Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Từng là kẻ bị cả đất nước hắt hủi trước khi trở thành người hùng của cộng đồng LGBT

Giang Bùi, Theo Helino 00:16 06/10/2019
Chia sẻ

Là người đầu tiên trong hoàng tộc Ấn Độ dám đứng ra công khai là người đồng tính, hoàng tử Manvendra đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ chính gia đình cùng người dân Ấn Độ.

Năm 2006, dư luận thế giới xôn xao và bàng hoàng trước tin tức vị Hoàng tử Manvendra Singh Gohil của hoàng gia Ấn Độ công khai mình là người đồng tính. Vào thời điểm đó, đồng tính luyến ái vẫn bị coi là một điều cấm kỵ, một sự sỉ nhục với người dân Ấn Độ. Phải chịu đựng sự ghẻ lạnh từ gia đình, bị cả xã hội cười nhạo nhưng Manvendra vẫn không nản chí. Bằng sự cố gắng kiên trì không ngừng nghỉ, từ một kẻ bị cả đất nước quay lưng, Hoàng tử Manvendra Singh Gohil trở thành người hùng trong mắt cộng đồng LGBT ở Ấn Độ. 

Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Từng là kẻ bị cả đất nước hắt hủi trước khi trở thành người hùng của cộng đồng LGBT - Ảnh 1.

Hoàng tử Manvendra Singh Gohil.

Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính  

Để có thể sống thật với bản thân mình như ngày hôm nay, hoàng tử Manvendra đã phải hi sinh, đánh đổi rất nhiều. Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, Manvendra Singh Gohil là con trai của người đứng đầu tiểu quốc Rajpila, bang Gujarat năm ở phía Tây Ấn Độ. Từ nhỏ, Mavendra đã cảm thấy bị hấp dẫn bởi những người đồng giới. Tuy nhiên, ông buộc phải giữ những cảm xúc khác lạ đó trong lòng vì xuất thân hoàng tộc của mình.

Đến năm 26 tuổi, theo sự sắp đặt của gia đình, Manvendra được chỉ định kết hôn với công chúa vương quốc Jhabua ở bang Madhya Pradesh là Chandrika Kumari. Lúc đó ông nghĩ rằng, có lẽ hôn sự này sẽ giúp ông xóa bỏ đi những cảm xúc khác lạ tồn tại trong con người mình. "Tôi nghĩ rằng cưới vợ, sinh con sẽ giúp tôi trở nên bình thường", và thế là hôn lễ của hai nhân vật hoàng tộc chính thức được cử hành.

Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Từng là kẻ bị cả đất nước hắt hủi trước khi trở thành người hùng của cộng đồng LGBT - Ảnh 2.

Sau khi kết hôn được 1 năm, Manvendra đã nhận ra cuộc hôn nhân không có tình yêu này là một thảm họa. Không chỉ bản thân ông mệt mỏi vì cuộc hôn nhân này, mà Manvendra còn thấy hối hận khi phá hỏng cuộc đời của công chúa Chandrika khi bà biết xu hướng tình dục thật sự của chồng. Năm 1992, Chandrika đâm đơn ly dị với Manvendra vì không thể tiếp tục chịu đựng nổi cả người chồng và cuộc hôn nhân sắp đặt. Bản thân Manvendra cũng quyết định sẽ không bao giờ kết hôn thêm một lần nào nữa. Tuy nhiên, bà đồng ý giữ kín chuyện xu hướng tình dục thật sự của chồng, điều khiến Manvendra vô cùng cảm kích và biết ơn vợ cũ.

Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, phải sống sao cho thật mẫu mực để làm gương cho nhân dân khiến vị hoàng tử trẻ tuổi mệt mỏi, bế tắc không lối thoát. Vào thời điểm cuối thế kỷ 20, tình yêu đồng giới ở Ấn Độ bị coi là vi phạm luật pháp, nặng nhất có thể bị tử hình. May mắn là Manvendra đã gặp gỡ nhà hoạt động vì quyền đồng tính đầu tiên ở Ấn Độ là Ashok Rao Kavi và ông đã giúp Manvendra hiểu rằng đồng tính là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, tới năm 2002, Manvendra vẫn phải nhập viện trong tình trạng suy nhược thần kinh vì phải dấu diếm chuyện mình là người đồng tính với gia đình. Bác sĩ tâm thần đã thông báo với gia đình hoàng tộc rằng hoàng tử là người đồng tính chứ không mắc bệnh gì cả, nhưng bố mẹ của Manvendra không chấp nhận sự thật này. Cuộc đời Manvendra như rơi xuống địa ngục sau khi bố mẹ ông phát hiện ra con mình không được "bình thường".

Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Từng là kẻ bị cả đất nước hắt hủi trước khi trở thành người hùng của cộng đồng LGBT - Ảnh 3.

Bố mẹ của Manvendra đã bắt ép ông làm những chuyện vô lý để khiến ông trở lại "bình thường". Nhẹ nhàng nhất là ép ăn chay, chép tên các vị thần hàng nghìn lần hoặc đi gặp bác sĩ tư vấn. Bố mẹ Manvendra còn chấp nhận để ông bị sốc điện, cố gắng dùng mọi cách có thể để "chữa trị" cho cậu con trai lầm đường lạc lối. Nhớ lại những ngày tháng đau đớn nhất cuộc đời mình, Manvendra chia sẻ: "Nếu bạn không vâng lời, bố mẹ sẽ đe doạ bạn. Chẳng hạn như bảo rằng họ sẽ nhảy xuống giếng." Cuối cùng, sau khi thử nhiều cách mà không hiệu quả, bố mẹ Manvendra đi tới quyết định rằng họ phải chấp nhận sự thật và cấm ông không được nói chuyện này cho ai khác. 

Vị anh hùng của cộng đồng LGBT ở Ấn Độ 

Tới năm 2006, câu chuyện của Manvendra được cả thế giới biết đến sau khi nhà báo Chirantana Bhatt đã tới phỏng vấn hoàng tử và được công bố trên tờ Divya Bhaskar. Ban đầu, Manvendra bị người dân Ấn Độ cười nhạo, chế giếu, có người còn đốt hình nộm của ông. Bố mẹ của Manvendra đã rất sốc vì họ không biết phải ăn nói như thế nào với mọi người trong hoàng tộc. Cuối cùng, bố mẹ ông quyết định từ mặt Manvendra vì không chịu nổi sự soi mói của hoàng gia.

Câu chuyện của hoàng tử Manvendra nổi tiếng tới nỗi, ông đã được mời tham gia talk show của MC nổi tiếng Oprah Winfrey tận 3 lần. Nhờ sự chú ý của truyền thông và những hành động thiết thực mà hoàng tử Manvendra đóng góp cho cộng đồng LGBT ở Ấn Độ, gia đình của ông cũng đã chấp nhận sự thật này. 

Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Từng là kẻ bị cả đất nước hắt hủi trước khi trở thành người hùng của cộng đồng LGBT - Ảnh 4.

Hoàng tử từng xuất hiện trong talk show của người dẫn chương trình nổi tiếng Ophrah Winfrey.

Hiện tại, Manvendra đang điều hành một tổ chức tên là Lakshya Trust của mình để giúp đỡ những người trong cộng đồng LGBT ở Ấn Độ và nâng cao hiểu biết của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS. Năm 2018, ông đã cho tu sửa cung điện nơi mình ở để giúp đỡ những người trong cộng đồng LGBT bị tổn thương do gia đình, người thân chối bỏ sự hiện diện của họ. 

Hoàng tử đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Từng là kẻ bị cả đất nước hắt hủi trước khi trở thành người hùng của cộng đồng LGBT - Ảnh 5.

Manvendra trở thành người hùng của cộng đồng LGBT ở Ấn Độ.

(Nguồn: India Today, Huffpost) 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày