Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta

Umbrella, Theo Trí Thức Trẻ 20:18 11/06/2017

Hè đến rồi, đừng quên thủ sẵn một tuýp kem chống nắng trong túi nhé.

Có lẽ chưa ở đâu chuộng làn da trắng như ở Việt Nam. Chẳng quá lời đâu, nhìn tập đoàn các chị ninja Lead thì biết. Họ làm đủ mọi cách, từ mang vài lớp khẩu trang, rồi trùm mũ lên đầu dưới lớp mũ bảo hiểm, rồi lại trùm thêm một cái mũ ở ngoài, rồi lại buộc thêm một miếng vải to quấn quanh mặt để bao bọc tổng thể.

Mục đích cuối cùng là để che chắn ánh nắng tiếp xúc với da mình (bất chấp khả năng gây nên không biết bao nhiêu chiến tích trên xa lộ). Thế mà da vẫn đen và đầy nếp nhăn.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 1.

Ấy là vì ánh nắng có tác động rất khủng khiếp đến da mặt chúng ta

Các chị ơi, mua kem chống nắng đi, nó thần thánh lắm, thần thánh thế nào, xin mời đọc bài dưới đây.

Vì sao chỉ che chắn thôi là chưa đủ?

Ánh sáng Mặt trời là tập hợp của rất nhiều phần tử mang năng lượng gọi là photon. Trong đó loại ánh sáng có màu sắc mà ta nhìn thấy được hoàn toàn an toàn cho ta. Còn thủ phạm gây nên những vết cháy nắng, nếp nhăn hay ung thư da chính là tia cực tím (UV).

Tia UV có thể được chia thành 2 loại: UVA (bước sóng từ 320 – 400 nm) và UVB (bước sóng từ 280 – 320 nm). Các tia này có bước sóng rất ngắn, xuyên sâu (qua các lớp che chắn) đến da (và sâu hơn nữa).

Da chúng ta có một lớp tế bào phù hợp cho việc hấp thụ năng lượng photon của cả 2 loại tia trên. Quá trình hấp thụ này khiến cho chúng bị kích thích, mà cái gì bị kích thích thì phải có phản hồi tương ứng để giải phóng kích thích.

Cụ thể, da sẽ phải trải qua các phản ứng hóa học, và chúng dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 2.

Da bạn rám nắng là do đã sản xuất quá nhiều melanin (hắc tố), và chủ yếu vì bị 2 loại tia này kích thích. Trong đó, UVA xuyên thấu qua da sâu hơn UVB, tiêu diệt protein cấu trúc collagen, khiến da mất đi sự mịn màng và co giãn, dẫn đến xuất hiện các nếp nhăn.

UVA còn là thủ phạm cho sự lão hóa, trong khi tia UVB được cho là nguyên nhân hàng đầu của sự cháy nắng. Ngoài ra, cả 2 loại đều có thể gây ung thư da, cả lành tính lẫn ác tính.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 3.

Kem chống nắng sinh ra để làm gì chứ?

Trong kem chống nắng chứa một lớp các phân tử được "thiết kế" để giảm lượng tia UV tiếp xúc với bề mặt da.

Các phân tử này tạo nên một hàng rào bảo vệ, vừa hấp thụ (hóa học) hoặc phản xạ (vật lý) photon UV trước khi chúng được hấp thụ bởi ADN và các phân tử hoạt động sâu trong da người.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 4.

Bôi kem chống nắng là bạn đã bôi một lớp bảo vệ vô hình lên mặt

Một trong số các thành phần của kem chống nắng có chứa avobenzone - là hợp chất hóa học giúp bảo vệ da trước tia UVA. Một thành phần khác của kem chống nắng là lớp lọc tia UVB octocrylene.

Chất này còn có chức năng phụ là giúp ổn định thành phần avobenzone và giúp nó bền hơn ở dạng hấp thụ UVA.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 5.

Nhìn chung, kem chống nắng giúp bảo vệ ADN của con người trước tác hại của tia UV, đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ ung thư da.

Theo thống kê từ Học viện Da liễu Hoa Kỳ, việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên sẽ giúp bảo vệ da khỏi bị cháy nắng, đồng thời giảm nguy cơ ung thư đến 40% - 50%.

Bên cạnh đó, các loại kem chống nắng còn chứa những chất chống oxy hóa để tạo hàng rào phòng thủ thứ 2 trước ánh sáng Mặt trời. Một số chất điển hình có thể có gồm Vitamin E, Vitamin C và DESM.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 6.

Kem chống nắng có những công dụng thật thần kì

Dùng kem chống nắng thế nào mới chuẩn?

Khả năng chống nắng mạnh hay yếu của một tuýp kem phụ thuộc vào chỉ số SPF. Đây là chỉ số tượng trưng cho thời gian cần thiết để một cá nhân bị cháy nắng bởi bức xạ của tia UVB.

Thông thường, con người sẽ bị cháy nắng sau 10 phút tiếp xúc trực tiếp với nắng, do đó nếu dùng một sản phẩm có chỉ số SPF 30 đúng cách, bạn sẽ được bảo vệ trong khoảng thời gian gấp 30 lần như vậy, nghĩa là 300 phút trước khi bị cháy nắng.

Hóa ra đây là cách kem chống nắng bảo vệ làn da của chúng ta - Ảnh 7.

Nghiên cứu cho thấy cần một lượng khoảng 1 ounce (28 gram) để che phủ những vùng bị "phơi" dưới ánh nắng đối với một người lớn, và một lượng khoảng một đồng xu dành cho cổ và mặt (có thể tăng hoặc giảm tùy người). Phần lớn chúng ta chỉ sử dụng khoảng ¼ cho đến ½ lượng cần thiết, đẩy làn da vào nguy cơ bị cháy nắng và bị tổn hại.

Tuy một số loại kem chống nắng hiện nay có khả năng chống nước, nhưng Học viện Da liễu Hoa Kỳ và các tổ chức chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên bôi lại kem chống nắng sau khi chơi các môn thể thao dưới nước, khi đổ mồ hôi quá nhiều hoặc sau mỗi 2 giờ.

Nguồn: IFL Science