Dự án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" được khởi xướng bởi một nhóm bạn trẻ có tên "Hà Giang trẻ", đều là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đến nay, họ đã trao tặng hơn 900 bồn chứa nước cho bà con tại 14 xã trên địa bàn 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.
Khi hình ảnh những người phụ nữ còng lưng, gánh những bồn nước "khổng lồ" về nhà được đăng tải lên mạng xã hội, đã khiến nhiều người không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ xen lẫn thắc mắc: "Tại sao không chở xe máy về tận nhà để trao tặng cho bà con", "Cánh mày râu đâu hết rồi lại để chị em phụ nữ gánh bồn nước",... là những câu hỏi mà cộng đồng mạng đặt ra.
Anh Giàng A Phớn - đại diện dự án cho biết, mỗi bồn chứa nước có dung tích 1.200 lít, được làm bằng inox, có sức nặng cả bồn và đế khoảng 20-25kg. Nhìn có vẻ cồng kềnh, nhưng nó "không là gì so với những gánh ngô, gánh củi hàng ngày bà con vẫn vận chuyển".
Xôn xao hình ảnh những người phụ nữ Hà Giang gánh bồn nước 1.200 lít về nhà. Nguồn: NVCC.
Hình ảnh những người phụ nữ vùng cao gánh bồn nước về nhà.
Việc mang bồn nước về nhà giúp cải thiện cuộc sống người dân.
"Việc lao động ở vùng cao, thì phụ nữ cũng đóng một vai trò quan trọng. Mỗi nhà, mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi lao động chính khác nhau. Mọi người chỉ nhìn thấy hình ảnh ấn tượng những người phụ nữ cõng bồn - chỉ là một mặt của sự việc, mà chưa thấy cảnh cánh đàn ông cũng cõng như bình thường, từ xã về tận nhà. Gia đình nào có điều kiện hơn sẽ chạy xe máy đến", anh Phớn nói.
Anh chia sẻ thêm, bản thân anh và nhóm "Hà Giang trẻ" cũng mong muốn được trao tận tay bà con những chiếc bồn nước. Tuy nhiên, địa hình đồi núi khó khăn, nếu không quen đường sẽ gặp rất nhiều vất vả. "Mỗi xã chúng tôi tặng tối thiểu 65 bồn, nếu đến tận nhà hộ dân sẽ mất rất nhiều thời gian, có khi hơn 10 ngày trời. Nhiều địa hình không di chuyển được, nên chúng tôi vận động bà con nhà ai mang về nhà nấy".
Đại diện dự án nói rằng các anh cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt và nụ cười của bà con vùng cao. Họ sẵn sàng đi bất cứ đâu để nhận được bồn nước mà không hề than thở hay thắc mắc bất cứ điều gì.
Gia đình nào có điều kiện sẽ vận chuyển bồn nước bằng xe máy.
Không riêng chị em phụ nữ, cánh mày râu cũng tham gia cõng bồn nước về nhà.
Hình ảnh người dân gánh bồn nước về nhà sau khi được trao tặng.
"Mọi người chưa hiểu rõ văn hóa vùng miền, địa hình, và ý nghĩa của dự án nên đã có những bình luận khá tiêu cực. Chúng tôi mong muốn dự án được lan tỏa, để có nhiều hơn nữa cơ hội mang bồn nước đến với bà con đồng bào".
Ở những xã miền núi Hà Giang, nước sạch là một điều còn "xa xỉ". Mỗi ngày, họ mất 3-4 tiếng leo đồi để cõng nước về nhà, mỗi lần chỉ mang được một can nước 20 lít. Nếu có bồn nước, họ có thể hứng nước mưa để sử dụng, giảm tải công sức lấy nước hàng ngày, thay vào đó tập trung cho sản xuất, phát triển kinh tế. Mùa khô kéo dài từ tháng 9 - tháng 4 hàng năm là thời điểm bà con cõng nước rất vất vả.