạn làm điều này mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ bị mắc kẹt”.
Câu nói có ý nghĩa đúng tầm của một tiểu thuyết gia vĩ đại nước Mỹ, và từng được trao giả Nobel vào năm 1954: Đừng “bức tử” bản thân khi ép cơ thể hoạt động quá sức, làm việc, học tập đến suy kiệt. Hãy biết lúc nào mình nên dừng lại, để cơ thể có thể phục hồi và làm việc lâu dài.
5-10 phút nghỉ giữa giờ sẽ giúp bạn “sạc” lại năng lượng. Phương pháp quản lý thời gian hiệu quả và khoa học mà bạn nên áp dụng vào công việc. Hãy nghỉ ngơi 5 phút sau 45 hoặc 60 phút làm việc. Lúc đầu chưa quen, hãy để chuông báo.
5. Giải quyết việc nhà
Có thể bạn chưa biết làm việc nhà cũng là một cách thư giãn hiệu quả cho đầu óc của bạn. Khi gặp căng thẳng, hãy giải quyết những công việc lặt vặt trong nhà, trong phòng của bạn.
Khi vừa thấy mỏi mắt, chóng mặt, hãy rời khỏi máy tính và đi… xếp lại đống sách vở đang bừa bộn trên bàn; quét rọn gầm giường; lau nền nhà; tưới cây, phơi quần áo,… Hãy thử một lần, hiệu quả sẽ là ngoài mong đợi của bạn.
Không chỉ giúp bạn giảm stress, làm việc nhà sẽ giúp bạn nâng cao năng suất công việc và tiết kiệm thời gian. Ít nhất là bổ ích hơn việc bạn vùi đầu vào mạng xã hội…
6. Biết cách từ chối
Đừng cố gắng ôm đồm mọi thứ, vì việc cố gắng làm mọi thứ để làm hài lòng tất cả mọi người rất dễ khiến bạn mệt mỏi.
Vì thế, hãy biết cách từ chối để dành thời gian cho bản thân thay vì suốt ngày “vác tù và hàng tổng”. Mỗi người đều chỉ có một khoảng thời gian hữu hạn, tưởng rất dài nhưng thực tế lại rất ngắn. Vì vậy, thay vì phí phạm cho những người khác, hãy nghĩ về bản thân mình.
Tất nhiên, chẳng ai khuyến khích sự ích kỉ. Nhưng không ai có thể mãi nói “có” với những người xung quanh. Vì thế hãy học cách nói “không” khi cần thiết.
7. Mục tiêu phù hợp và tiếp sức bằng những thành công nhỏ
Thay vì những mục tiêu lớn quá sức dễ khiến bạn bỏ cuộc, hãy hoàn thành những mục tiêu nhỏ trước để tạo động lực cũng như kinh nghiệm để hoàn thành những mục tiêu lớn. Ví dụ, bạn đặt mục tiêu đạt điểm trung bình là 9.0. Bạn cũng rất có quyết tâm, thậm chí lên dây cót tinh thần. Nhưng không thể phủ nhận đây là mục tiêu không dễ thực hiện. Chỉ cần gặp chút khó khăn bạn sẽ dễ bỏ cuộc, hoặc thất vọng khi không đạt được. Vì thế, thay vì 9.0, hãy đặt mục tiêu 8.0. Việc đặt mục tiêu vừa phải, vừa giúp bạn bớt áp lực vừa giúp bạn thêm tự tin khi bạn vượt chỉ tiêu.
Mục tiêu càng lớn, đường đến càng dài. Hãy bắt đầu từ những mục tiêu vừa phải, kiên trì theo đuổi nó. Khi bạn đạt được những cột mốc thành công nhất định, bạn sẽ có cơ hội nhìn lại, đánh giá lại những gì mình đã làm và mục tiêu của bạn sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa.
8. Có kế hoạch cho thời gian rảnh
Thời gian là hữu hạn (như ở phần 6 đã nói), vì thế đừng bỏ phí thời gian rảnh. Và muốn không bỏ phí thời gian đó, hãy lên kế hoạch cho nó.
Bạn có thể rảnh rỗi vào thời điểm nào? nên làm gì? với ai? Bạn có thể tận dụng thời gian đó để tiếp tục làm việc, hoặc nếu bạn không muốn vùi đầu vào công việc thì bạn có thể lên kế hoạch đi chơi. Tóm lại, đừng để thời gian rảnh cuốn bạn vào những việc mà bạn không thích làm, hoặc tệ hơn là rảnh rỗi mà không tận hưởng được gì cả.
9. Dành thời gian cho những người thân yêu
Một điều rất dễ mắc phải khi bạn bận bịu là bỏ quên những người thân yêu. Lỗi không hoàn toàn là do bạn vô tâm mà vì những người thân luôn yêu thương bạn vô điều kiện và không đòi hỏi bạn phải dành thời gian cho họ.
Nhưng đừng mãi nhận tình yêu thương từ những người thân, mà hãy thường xuyên dành cho những người thân tình yêu của bạn. Một cuộc gọi cho bố, mẹ, ông, bà; một lời hỏi thăm với những người bạn thân; một lời chúc cho người yêu;… Không mất nhiều thời gian nhưng sẽ đem lại nhiều niềm vui cho những người thân yêu. Và điều này khiến bạn cũng yên tâm học tập và làm việc.
10. Đảm bảo sức khỏe
Có thể bạn không đồng ý với câu: “Có sức khỏe là có tất cả”. Nhưng bạn không thể không đồng ý với việc không có sức khỏe thì sẽ chẳng thể làm được gì. Vì thế đừng “bỏ quên” sức khỏe của bản thân.
Hãy “bồi bổ” cho sức khỏe của mình bằng những thói quen đơn giản như: uống đủ nước, đi bộ nhiều hơn ngồi xe, leo cầu thang nhiều hơn dùng thang máy… Ngủ sớm, dậy sớm, hạn chế thuốc lá, bia rượu, nước ngọt, thức ăn nhanh là những việc tiếp theo bạn có thể làm để tỉnh táo và khỏe mạnh hơn.
11. Đừng tiếc nuối
Nhân vô thập toàn, ngay cả những người tài giỏi nhất thế giới cũng không thể thực hiện mọi thứ một cách hoàn hảo. Sai lầm và khiếm khuyết là phần tất yếu của cuộc sống và công việc.
Vì vậy, thay vì mất thì giờ chìm đắm trong cảm giác tiếc nuối và tội lỗi, thì bạn nên tập trung năng lượng và sự tỉnh táo để rút kinh nghiệm từ những việc đã qua và chuẩn bị cho những nhiệm vụ kế tiếp.