Mặc cho sự cố gắng từ phía chính phủ trong những năm qua, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại Hàn Quốc không những không cải thiện mà còn đang ngày một rõ rệt hơn, đặc biệt là khi tỷ lệ kết hôn vào năm 2023 tại quốc gia này đã giảm tới 40% so với 10 năm trước.
Tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc giảm 40% so với thời điểm 10 năm trước (Ảnh minh họa)
Cụ thể, số lượng thống kê của Hàn Quốc ước tính có khoảng 193.673 cặp đôi kết hôn vào năm 2023, giảm 40% so với số lượng 322.807 cặp đôi kết hôn vào năm 2013. Một báo cáo khác do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố cho thấy đằng sau việc tỷ lệ kết hôn giảm 40% trong vòng một thập kỷ là do quan điểm kết hôn từ phía người trẻ.
Báo cáo vào năm 2022 tiết lộ rằng trong số những người ở độ tuổi từ 19 đến 34, chỉ có khoảng 1/3 số người có quan điểm tích cực về việc kết hôn. Điều này thể hiện sự thay đổi lớn so với năm 2012, khi hơn một nửa số người ở độ tuổi này có quan điểm tích cực về hôn nhân.
Trả lời cho vấn đề này, có tới 37% người trẻ Hàn Quốc cho rằng trở ngại lớn nhất ngăn họ tiến tới hôn nhân là tiền bạc; 17,3% khác cho rằng họ không cảm thấy kết hôn là việc cần thiết phải làm; 11% cho biết họ không muốn phải đối mặt với áp lực sinh con và nuôi con sinh; 10% còn lại quyết định chưa kết hôn vì không có việc làm ổn định.
Nhiều người trẻ nhận thấy họ không thực sự cần kết hôn
Như một lẽ tất yếu, khi tỷ lệ kết hôn giảm, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc cũng sẽ giảm theo. Vào năm 2022, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 230.000 trẻ em ra đời, cho thấy mức giảm 7,7% so với con số 249.186 của năm 2022 và giảm 47,3% so với một thập kỷ trước.
Ngay cả khi kết hôn, nhiều cặp đôi cũng không có ý định sinh con vì gánh nặng tài chính quá lớn
Với áp lực kinh tế ở Hàn Quốc thời điểm hiện tại có rất nhiều mô hình sinh sống hiện đại được phát triển như các cặp đôi kết hôn nhưng không sinh con, các cặp đôi chỉ sống chung thay vì kết hôn,...
Do vậy, vào năm 2023, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc cũng giảm xuống 0,72 và đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp có tỷ lệ sinh dưới 1 tại quốc gia này. Tỷ lệ 0,72 cũng thấp hơn đáng kể so với mức 2,1, mức sinh đẻ được coi là cần thiết để duy trì dân số ổn định. Cơ quan thống kê dự đoán tỷ lệ sinh năm 2024 có thể sẽ còn giảm xuống 0,68.
Tỷ lệ sinh giảm khiến cho tỷ lệ dân số già ngày càng tăng nhanh, số người cao tuổi ngày càng đông khiến cho Hàn Quốc phải tăng số lượng các dịch vụ, cơ sở vật chất phục vụ những người ở độ tuổi này.
Người già tại Hàn Quốc dần trở thành "lực lượng chính" trong tương lai
Chỉ trong 5 năm, từ 2017 đến năm 2022, số lượng cơ sở chăm sóc người già tăng vọt từ 76.000 đến 89.643, trong đó bao gồm các viện dưỡng lão, bệnh viện chuyên khoa và các cơ quan phúc lợi giúp người cao tuổi. Điều này vô hình chung đã gây căng thẳng cho hệ thống xã hội, một hệ thống vốn dĩ đã tồn tại nhiều vấn đề như tiền lương trì trệ, chi phí sinh hoạt tăng cao và gánh nặng tài chính,..
Không chỉ Hàn Quốc, nhiều nước Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản,... cũng đang đứng trước một cuộc khủng hoảng dân số tương tự khi tỉ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh tại các đất nước này đều đang có chiều hướng giảm xuống.
Nguồn: Korea Times