Gây tiếng vang với kênh YouTube đầu tiên chuyên review những căn biệt thự siêu to, siêu đẹp, siêu đắt đỏ song đã có lúc, Hoàng Đức quyết định tạm dừng sản xuất video. Sau khi trở lại, Hoàng Đức tiếp tục xây dựng lại kênh YouTube review nhà độc, lạ nhất Việt Nam. Rồi từ đó, anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực dành riêng cho giới thượng lưu, trong đó có du thuyền. Sau 3 năm, số lượng du thuyền anh đã bán được khoảng 15 chiếc, một con số khá cao so với mặt bằng chung trong ngành.
Kênh YouTube Nhà TO của anh thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem. Để gặt hái được thành công đó, anh và ê kíp đã phải vượt qua những khó khăn gì?
Khó khăn nhất là tìm kiếm những công trình đủ độc lạ, thu hút người xem. Tiếp theo là thuyết phục chủ nhà đồng ý cho ghi hình, quay lên MXH… Thường thì quá trình kết nối thuyết phục chủ nhà khá mất công. Nếu không trực tiếp quen chủ nhà, tôi phải huy động các mối quan hệ đặc biệt, có đủ sức ảnh hưởng để có thể thuyết phục chủ nhà.
Với những ngôi nhà càng lớn, chủ nhà càng thích sự riêng tư. Họ có thể tiếp đón khách khứa, người quen tới chơi, nhưng để quay video review, đăng lên mạng xã hội thì đa phần sẽ có sự e dè. Vì thế, trong các video tôi thường không nhắc tới địa điểm cụ thể hay thông tin về chủ nhà để tránh ảnh hưởng cuộc sống của họ.
Review nhà cũng khác với review xe cộ, thời trang. Vì đó là một công trình đồ sộ, muốn quay được thì bạn cần di chuyển rất nhiều. Ngôi nhà có nhiều chi tiết, không gian đòi hỏi người MC cần có kiến thức rộng, sâu.
Ngoài ra, chi phí sản xuất cho di chuyển để thực hiện một video review hoàn chỉnh cho nhân sự thì không hề nhỏ.
Quá trình chuẩn bị kịch bản, quay mỗi video thường sẽ mất bao nhiêu thời gian?
Tôi chưa từng chuẩn bị kịch bản nào khi quay review nhà cả. Bản thân tôi cũng có một chút kiến thức trong ngành sản xuất video, nên tôi hầu như không chuẩn bị trước bất cứ một kịch bản nào khi quay review Nhà TO.
Trước khi quay mỗi căn nhà, tôi chỉ tìm hiểu và đi xem trước căn nhà 1 vòng để xác định những thứ nổi bật và định hình xem sẽ khai thác và nói như thế nào. Tôi cũng không biết trước là mình sẽ nói gì trong video.
Tôi cho rằng, khi làm YouTube mà càng lên kịch bản nhiều thì độ chân thật càng giảm đi. Việc cứ phải nhớ xem kịch bản đã viết như thế nào khiến cho review mất tự nhiên. Và tôi quyết định làm mọi thứ một cách tự nhiên nhất. Nếu chẳng may nói sai thì tôi có thể sửa sai ở phần hậu kỳ bằng cách cắt bỏ nó đi mà. (Cười)
Tôi cứ vừa làm vừa học hỏi, chăm đọc và tiếp thu ý kiến của khán giả. Từ những bình luận của các độc giả, tôi học hỏi được rất nhiều điều thú vị, mở rộng vốn kiến thức của mình. Điều đó cũng là một động lực, thôi thúc tôi làm công việc này, để được học hỏi, trải nghiệm thêm mỗi ngày.
Anh và ê-kíp thường review những căn nhà siêu to, siêu đắt đỏ. Cũng vì điều này, nhiều người đồn đoán về gia thế "khủng" của Hoàng Đức. Anh phản hồi ra sao về điều này?
Tôi không phải là rich kid. Tôi sinh ra ở một gia đình bình thường ở Nghệ An. Cho tới thời điểm này, toàn bộ công việc, các mối quan hệ của tôi đều do tự thân vận động chứ không dựa vào hậu thuẫn của gia đình.
Những video đầu tiên, có thể nói là tôi ăn may. Vì tôi có một vài người bạn có điều kiện, nên tôi quay nhà bạn tôi thôi. Sau đó, càng làm, các mối quan hệ của tôi càng được mở rộng, tôi có thể liên hệ với các KTS, các chủ nhà muốn khoe công trình mà họ tâm đắc.
Khi bắt đầu khởi sự Nhà TO anh đã trang trải chi phí thế nào để thực hiện được những video "khủng nhất, đắt nhất"?
Thực ra thời điểm đó, Sân khấu Điện Ảnh đã là trường ĐH thứ 3 mà tôi theo học. Tôi từng học ĐH Bách khoa về Công nghệ thông tin, sau đó là FPT Arena về thiết kế đồ họa và cuối cùng là đạo diễn hình ảnh ở SKĐA. Mỗi lần thay đổi định học học tập như vậy cũng đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm, tích lũy khác nhau, nhiều kiến thức bổ ích.
Tôi là một người luôn làm việc vì đam mê. Đến một thời điểm khi nhận ra mình không còn đam mê, hứng thú với công việc hiện tại của mình thì tôi sẽ tìm cách chuyển hướng sang công việc khác. CNTT, đồ họa tôi học được 2 năm rồi nghỉ, chỉ có quay phim là tôi theo được tới cuối.
Khoảng thời gian mới làm Nhà TO tôi đã vừa đi làm vừa đi học, đã có thể tự nuôi được cuộc sống của mình rồi. Thời điểm đó tôi cũng xác định ngay từ đầu là sẽ "làm YouTube vì đam mê". Mục tiêu của tôi không phải kiếm tiền từ YouTube mà đầu tư để có lượng khán giả chất lượng cao nhất, đem lại giá trị cao nhất cho người xem. Từ đó, có thể gặt hái những giá trị offline nhiều hơn.
Đa số khán giả của tôi là những người hiếu kỳ, muốn xem người giàu đang sống như thế nào. Họ sẽ là những người lan tỏa thông tin của Nhà TO. Nhưng khoảng 10% khán giả là những người giàu muốn xem những người giàu khác đang sống như thế nào. Họ không bao giờ để lại bình luận, nhưng lại là đối tượng tiềm năng mà tôi muốn hướng tới nhất.
Nhà TO là sản phẩm mang dấu ấn cá nhân của tôi, giúp tôi có những mối quan hệ giá trị với các nhà phân phối đồ xa xỉ.
Nguồn thu từ kênh YouTube chiếm bao nhiêu % thu nhập của anh?
Tôi kiếm được khoảng 3.000 USD/tháng từ YouTube. Chỉ vừa đủ hoặc còn thiếu cho chi phí nhân sự, sản xuất video Nhà TO.
Làm review Nhà TO anh được gì?
Quá trình làm Nhà TO đem lại cho tôi trải nghiệm đáng giá nhất về cuộc sống và cách suy nghĩ của người thành công. Mỗi người có một phong cách khác biệt nhất định. Đa phần người thành công, giàu có thường rất dễ thương, hào sảng, vui vẻ nhưng không phải ai cũng như ai. Có đôi khi, chỉ tiếp xúc với đúng người thì họ mới bộc lộ sự vui vẻ, dễ thương đó.
Ví dụ điển hình như anh Bùi Quang Ngọc. Trong video review, ai cũng sẽ thấy anh Ngọc rất vui vẻ, thoải mái, nhiệt tình khi giới thiệu ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, ở môi trường làm việc, anh Ngọc nổi tiếng là một con người cực kỳ nghiêm khắc.
Tôi nghĩ rằng, tùy thuộc đối tượng họ tiếp xúc là ai, người thành công sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Khi mình chạm được đúng sở thích, hiểu được họ thì họ rất dễ thương.
Khi tiếp xúc với những người giàu có thì bạn không thể dùng tiền để đặt lên bàn cân với họ. Và tôi luôn tìm cách tạo ra những giá trị riêng cho bản thân để có thể cân bằng trong những cuộc gặp gỡ.
Anh từng tạm dừng review Nhà TO để tập trung nghiên cứu về du thuyền, sau đó chuyển sang lĩnh vực này. Vì sao vậy?
Du thuyền là thú chơi của những người có tiền thực sự. Nhưng rất khó tiếp cận được khách hàng vì bạn không thể biết được ai có nhu cầu với thú chơi này. Đa phần mọi người thường nghĩ là khó nhưng như vậy lại trở thành một cơ hội đối với tôi.
Đối với tôi, Nhà TO là kênh lan tỏa thương hiệu cá nhân, giúp tôi có một sự "quen mặt" nhất định đối với cộng đồng. Ở Nhà TO, tôi thoải mái bộc lộ kỹ năng nghề nghiệp, những cái tôi có. Điều đó rất quan trọng. Nhiều khán giả lâu năm của tôi, khi trở thành khách hàng họ mới tâm sự và cho tôi những nhận xét đánh giá rất đáng giá. Hóa ra, những người giàu có họ xem YouTube không chỉ để biết mà còn nhận xét đánh giá rất chi tiết vì họ thực sự có nhu cầu với những thú chơi xa xỉ.
Những kiến thức trong lĩnh vực về nhà cửa, rượu vang, đồng hồ, du thuyền… là thứ mà tôi có để cân bằng cuộc chơi khi gặp gỡ những người giàu có. Khi có cơ hội gặp gỡ những người thành công, giàu có, tôi có một sự nhận diện nhất định với họ. Điều này có thể gạt bỏ rào cản và sự đề phòng trong lần đầu tiên gặp mặt với những khách hàng tiềm năng.
Đến bây giờ 60% khách hàng của tôi đến từ những người xem kênh du thuyền và 30% là bạn của họ.
Du thuyền thuộc phân khúc rất cao cấp, không chạy theo trào lưu nên đối tượng cực hẹp. Anh đánh giá thế nào về tiềm năng tương lai của ngành này?
Đa phần ở Việt Nam du thuyền có giá dưới 1 triệu EURO hay khoảng 5-25 tỷ đồng. Với mức giá này, những người quan tâm đến thú chơi xa xỉ này thường có chung một đặc điểm là: những người có điều kiện và có sở thích với sông nước, ưa sự riêng tư.
Những người chơi du thuyền thường trầm mặc hơn những người chơi siêu xe. Có thể nói, họ đã bước qua ngưỡng của sự nổi bật. Du thuyền đem lại giá trị không chỉ cho người sở hữu mà còn cả gia đình, bạn bè của họ... Góp phần giúp cuộc sống thêm trải nghiệm đáng giá.
Thuyền càng lớn, tần suất sử dụng càng ít vì chi phí để vận hàng cũng khá lớn. Đối với các thuyền nhỏ, trung bình họ sẽ sử dụng 1-2 lần/tuần.
Bí quyết nào giúp anh có thể "chốt đơn" 1 chiếc du thuyền?
Tôi tiếp cận với du thuyền 4 năm, chính thức làm được 3 năm. Lúc đầu tôi cũng có suy nghĩ rằng du thuyền là sản phẩm thuộc phân khúc cao và chưa phổ biến thì sẽ khá là khó nhằn.
Nhưng sau 3 năm, số lượng du thuyền tôi đã bán được là khoảng 15 chiếc, so với mặt bằng chung của ngành thì ở mức khá cao. Bởi đây là ngành đặc thù, trước đó mỗi năm sẽ chỉ có 10 đến 15 chiếc du thuyền được nhập về trên toàn Việt Nam.
Ấn tượng nhất là thương vụ mà khiến tôi quyết định dấn thân vào ngành du thuyền. Đó là trong một buổi trưa, một số máy lạ gọi đến cho tôi nói rằng: "Anh vừa xem video em review du thuyền hay quá. Anh thì có tiền mà không có du thuyền, em tư vấn giúp anh để mua 1 cái nhé". Và ngay ngày hôm sau, tôi bay vào Sài Gòn gặp vị khách đó để tư vấn và chốt ngay 1 du thuyền 40 tỷ đồng chỉ sau một buổi cà phê.
Kênh YouTube Thế giới du thuyền đã tiết kiệm cho tôi rất nhiều thời gian để có thể chốt sale được với những vị khách giàu có. Những người có nhu cầu thực sự đã xem và tìm hiểu nhiều về du thuyền rồi, khi họ tìm tới tôi, họ đã hiểu điều họ muốn là gì nên đa phần những cuộc chốt sale của tôi diễn ra qua điện thoại và khá nhanh chóng.
Tại Việt Nam, khi nhắc tới các tay chơi siêu xe thì có Nguyễn Quốc Cường, Phạm Trần Nhật Minh. Còn khi nhắc tới du thuyền, người ta nhắc tới ai?
Người chơi siêu xe thường thích sôi động và gây ấn tượng. Còn người chơi du thuyền lại ưa sự yên tĩnh, riêng tư ở trên biển hơn. Họ không hay show off cho lắm. Nguyên tắc trong ngành này là thông tin cá nhân của khách hàng đều được giữ kín tuyệt đối. Trong giới du thuyền Việt không có tay chơi nào quá nổi hay thường xuyên lên báo chí (cười).
Chơi siêu xe người ta thường sưu tập nhiều kiểu dáng, nhãn hiệu. Còn người chơi du thuyền thì sao?
Họ thường sở hữu 2 chiếc. Một chiếc lớn, rộng rãi, phù hợp cho những chuyến du ngoạn đông người và một chiếc nhỏ hơn, đa dụng, linh hoạt cho các hoạt động, thiên về tốc độ.
Chơi du thuyền khá cầu kỳ, công phu vì nó giống như một ngôi nhà nổi trên nước, với đầy đủ tiện nghi như một ngôi nhà hoàn chỉnh. Người chơi du thuyền quan tâm nhiều đến cảm xúc khi sử dụng "ngôi nhà nổi" hơn là thể hiện sự hoành tráng.
Thông thường, một chiếc du thuyền sẽ cần có 1 thuyền trưởng riêng, đó có thể chính là người chủ của thuyền (đối với các mẫu thuyền câu nhỏ) hoặc là thuyền trưởng chuyên nghiệp, đối với các thuyền lớn.
Ngoài ra còn cần có chi phí bến đậu cho du thuyền, bảo trì bảo dưỡng, 2 ngày 1 lần bảo trì, lau dọn để đảm bảo chất lượng.
Từ Nhà TO tới du thuyền, các lĩnh vực anh làm việc đều liên quan đến giới thượng lưu, điều này tác động thế nào tới cuộc sống cá nhân của anh?
Cuộc sống hàng ngày của tôi bình thường lắm. Tôi hiểu được cái gì cần, cái gì là muốn. Khi tiết chế những thứ mình muốn, thì cuộc sống đơn giản, hạnh phúc hơn. Có những thứ tiền không mua được, như thời gian với con cái. Khi cân bằng được các khía cạnh thì tôi thấy đủ và hạnh phúc.
Với tôi trải nghiệm tốt hơn là tiền. Tôi luôn sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm đặc biệt, vì nó là vô giá. Trước đây, mọi người gọi tôi là Review-er. Còn hiện tại, tôi nghĩ mình là "người bán trải nghiệm thượng lưu".
Anh nhiều lần nói rằng "vẫn chưa thành công". Vậy theo anh như thế nào mới được coi là thành công?
Mỗi ngày trôi qua tôi càng thấm thía câu "núi cao còn có núi cao hơn", ngày hôm nay có thể là thành công với mình nhưng so với người khác thì không là gì. Tôi vẫn thấy mình là một người bình thường.
Tôi cố gắng đặt ra những mục tiêu đủ lớn cho mình để tốt hơn nữa. Nếu mục tiêu đơn giản, dễ dàng vượt qua thì chúng ta dễ rơi vào sự ảo tưởng của chính mình.
Năm 2022, tôi dự định sẽ mở rộng, lên sóng về những chuyến đi của mình ở nước ngoài nhiều hơn, làm phong phú thêm trải nghiệm về du thuyền và bất động sản ở nước ngoài để khán giả có cái nhìn tổng quát hơn về cuộc sống thượng lưu ở cả trong và ngoài nước.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!