Hiệu trưởng Đại học Stanford chỉ ra 2 điều quan trọng nhất trong thời thơ ấu

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 18:56 22/12/2022
Chia sẻ

Trái ngược với thông điệp của bảng xếp hạng đại học, trẻ không cần phải vào trường đại học danh tiếng nhất để hạnh phúc và thành công.

Bà Julie Lythcott - Haims là cựu hiệu trưởng của Đại học Stanford, nhà giáo dục và diễn giả nổi tiếng tại Mỹ, đồng thời là mẹ của hai đứa con. Trong một bài phát biểu trên TED, vị hiệu trưởng này cho rằng không nên sử dụng điểm số để xác định thành công của một đứa trẻ, thay vào đó hãy tập trung vào 2 điểm quan trọng trong thời thơ ấu: Cho con tình yêu và để con làm công việc nhà.

Theo bà, xã hội thường hay lo lắng rằng cha mẹ không quan tâm đầy đủ đến cuộc sống, việc giáo dục hoặc nuôi dạy con cái họ. Nhưng sự quan tâm thái quá cũng có mặt bất lợi. Đó là nhiều phụ huynh tin rằng con cái sẽ không thành công trừ khi được cha mẹ bảo vệ và uốn nắn mọi lúc, quản lý con từng phút giây, cả chuyện chọn trường và chọn nghề.

Hiệu trưởng Đại học Stanford chỉ ra 2 điều quan trọng nhất trong thời thơ ấu - Ảnh 1.

Bao bọc thái quá tước đi cơ hội phát triển ý thức về năng lực bản thân

Khi con còn nhỏ, cha mẹ ưu tiên giữ cho con mình được an toàn và ăn uống đầy đủ, đảm bảo rằng chúng sẽ được học ở một trường tốt, lớp tốt, đạt điểm cao. Và không chỉ điểm số mà còn là sự công nhận và giải thưởng nhận được trong các hoạt động thể thao, ngoại khóa.

Khi ở bên những đứa trẻ, chúng ta dành nhiều thời gian để thúc giục, dỗ dành, giúp đỡ, tranh cãi, cằn nhằn, tùy theo tình huống, để đảm bảo rằng chúng không quậy phá, đi trật ra quỹ đạo có thể phá hủy tương lai. Thời thơ ấu, chúng ta luôn miệng chúc chúng hạnh phúc, nhưng khi con đi học về, điều đầu tiên chúng ta hỏi là bài tập về nhà và điểm số.

Những đứa trẻ bất kể học ở trường đều có thể thấy áp lực, mệt mỏi. Trong khi phản ứng của cha mẹ như thể con cái sẽ không có tương lai nếu không học đại học hoặc có một sự nghiệp nào đó. Có thể nỗi sợ hãi của chúng ta là khi con "thất bại", chúng ta không thể khoe khoang với bạn bè, tự hào với mọi người xung quanh.

Nhưng nhìn nhận kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng những đứa trẻ nghĩ rằng giá trị của chúng không chỉ nằm ở điểm số. Việc giúp đỡ, bảo vệ quá mức, đã tước đi cơ hội phát triển ý thức về năng lực bản thân. Ý thức này chỉ được xây dựng khi một người thấy rằng hành động của chính họ tạo ra kết quả, không phải hành động của cha mẹ thay cho mình.

Nói cách khác, những hỗ trợ thái quá như thế này có thể giúp trẻ có một hồ sơ ấn tượng khi nộp đơn vào đại học, nhưng nó lại cướp đi của trẻ cơ hội được khám phá xem chúng là ai, chúng thích gì và cách chúng thay đổi thế giới.

Nếu muốn con cái chúng ta phát triển ý thức về năng lực bản thân, thì phải để chúng suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, cách lập kế hoạch, quyết định, hoạt động, thử và sai, có ước mơ và những trải nghiệm của chính chúng.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mọi đứa trẻ đều chăm chỉ năng động và không cần cha mẹ tham gia hoặc quan tâm, cha mẹ chỉ cần lùi lại và buông tay là đủ. Bà Julie cho rằng, điều mình muốn nói là sẽ rất hạn hẹp khi định nghĩa thành công hay thất bại của một đứa trẻ qua điểm số, vinh danh và khen thưởng.

2 điều quan trọng nhất trong thời thơ ấu

1. Hãy để trẻ làm công việc nhà

Mặc dù trẻ có thể đạt được những chiến thắng ngắn hạn khi được cha mẹ giúp đỡ, chẳng hạn đạt điểm cao hơn nhờ phụ huynh làm giúp bài tập về nhà. Nhưng điều đó sẽ khiến trẻ phải trả giá về lâu dài, dựa trên sự tự nhận thức. Người lớn cần ít tập trung hơn vào việc đứa trẻ có thể đăng ký vào trường đại học nào mà chú trọng nhiều hơn vào thói quen, tư duy, kỹ năng và sức khỏe để con cái có thể thành công bất kể chúng ở đâu.

Nghiên cứu nhân chủng học dài nhất từng được thực hiện của ĐH Harvard đã phát hiện ra rằng thành công trong nghề nghiệp là điều cha mẹ muốn con mình có được. Nhưng thành công trong cuộc sống đến từ việc trẻ làm việc nhà từ khi còn nhỏ, bắt đầu càng sớm càng tốt. Vậy nên, hãy để trẻ xắn tay áo lên và có tinh thần đóng góp.

Theo bà Julie Lythcott-Haims, một đứa trẻ biết làm việc nhà khi lớn lên sẽ biết cách hợp tác với đồng nghiệp cũng như biết cách làm việc độc lập. Giao việc nhà cho bọn trẻ, như đổ rác hay giặt đồ cá nhân, là cách giúp chúng nhận thức được phải làm việc để trở thành một phần của xã hội.

Được phân công việc nhà theo từng độ tuổi không những giúp hình thành ý thức trách nhiệm ở trẻ mà còn khiến chúng luôn cảm thấy mình là người quan trọng trong gia đình, có ý nghĩa đối với gia đình. Bởi, một cách tự nhiên, trẻ em luôn bị lôi cuốn bởi những nhiệm vụ và mục tiêu được xác định rõ ràng. Chúng thích cảm giác là người quan trọng đối với bố mẹ và biết rằng những đóng góp của mình với việc nhà sẽ tạo nên sự khác biệt.

2. Hạnh phúc đến từ tình yêu

Phát hiện rất quan trọng thứ hai từ nghiên cứu của Harvard là hạnh phúc trong cuộc sống đến từ tình yêu, không phải tình yêu công việc mà là tình yêu giữa con người với nhau: Người yêu, gia đình, bạn đời, bạn bè của chúng ta.

Vì vậy, trẻ em cần được dạy cách yêu thương ngay từ khi còn nhỏ, chúng không thể yêu người khác nếu không yêu bản thân mình trước; và chúng không thể yêu chính mình nếu chúng ta không cung cấp tình yêu cho chúng vô điều kiện.

Vì vậy, thay vì bị ám ảnh bởi điểm số, khi những đứa trẻ đi học về hoặc khi cha mẹ đi làm về, chúng ta cần đặt điện thoại xuống, nhìn vào mắt con. Chúng ta nên nói, hôm nay con thế nào, điều yêu thích nhất con làm hôm nay là gì, và gợi mở câu chuyện từ những câu trả lời sau đó. Con cần biết rằng bản thân quan trọng với cha mẹ chứ không phải vì kết quả học tập.

Trái ngược với thông điệp của bảng xếp hạng đại học, trẻ không cần phải vào trường đại học danh tiếng nhất để hạnh phúc và thành công. Những người hạnh phúc và thành công cũng đến từ các trường công lập, từ các trường cao đẳng chưa ai từng nghe đến. Nếu có thể mở rộng tầm nhìn của mình và sẵn sàng xem xét thêm, có lẽ chúng ta có thể xóa bỏ định kiến và chấp nhận sự thật rằng sẽ không phải là tận thế nếu con cái chúng ta không vào được một trường đại học danh giá.

Hơn nữa, nếu thời thơ ấu không tuân theo một sự giáo dục khắc nghiệt, thì khi vào đại học, bất kể chọn trường nào, con chúng ta đều được trao quyền để phát triển, được thúc đẩy bởi những mong muốn của chính bản thân mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày