Giữa lúc các cơ sở giáo dục tư thục khác còn nỗi lo gánh nặng về tài chính sau 2 tháng học sinh không đến trường vì dịch Covid-19, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) lại có những quyết định khác lạ. Thầy hứa sẽ trả lương đầy đủ cho giáo viên trong 2 tháng vừa qua cũng như sẽ không để phụ huynh phải đóng phí học online như trong thư ngỏ mà thầy gửi đến phụ huynh và học sinh nhà trường.
Chia sẻ với PV, thầy cho biết, đây không phải là những cam kết nhất thời mà đã được nhà trường nghĩ đến từ khi học sinh mới bắt đầu vào đợt nghỉ kéo dài. Thầy nói: "Ngay từ tháng 2, trường đã có thư ngỏ, với những chia sẻ gửi đến phụ huynh và học sinh. Trong đó nêu rõ trường sẽ không thu thêm học phí cho tháng học bù và học phí online. Nhiều phụ huynh cũng lo lắng cho giáo viên trong trường vì không biết các thầy cô có lương không?"
Thầy Nguyễn Văn Hòa - chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thầy chia sẻ, trong khi học sinh vẫn nghỉ học thì thầy cô vẫn không ngừng làm việc. Các thầy cô vẫn làm các phần công việc tại nhà, vẫn soạn giáo án, lên bài giảng, vẫn cùng nhau chuẩn bị các công tác khác để đón học sinh đi học trở lại. Ngoài ra, họ vẫn thay phiên nhau trực ở trường các ngày trong tuần. Những điều đó cho thấy sự nỗ lực và vất vả mà các giáo viên dành cho học sinh cùng nhà trường.
"Chúng tôi cho rằng, một ngôi trường khi được xây dựng phải có gốc rễ, chúng tôi luôn có quỹ dự trữ cho các tình huống khác xảy ra. Và như tôi đã xây dựng Nguyễn Bỉnh Khiêm với văn hóa là 1 ngôi trường hạnh phúc, tôi cho rằng bất kỳ giáo viên, nhân viên nào cũng là nguồn tài sản quý giá của nhà trường nên bằng mọi cách chúng tôi không thể để mất được", Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay.
Do đó, để có đủ nguồn tài chính trả lương cho giáo viên trong 2 tháng vắng học sinh vừa qua, ngôi trường liên cấp ở Hà Nội này đã tìm đủ cách từ dùng quỹ dự trữ, thậm chí phải vay ngân hàng hay có giáo viên thấy trường khó khăn quá đã vận động gia đình cho nhà trường vay. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đã chủ động đóng học phí trước 1 đến 2 tháng, thậm chí cả năm để chia sẻ với những khó khăn mà ngành giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng đang gặp phải.
Trong bức thư ngỏ, nhà trường khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận học phí mà các cô bác có tấm lòng và điều kiện đóng trước cho các con, cũng như số tiền mà các cô bác có thể cho nhà trường vay ngắn hạn để kịp thời trả lương cho giáo viên, nhân viên".
Sau 2 ngày bức thư ngỏ đến tay mọi người, nhà trường đã thu được 1 tỷ đồng tiền học phí. Đến lúc này, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có đủ số tiền cần thiết để thanh toán lương cho thầy cô, cán bộ, công nhân viên. Thầy chia sẻ: "Đây là biện pháp lấy ngắn nuôi dài, và nếu nghỉ học lâu hơn thì chủ trương của nhà trường vẫn vậy."
Bức thư ngỏ gây chú ý của Thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) trước đó.
Về các kế hoạch cho học sinh trước diễn biến của dịch COVID-19, thầy cho rằng học online, trực tuyến chỉ là hình thức tạm thời, mang tính duy trì, chứ không phải là giải pháp tốt nhất để dạy học trò. Do đó, dù có tổ chức chương trình học online trên mạng xã hội, nhưng trường đảm bảo khi học sinh quay lại trường sẽ được dạy lại kiến thức từ đầu như trong kế hoạch giảng dạy. Tuy đang gặp khó trong việc xoay sở tài chính cho việc trả lương giáo viên, nhưng nhà trường chủ trương không thu học phí học trực tuyến như là nguồn thu khác để bù đắp vào khoản nêu trên.
Chia sẻ chi tiết hơn về lý do không thu phí học trực tuyến như các trường khác đề nghị, thầy cho biết: "Tôi nghĩ chi phí bỏ ra cho việc này không tốn kém nhiều, vả lại chúng tôi có kế hoạch giảng dạy khi học sinh quay lại rồi. Nếu thu thêm những phí như vậy thì lấy gì để phụ huynh tin tưởng chúng tôi. Điều đó dễ gây mất lòng tin, điều mà không phải muốn là có mà phải xây dựng từ lâu."
Vừa qua, trong công văn hỏa tốc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi tới các địa phương, Bộ đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học 2019-2020 dựa vào diễn biến của dịch COVID-19. Theo đó, lịch thi THPT Quốc gia được dời đến ngày 8/8, tức là gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu được công bố cuối năm ngoái. Thời gian tạm nghỉ chống dịch của học sinh cũng có thể kéo dài khoảng 2 tháng tương ứng, nên thầy Hòa nhận định, tổng thời gian cho năm học sẽ không bị cắt xén, học sinh vẫn sẽ được học như bình thường.
Trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lên những kịch bản, phương án để đối phó với các vấn đề phát sinh nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có những thay đổi trong tương lai. Hiện tại, học sinh cuối cấp là lớp 9 và 12 đang được hướng dẫn để ôn tập trong khi chờ đến trường. Thầy chia sẻ: "Chúng tôi chỉ là người lên kịch bản, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo là người lên kế hoạch, chúng tôi sẽ có kịch bản dựa vào kế hoạch được định sẵn. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyết định và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo."