Miền Bắc
Sự cầu kì về cách chế biến và hình thức là đặc trưng trong ẩm thực miền Bắc. Mâm cỗ Tết không chỉ đủ màu xanh đỏ, mà còn phong phú món xào, hấp, canh… Hơn nữa thực phẩm cũng phản ánh rõ nét khí hậu đặc trưng miền Bắc: Mùa đông lạnh, mâm cỗ Tết cũng là những món giàu năng lượng, có khả năng làm ấm người và phù hợp để ngoài thời tiết giá lạnh.
Hình ảnh một mâm cỗ Tết điển hình kiểu Bắc: Với bánh chưng, thịt đông và canh măng.
Bánh chưng là món không thể thiếu trong ngày Tết miền Bắc. Để ăn đỡ ngán và bớt đầy bụng, thì người ta sẽ dùng kèm với dưa hành muối chua chua.
Thịt đông – một món ăn đặc sắc, phản ánh chân thực khí hậu lạnh giá ở miền Bắc ngày Tết. Người ta truyền miệng rằng do trời quá lạnh, canh chân giò để ở ngoài cũng đông cứng và tạo thành món thịt đông. Chính nhờ phần chân giò và da mà thịt có độ kết dính tự nhiên, càng lạnh ăn càng ngon.
Mâm cỗ Tết miền Bắc nhất định phải có một bát canh. Phổ biến nhất là canh bóng thả và canh măng khô: Vừa có độ béo của móng giò, vừa có cái ngọt thanh nhẹ nhàng của măng, ăn vào ngày đông giúp no lâu lại ấm bụng.
Miền Nam
Sự trù phú về nông sản của miền Nam thể hiện rất rõ qua mâm cỗ Tết. Thịt, rau, các loại màu sắc, hương vị… đều cực kì phong phú và bắt mắt. Điều đặc biệt là do khí hậu miền Nam quanh năm ổn định, không có mùa đông lạnh, nên những món ăn ngày Tết cũng không phản ánh ẩm thực xứ lạnh, mà gần gũi với ẩm thực nhiệt đới hơn.
Mâm cỗ miền Nam tuy không nhiều món đặc trưng cho mùa lạnh, nhưng vẫn có những món ăn dự trữ được lâu phù hợp cho dịp Tết.
Thay vì bánh chưng, người miền Nam ăn bánh tét. Họ cũng có đồ chua đi kèm của riêng miền là củ kiệu. Có củ kiệu lại không thể thiếu tôm khô. Gắp miếng bánh tét dẻo dẻo, hòa cùng củ kiệu chua cay và một chút mặn, ngọt nồng nàn từ tôm là thấy ngay hương vị tết miền Nam.
Trong mâm cỗ Tết, món mặn nổi tiếng nhất là thịt kho trứng. Món này có cái ngọt bùi đặc trưng từ nước dừa , phản ánh đúng khẩu vị của người miền Nam. Ngoài ra, miếng thịt kho đúng chuẩn phải cắt thành khối vuông, thay cho lời chúc âm dương hài hòa, mọi sự vuông vắn và như ý.
Tuy giàu có về thịt thà, nhưng bữa cơm ngày Tết miền Nam vẫn không thể thiếu màu xanh, đặc biệt là canh khổ qua với ý nghĩa năm mới Tết đến, cái khổ qua đi. Ngoài ý nghĩa này, món canh thanh mát còn giúp cân bằng hương vị sau một loạt món giàu đạm, béo.
Miền Trung
Nét đặc sắc của ẩm thực miền Trung là gia vị – mâm cỗ ngày Tết thể hiện rất rõ nét điều này. Kết hợp các loại gia vị một cách tài tình, bữa ăn những ngày này có đủ vị chua cay mặn ngọt, lại đậm đà theo một phong vị rất riêng, không vùng nào có.
Món ăn ngày Tết miền Trung - giản dị, chân quê mà đặc sắc.
Người miền Trung ăn bánh tét như miền Nam, nhưng thường ăn kèm với dưa món. Loại đồ chua cực đậm vị này không chỉ giúp bánh tét đỡ ngán hơn hẳn, mà nó còn đi cùng các món thịt thà khác trong mâm cỗ Tết, giúp cân bằng hương vị.
Nếu miền Bắc nổi tiếng với giò thủ, thì miền Trung cũng có giò bò trứ danh. Thịt bò quệt nhuyễn, bên trong lại có tiêu hột, vừa mặn vừa ngọt lại cay cay, thơm nồng, gợi nhắc sắc thái rất riêng của các món ăn miền Trung.
Nhắc đến Tết miền Trung mà bỏ qua tré thì thật quá phí. Tổng hợp những phần "ít ngon" như tai heo, bì heo… trộn cùng thính gạo, người miền Trung đã sáng tạo ra một món nhâm nhi ngày Tết cực thơm, giản dị chân chất như vùng đất nơi đây mà vẫn ngon miễn chê. Khi ăn tré, người ta thường chấm cùng với tương ớt cay xè cho dậy vị hơn.
Kết:
Dù ở vùng miền nào, thói quen ăn uống ra sau, nhìn vào mâm cỗ Tết ta cũng thấy được sự kì công, tỉ mỉ và cả những tình cảm tốt đẹp gửi gắm qua từng món ăn. Tết đến xuân về, hãy dành chút thời gian từ từ thưởng thức từng món ăn ngày Tết, để cảm nhận trọn vẹn phong vị quê nhà - không chỉ ngon mà còn đầy ý nghĩa.