Hóa ra đây là cách các phi hành gia được cấp cứu trong vũ trụ

J, Theo Trí Thức Trẻ 08:15 07/06/2017

Sơ cứu hay cấp cứu trong môi trường vi trọng lực trên vũ trụ đều là những việc đòi hỏi kỹ năng rất khác trên Trái đất.

Có một thực tế trong ngành hàng không vũ trụ, đó là các nhiệm vụ có người lái (manned mission) đang ngày càng kéo dài, khó hơn và nguy hiểm hơn. Vậy nên, các phi hành gia phải chịu những rủi ro rất lớn về sức khỏe, có thể rơi vào tình trạng khẩn cấp bất kỳ lúc nào.

Chính vì vậy, hàng năm NASA sẽ mời về chuyên gia đào tạo kỹ năng cấp cứu cho các phi hành gia mới, ở điều kiện vi trọng lượng và không gian hẹp của tàu vũ trụ. Và mới đây, các phi hành gia được đào tạo kỹ năng CPR (hồi sức tim phổi) trong vũ trụ theo phương pháp mới nhất hiện nay.

Cụ thể, các phương pháp mới bao gồm CPR trong tư thế... trồng cây chuối, và cách để buộc cố định không cho bệnh nhân trôi nổi trong tàu.

Theo giáo sư Jochen Hinkelbein - chuyên gia trị liệu do NASA mời đến thuộc Bệnh viện ĐH Cologne (Đức), CPR là một kỹ năng rất cần thiết khi có người bị đột quỵ. Nhưng trong môi trường vi trọng lực, chúng ta không thể sử dụng trọng lượng của bản thân để hô hấp nhân tạo như bình thường. Và video dưới đây sẽ cho ta biết những gì cần làm trong tình huống ấy.

Giáo sư Hinkelbein cho biết, thông thường những tình huống như vậy hiếm khi xảy ra. "Các phi hành gia được chọn lọc rất kỹ, thường rất trẻ, có sức chịu đựng cao và được quan sát rất tỉ mỷ trong quá trình đào tạo. Do vậy, các vấn đề về sức khỏe hiếm khi xảy ra".

Tuy nhiên, ông lo ngại về những nhiệm vụ dài hạn trong tương lai - như nhiệm vụ sao Hỏa kéo dài ít nhất 7 năm. "Rủi ro bệnh tật sẽ tăng cao" - ông chia sẻ.

Qua nhiều thử nghiệm, NASA nhận thấy rằng CPR trong tư thế "trồng chuối" là phương án hiệu quả nhất, gần như đáp ứng đủ tiêu chuẩn CPR trên Trái đất. Tư thế này cho phép các phi hành gia có điểm tựa để thực hiện lực ấn đủ mạnh vào ngực người bệnh.

Tuy nhiên, nếu vụ việc xảy ra tại nơi không thể thực hiện được tư thế này, một phương pháp khác sẽ được dùng để thay thế. Đó là phương pháp Evetts-Russomano - buộc chân vào thân bệnh nhân để cố định, không cho bệnh nhân trôi đi.

Hóa ra đây là cách các phi hành gia được cấp cứu trong vũ trụ - Ảnh 2.

Phương pháp Evetts-Russomano trong hồi sức cấp cứu trên vũ trụ

Hinkelbein còn khuyên rằng phi hành đoàn nên là những người có trùng nhóm máu, để có thể thực hiện truyền máu lúc khẩn cấp. Ngoài ra, công nghệ in 3D nên sớm áp dụng lên tàu vũ trụ, cho phép phi hành đoàn "in" những công cụ y tế khi cần thiết thay vì mang sẵn từ Trái đất để tiết kiệm diện tích cho tàu.

"Các nhiệm vụ mới đến Mặt trăng và sao Hỏa đang được thiết lập trong những năm tới" - trích lời bác sĩ Matthieu Komorowski từ Bệnh viện Charing Cross (London). "Trong những nhiệm vụ dài hạn, việc dự đoán được độ rủi ro mắc bệnh hoặc chấn thương đòi hỏi phẫu thuật là rất quan trọng".

"Tình huống xấu nhất là các phi hành gia không có trình độ y tế phải chăm sóc lẫn nhau. Ở một nơi rất xa Trái đất, phi hành đoàn phải nương tựa vào nhau mà vượt qua".

Nêu vậy để thấy rằng trở thành phi hành gia của NASA không hề đơn giản một chút nào, và luôn phải sẵn sàng tâm lý gánh chịu rủi ro.

Nguồn: Daily Mail, Seeker...