Vừa bước vào giảng đường đại học, làm quen với môi trường mới, bạn bè mới… khi đã ở tuổi trường thành, tân sinh viên có những nét chung rất… riêng. Những điểm thú vị này thường rất đơn giản, tuy nhiên chính họ cũng ít khi nhận ra. Đó là…
Chưa lớn hẳn
Họ vẫn còn "nghiêm trọng hóa vấn đề". Khi gặp khó khăn (xa nhà, phải tự lập, cách học mới) thì hay nản, hay than thở, không chịu bắt tay vào xử lý tình huống mà thường làm mọi chuyện to tát, phức tạp hơn.
Điệp khúc “ước gì…”
Khi còn đang học 12, họ luôn mong muốn được trở thành sinh viên. Nhưng khi đạt được mong muốn đó, họ lại ước được quay về cấp 3, mặc dù hiện tại việc học của họ thoải mái hơn rất nhiều.
Suy nghĩ nhiều
Tân sinh viên thường nhớ về quá khứ, lo lắng về hiện tại và lên kế hoạch lâu dài cho tương lai. 18 tuổi là cột mốc quan trọng, họ đã gần như trưởng thành và bắt đầu có nhiều biến chuyển trong suy nghĩ, nhưng vẫn chưa thoát khỏi những nỗi lo vụn vặt ở tuổi mới lớn, những nỗi buồn vu vơ…
Kiêu hãnh
Trở thành tân sinh viên, họ luôn cảm thấy tự hào, vì không phải ai cũng có thể được vào đại học. Với những bạn học giỏi, điểm cao, vừa bước vào giảng đường, họ đã liệt kê ra rất nhiều tham vọng, mục tiêu, hoài bão rất to lớn. Họ muốn chứng minh rằng họ giỏi, họ trưởng thành, họ sẽ cống hiến hết mình cho xã hội.
Giản dị hơn
Ăn mặc giản dị, chững chạc hơn khi ở giảng đường. Không còn phong cách "xì tin" như thời học sinh mà thay vào đó, trang phục họ chuộng nhất là quần jeans dài, áo thun, áo sơ mi, dù họ có thể thoải mái mặc theo sở thích. Họ tự cảm thấy bản thân đã không còn “trẻ trung” và việc khoác những bộ cánh quá màu mè sặc sỡ sẽ khiến họ mất đi “đẳng cấp” ở hiện tại.
Muốn khác biệt
Tuy giản dị nhưng họ thích "tạo điểm nhấn" cho bản thân theo một cách nào đó: Cá tính hơn, kiểu tóc ấn tượng hơn, gu thời trang táo bạo hơn.
Thích va chạm
Tân sinh viên luôn đầy năng động và thừa nhiệt huyết (dù cho vài năm sau họ sẽ bắt đầu “giảm nhiệt” dần). Thích đi đây đó, thích trải nghiệm và thích va chạm với xã hội, bởi vì khi còn là học sinh, họ luôn bị giới hạn tầm nhìn, không biết nhiều về thế giới bên ngoài.
Dám yêu
Không còn bị gia đình cấm cản, không bị áp lực chuyện học, đã đủ tuổi để yêu, nên họ luôn mong muốn được "thử sức" trong tình cảm vì tự cho rằng mình đã trưởng thành.
Biết cách cư xử
Nếu như thời học sinh họ tinh nghịch, nhí nhảnh bao nhiêu, thì lên đại học sẽ ít nói, chừng mực và ý tứ hơn bấy nhiêu. Trong hoạt động giao tiếp, họ cư xử thông minh và che giấu cảm xúc giỏi.
Lo lắng nhất là…
Mỗi giai đoạn, chúng ta có nhiều nỗi lo lắng khác nhau. Với tân sinh viên, điều họ lo lắng nhất chính là: tương lai trong 4 năm tới (sau khi tốt nghiệp), và sợ học lại.