Hình ảnh chạm vào tim trong cuộc khủng hoảng Rohingya

Bảo Hạnh, Theo Người lao động 21:00 16/09/2017
Chia sẻ

Bức ảnh một người mẹ người Rohingya ôm xác đứa con sơ sinh mới 5 tuần tuổi là bức ảnh gây xúc động lớn nhất trong cuộc khủng hoảng tị nạn ở Myanmar.

Hãng tin Reuters đưa tin cô Hamida cùng chồng Nasir Ahmed và 2 đứa con trai nhỏ nằm trong số 18 người tị nạn trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ vượt qua vịnh Bengal tới làng Shah Porir Dwip - Bangladesh.

Khi gần đến bờ, chiếc thuyền bỗng nhiên bị lật và họ bị rơi xuống nước. Khi đó, nhiếp ảnh gia của Reuters Mohammad Ponir Hossain đang chụp ảnh những người tị nạn trên bờ thì nghe thấy tiếng kêu la về chiếc thuyền bị lật. "Tôi chạy nhanh đến và thấy họ đang kêu khóc trước thi thể của một đứa bé" - anh Ponir nói

Trong bức ảnh, cô Hamida vừa khóc vừa ôm lấy thân hình nhỏ bé tái mét của con trai. Dường như bé đã không qua khỏi khi những người sống sót cố bơi vào bờ. Một bức ảnh khác ghi lại sự đau khổ hằn trên gương mặt anh Nasir Ahmed khi anh bế con ra khỏi đám đông. Đứa con còn lại của 2 người may mắn sống sót sau tai nạn.

Hình ảnh chạm vào tim trong cuộc khủng hoảng Rohingya - Ảnh 1.

Cô Hamida ôm xác con trai. Ảnh: REUTERS

Hình ảnh chạm vào tim trong cuộc khủng hoảng Rohingya - Ảnh 2.

Nỗi đau khổ hằn trên khuôn mặt anh Nasir Ahmed. Ảnh: Reuters

Trong vòng 3 tuần qua, khoảng 400.000 người Rohingya đã đến Bangladesh bằng cả đường bộ và đường biển sau khi quân đội Myanmar đáp trả khốc liệt các cuộc tấn công của những tay súng Rohingya.

Vụ bạo lực nổ ra vào ngày 25-8 tại bang Rakhine sau khi một loạt các cuộc tấn công xảy ra nhắm vào các trạm kiểm soát và trại quân đội, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Gia đình cô Hamida nằm trong số hàng chục ngàn người Rohingya mạo hiểm dấn thân vào hành trình nguy hiểm kéo dài 5 tiếng trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ để vượt biển đến miền Nam Bangladesh. "Họ tuyệt vọng đến mức đánh cược mạng sống để thoát khỏi Myanmar. Những bức ảnh đã nói lên tình hình tại đây" - anh Ponir nói.

Vào ngày 14-9, Liên Hiệp Quốc kêu gọi giúp đỡ gần 400.000 người Hồi giáo Myanmar bỏ chạy sang Bangladesh và lo lắng rằng con số này có thể tiếp tục tăng lên.

Hình ảnh chạm vào tim trong cuộc khủng hoảng Rohingya - Ảnh 3.

Trại tị nạn của người Rohingya tại Bangladesh. Ảnh: REUTERS

Khủng hoảng tại Rakhine và cuộc di tản của người tị nạn là vấn đề cấp bách nhất mà bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, phải đối mặt kể từ khi trở thành lãnh đạo Myanmar vào năm ngoái.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an ngày 13-9 kêu gọi Myanmar chấm dứt vụ bạo lực. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar khẳng định họ đang tiêu diệt "những kẻ khủng bố".

Rất nhiều ngôi làng của người Rohingya tại bang Rakhine đã bị phóng hỏa nhưng cơ quan chức năng tuyên bố thủ phạm không phải là lực lượng an ninh. Họ đổ lỗi cho quân nổi dậy Rohingya và nói rằng khoảng 30.000 dân làng không theo đạo Hồi cũng bị mất nhà cửa.

Vào tuần rồi, chính phủ Myanmar cho hay 45 khu vực bị phóng hỏa, 176/471 ngôi làng ở phía Bắc Rakhine bị bỏ hoang và tổng cộng 432 người đã thiệt mạng - "hầu hết là quân nổi dậy" - kể từ ngày 25-8.

Dự kiến, bà Suu Kyi sẽ phát biểu trước toàn dân vào ngày 19-9. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ngày 14-9 cho biết bà Suu Kyi đang tiến hành hỗ trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày