Hình ảnh sao chổi 80.000 năm "mới thấy một lần" đến gần Trái đất

Dương Trần, Theo VTV 16:32 14/10/2024
Chia sẻ

Sao chổi A3, được mệnh danh là "sao chổi thế kỷ", đã bay ngang qua Trái Đất và được ghi lại qua nhiều bức ảnh từ khắp nơi trên thế giới.

Sao chổi A3, còn được gọi là Tsuchinshan-ATLAS, đã không làm các nhà thiên văn thất vọng khi tiến gần Trái Đất vào tối 12/10, cách khoảng 44 triệu dặm. Người quan sát bầu trời trên toàn cầu đã kịp thời ghi lại hình ảnh của "sao chổi thế kỷ" khi nó bay qua bán cầu bắc.

Sao chổi A3, được phát hiện vào tháng 1/2023 bởi hai đài quan sát: Tsuchinshan (Trung Quốc) và hệ thống cảnh báo ATLAS (Nam Phi) - đã đi vào hệ Mặt trời bên trong và được chụp lại từ nhiều quốc gia như Anh, Mỹ và tại châu Á.

Hiện tượng thiên văn này xuất hiện khoảng mỗi 80.000 năm một lần, có nghĩa là lần gần nhất sao chổi này có thể nhìn thấy từ Trái Đất là khi người Neanderthals còn tồn tại. Theo Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia (RAS), sao chổi A3 được cho là có nguồn gốc từ Đám mây Oort - một lớp vỏ khổng lồ bao quanh hệ Mặt trời, chứa hàng tỷ thiên thể bao gồm cả sao chổi.

Hình ảnh sao chổi 80.000 năm "mới thấy một lần" đến gần Trái đất- Ảnh 1.

Một bức ảnh cho thấy sao chổi Tsuchinshan-ATLAS (phải) và một chiếc máy bay (trái) trên bầu trời, nhìn từ Nice, Đông Nam nước Pháp, vào ngày 13/10/2024. (Ảnh: AFP)

Sao chổi A3 trước đó đã có thể quan sát được từ Trái Đất từ ngày 27/9 đến 2/10 khi nó di chuyển qua bán cầu nam và sẽ còn tiếp tục xuất hiện đến ngày 30/10.

Tiến sĩ Robert Massey - phó giám đốc RAS - cho biết việc chụp ảnh sao chổi này là có thể, đặc biệt với máy ảnh DSLR hoặc sử dụng kính thiên văn cùng điện thoại di động để chụp qua ống kính. Phương pháp ày đã thực hiện thành công với các sao chổi như NEOWISE vào năm 2020.

Hình ảnh sao chổi 80.000 năm "mới thấy một lần" đến gần Trái đất- Ảnh 2.

Một góc nhìn thoáng qua về sao chổi bên cạnh Nhà thờ Thánh Peter và Paul ở Nga. (Ảnh: AP)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày