Tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, gia đình bà Lê Thị Thọ (ngụ thôn Tu Mục 1) được xem là khá giả khi ở trong ngôi nhà 2 tầng khang trang trị giá nhiều tỉ đồng, xây dựng năm 2014. Không hiểu vì sao 3 nhân khẩu (bà Thọ và 2 con) vẫn nằm trong danh sách hộ cận nghèo (?!).
Đã từ chối, vẫn vào hộ cận nghèo
Không chỉ nhà bà Thọ, gia đình ông Lê Ngọc Lâm, gia đình ông Đoàn Đức Bình ở thôn Tu Mục 1 cũng thuộc diện khá giả nhưng lại là hộ cận nghèo. Gia đình ông Lâm làm nghề buôn bán rau quả, hải sản; nhà cửa khang trang, có cả ôtô để hoạt động kinh doanh. Còn ông Bình là con cô ruột của ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ. Nhiều người dân tại xã này rất bất ngờ bởi trong xã còn nhiều hộ thực sự khó khăn nhưng không thuộc diện cận nghèo.
Trong khi đó, tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều cán bộ chủ chốt của xã Thiệu Thành có vợ, con "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo: Các thành viên gia đình ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành, gồm vợ, con trai, con dâu, cháu; các thành viên gia đình ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch MTTQ xã. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Giảng, Bí thư Đoàn xã Thiệu Thành, có chồng và 2 con gửi vào hộ cận nghèo của gia đình khác.
Vụ việc bị bại lộ, UBND huyện Thiệu Hóa hôm 15-5 đã xác định 12 người không thuộc diện hộ cận nghèo nhưng có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Trong đó, có 8 người trong gia đình cán bộ xã, 4 người còn lại là người dân.
Ngôi nhà khang trang của “hộ cận nghèo” Lê Thị Thọ Ảnh: Thùy Chi
Trần tình về việc này, ông Hách Văn Thắng tỏ ra rất buồn và từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ông Thắng khẳng định đã giải trình sự việc với Huyện ủy Thiệu Hóa và chờ kết luận của cấp trên. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Giảng cho biết năm 2015, cán bộ thôn đến nhà vận động bà vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Lúc đó, bà đã từ chối nhưng chẳng hiểu vì sao bây giờ lại có mấy nhân khẩu nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã.
"Gia đình tôi không có động cơ trục lợi, tôi là thành viên Ban Giám sát chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 của xã. Khi phát hiện một số thành viên gia đình có tên trong danh sách hộ cận nghèo, tôi mới tá hỏa đi hỏi cán bộ chính sách thì được biết danh sách này chép từ năm này qua năm khác, hộ nào mới thì bổ sung thôi" - bà Giảng lý giải.
Người nghèo bị vận động không nhận hỗ trợ
Trái ngược với việc vợ con lãnh đạo xã, các gia đình thuộc diện khá giả "lạc" vào danh sách hộ cận nghèo thì tại xã ven biển Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, nhiều gia đình thực sự khó khăn lại bị cán bộ thôn tới nhà vận động từ chối nhận tiền hỗ trợ.
Ông Lê Đình Tiến (thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh) thuộc diện hộ cận nghèo. Hằng ngày, ông làm phụ hồ, còn vợ thì hấp cá thuê cho một xưởng cá. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vợ ông Tiến phải nghỉ việc, cả gia đình phụ thuộc vào đồng tiền bấp bênh từ nghề phụ hồ của ông.
Ngày 9-5, ông Lê Công Ngân, trưởng thôn Hạnh Phúc, tới vận động gia đình ký vào đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ. "Tôi chỉ biết ký, không biết nội dung trong đó viết gì. Sau đó, lãnh đạo xã, trưởng thôn đã tới nhà xin lỗi, gia đình cũng đã rút đơn và nhận tiền của nhà nước" - bà Nguyễn Thị Luyện, vợ ông Tiến, kể lại.
Trưởng thôn Hạnh Phúc đã vận động được 21/76 hộ ký vào đơn do mình đánh máy sẵn. Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản nghiêm cấm việc vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ, xã Hải Ninh đã "sửa sai" bằng cách đi xin lỗi người dân và 7 người đã rút đơn để nhận tiền hỗ trợ.
Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, khẳng định xã không chỉ đạo trưởng thôn Hạnh Phúc đi vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ mà có thể do trưởng thôn vì bệnh thành tích nên đã tự ý triển khai. Theo ông Phương, toàn xã có 13 thôn nhưng chỉ 3 thôn là Hạnh Phúc, Đồng Minh và Hồng Phong xảy ra sự việc. Xã Hải Ninh đã thu hồi toàn bộ số đơn in sẵn và thông báo hộ dân nào đã ký đơn nhưng vẫn có nguyện vọng nhận tiền hỗ trợ sẽ được hướng dẫn làm thủ tục chi trả.
Ngày 16-5, ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19. Theo văn bản này, trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch; không để xảy ra tình trạng bỏ sót, không để xảy ra việc chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định. Cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp tự nguyện.