Nghe tới hai từ “tài sản”, chắc hẳn phần lớn chúng ta đều nghĩ ngay tới những thứ như nhà, đất, vàng,... Đó là những loại tài sản hữu hình, có giá trị về mặt tiền bạc. Nhưng vẫn còn 1 loại tài sản khác, cũng có giá trị về mặt tiền bạc và là tài sản vô hình, chính là các khoản nợ.
Nếu bạn chưa biết: Trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, có một khái niệm là tài sản nợ. Đây là các khoản nợ phải trả của một công ty hoặc tổ chức trong tương lai, đồng thời là các nghĩa vụ phải trả cho các bên thứ ba như nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, ngân hàng, cổ đông, nhân viên,...
Đối chiếu định nghĩa này vào vấn đề tài chính cá nhân, có lẽ, cũng không quá khó hiểu khi khẳng định: Nợ là loại tài sản không ai muốn sở hữu, có càng nhiều càng áp lực, càng mất ăn mất ngủ. Đặc biệt là những khoản nợ vô hình không đi kèm các tài sản hữu hình như nợ vay mua nhà chẳng hạn.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, có một cô gái đã tâm sự về nỗi bế tắc với 3 chiếc thẻ tín dụng hạn mức vài chục triệu đồng/thẻ. Dân tình nghe xong “3 tài sản” mà cô liệt kê, cũng thấy rùng mình theo.
“Em đang nợ 3 thẻ tín dụng, cụ thể như sau:
- Thẻ 1: Hạn mức 48 triệu, đã tiêu hết hạn mức
- Thẻ 2: Hạn mức 48 triệu, đã tiêu hết 25 triệu
- Thẻ 3: Hạn mức 25 triệu, đã tiêu hết 20 triệu
Tháng nào em cũng chỉ trả được dư nợ tối thiểu.
Về chi tiêu hàng tháng của em:
- Tiền thuê nhà: 4 triệu
- Tiền trả nợ (nợ ngoài và thanh toán dư nợ tối thiểu thẻ tín dụng): 7,5 triệu
Các tháng trước thì em vẫn có khoản này kia đập vào. Tháng này bế tắc luôn, có cách nào nhẹ gánh hơn ko ạ?” - Cô viết.
Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể hàng tháng, cũng như tổng số tiền trang trải nhu cầu cơ bản (ăn uống, đi lại,...) nhưng có thể thấy, bản thân cô đang rơi vào tình trạng thu không đủ chi.
Trong phần bình luận của bài hút đăng, mọi người đồng tình với 1 phương án: Lên hồ sơ vay tiền ngân hàng để trả hết 3 thẻ tín dụng, rồi khóa thẻ. Gọi nôm na chính là “gom nợ về 1 mối”, vừa đỡ tiền lãi, vừa đỡ quên trả nợ. Cũng may, cô gái này còn thanh toán dư nợ tối thiểu hàng tháng, nên cũng chưa đến mức bị nợ xấu, việc vay tiền ngân hàng vẫn còn khả thi.
Nếu biết cách sử dụng và có kế hoạch thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn, việc dùng thẻ tín dụng có thể giúp chúng ta tiết kiệm được phần nào, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ lý trí và sự kỷ luật dùng thẻ tín dụng sinh lời chứ không sinh nợ.
Trong trường hợp bạn chưa tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, hoặc chưa tự tin khẳng định mình có mức thu nhập đủ sống, hãy cân nhắc kỹ 2 yếu tố dưới đây trước khi đưa ra quyết định "có nên dùng thẻ tín dụng" hay không.
1 - Thẻ tín dụng có thể tạo ra ảo tưởng dư dả
Mỗi ngân hàng sẽ có một quy định khác nhau về lịch sử tín dụng, cũng như mức lương tối thiểu với khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng. Điểm chung ở đây chính là hạn mức tín dụng có thể cao gấp nhiều lần thu nhập của bạn trong một tháng. Đây chính là cái bẫy ảo tưởng dư dả.
Ví dụ, lương của bạn là 15 triệu/tháng, ngân hàng có thể cấp cho bạn thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu. Điều này không có nghĩa là bạn đang có 50 triệu, nhưng bạn lại có cảm giác như thể mình đang thực sự có 50 triệu. Lúc này, hành vi tiêu dùng của các bạn sẽ nương theo con số 50 triệu; chứ không còn nằm ở 15 triệu nữa.
Và chỉ cần bạn duy trì hành vi tiêu dùng như vậy trong một vài năm, thậm chí là vài tháng, chẳng mấy chốc sẽ đến lúc mức chi tiêu hàng tháng của bạn vượt qua mức thu nhập hàng tháng. Vòng xoáy nợ nần cũng từ đó mà ra.
2 - Bẫy "thanh toán dư nợ tối thiểu"
Thay vì thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép bạn thanh toán một phần - gọi là dư nợ tối thiểu, thường là 5% tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ.
Ví dụ: Trong kỳ sao kê vừa qua, bạn chi tiêu hết 20 triệu từ thẻ tín dụng, nhưng bạn lại chẳng có đủ 20 triệu để thanh toán toàn bộ dư nợ. Và thế là bạn lựa chọn thanh toán dư nợ tối thiểu.
Thoạt nghe, việc thanh toán dư nợ tối thiểu tưởng chừng rất có lợi cho những chủ thẻ đã "lỡ tiêu quá nhiều nhưng chẳng trả được bao nhiêu". Thực hiện thanh toán mức tối thiểu đó, bạn sẽ không bị liệt vào nhóm nợ xấu, không bị khóa thẻ tín dụng. Tháng sau, nếu thẻ của bạn còn hạn mức, bạn vẫn có thể chi tiêu.
Tuy nhiên, "thanh toán dư nợ tối thiểu" vẫn là 1 cái bẫy, vì khi đó, ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ, mức lãi suất có thể lên tới 25-40% toàn bộ dư nợ - chính là tổng số tiền bạn đã chi tiêu và chưa trả được trong kỳ sao kê đó.