Sau gần 3 tháng trình chiếu, Sống Chung Với Mẹ Chồng đã khép lại hành trình 34 tập của mình vào tối ngày 30/6/2017. Trong suốt thời gian lên sóng, bộ phim đã trở thành tâm điểm được quan tâm trên mạng và là chủ đề được cư dân mạng Việt Nam đưa ra để bàn luận rôm rả. Tác phẩm nào rồi cũng phải đi đến hồi kết. Song, hẳn người xem sẽ nhớ mãi 8 nhân vật nổi bật dưới đây – người không ngừng "tạo sóng" cho Sống Chung Với Mẹ Chồng.
1. Bà Phương - Mẹ chồng quốc dân
Bà Phương không chỉ là "mẹ chồng tác-ta quốc dân" mà còn là nhân vật trung tâm của Sống Chung Với Mẹ Chồng. Ngay từ khi xuất hiện từ những tập đầu tiên, bà Phương đã khiến người xem ghét cay ghét đắng. Phải nói rằng, nhân vật này là tổ hợp tính cách của các bà mẹ chồng quái tính: yêu thương con trai quá mức, đòi hỏi và yêu cầu con dâu phải hoàn hảo, hay bắt bẻ cũng như xét nét con dâu từng ly từng tí một. Nhiều khán giả từng nói rằng, nếu thật sự có một bà mẹ chồng như bà Phương ngoài đời, hẳn cô con dâu đó quả thực "số quá đen".
Càng về cuối bộ phim, bà Phương càng làm khán giả phẫn nộ khi hả hê đuổi Vân ra khỏi nhà và mở cửa đón "tiểu tam" Diệp về. Tuy nhiên, hành động đó của bà được coi như quả báo bởi sau này, cô con dâu "tập 2" Diệp không chỉ lấy tiền của bà Phương mà còn đối xử chẳng ra gì với nhà chồng. Những giọt nước mắt hối hận của bà khiến người xem vừa thương vừa giận. Song, cũng phải cảm ơn bà Phương vì đã đáng ghét đến vậy để Sống Chung Với Mẹ Chồng có cơ hội đi hết từ cao trào này đến cao trào khác.
2. Thanh - Người chồng nhu nhược
Nhân vật nam chính của Sống Chung Với Mẹ Chồng – Thanh – lúc đầu hiện lên là một người chồng yêu vợ. Thậm chí, Thanh còn đấu tranh để có thể kết hôn với Vân. Tuy nhiên càng về sau, Thanh trở thành biểu tượng của những anh chồng nhu nhược, chẳng thể làm điểm dung hòa trong quan hệ căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thậm chí, anh ta còn được xếp vào đội ngũ vũ phu khi tát vợ ba lần, khiến Vân tổn thương sâu sắc. Không những thế, Thanh còn ngoại tình với Diệp, tự tay đẩy cuộc hôn nhân với Vân đến bờ vực thẳm.
Đến cuối cùng, khán giả có dịp được nhìn thấy Thanh chìm trong hối hận, ngày ngày than thở chán cảnh bà Phương và vợ "hai" Diệp cãi nhau trong bữa ăn. Anh chàng cũng chẳng có trách nhiệm với con, sống vẫn ỷ y vào mẹ. Vào phút Vân từ chối quay lại với Thanh, ai nấy đều vô cùng hả hê. Giống như bà Phương, Thanh hội tụ những điểm xấu nhất của một anh chồng "không kiểu mẫu mà chỉ thấy tệ nạn". Nhưng cũng vì vậy mà nhân vật Minh Vân mới có cơ hội thoát khỏi bà mẹ chồng tai quái cũng như có được bài học: Không phải mối tình nào cũng có thể trở thành cuộc hôn nhân hạnh phúc viên mãn. Đôi khi, phải tìm hiểu kỹ cả gia đình nhà chồng trước khi quyết định kết hôn!
3. Minh Vân - Nàng dâu ứng xử còn vụng
Minh Vân là nàng dâu vừa đáng thương mà cũng có phần đáng trách trong Sống Chung Với Mẹ Chồng. Qua những gì nhân vật này hành động trong những tập trước khi ly hôn Thanh, một số chị em nhận xét rằng, Vân chưa biết vun vén cho hạnh phúc gia đình, tính tình thì hở chút là dỗi và khóc lóc. Những sóng gió mà cô trải qua, lỗi không phải hoàn toàn thuộc về bà Phương mà Vân cũng có phần trách nhiệm trong đó.
Mặc dù vậy, sau tất cả, người phụ nữ yếu đuối này vẫn khơi dậy được sự thương cảm ở người xem. Cô thẳng thắn nhìn nhận ra sự thật, bản thân đã quá vội vàng khi quyết định cưới Thanh mà quên mất những khó khăn mà bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng sẽ mang lại trong tương lai. Vân cũng đã phải chịu nỗi đau đớn lúc mất đi đứa con chưa thành hình trong vụ tai nạn và buộc phải cắt bỏ một bên buồng trứng.
Đến cuối cùng, Vân vẫn là cô gái sống thiên về tình cảm. Cô chấp nhận bỏ qua quá khứ dù từng hận bà Phương vì những gì bà đối xử với cô. Cô cũng phải đối mặt với nỗi sợ hãi canh cánh trong lòng về chuyện sinh con mà không dám đón nhận tình yêu của Sơn. Nói Vân bản lĩnh thì không hoàn toàn đúng, song, nữ chính của Sống Chung Với Mẹ Chồng là người biết đối diện với thực tế để làm lại cuộc đời. Đây là điểm mà các cô gái trẻ - những người đã từng lỡ làng như Vân – đáng học tập.
4. Bà Điều - Người bà vì yêu cháu quá độ
Nếu bà Phương là mẹ chồng yêu con trai quá mức đến mất lý trí thì bà Điều – mẹ chồng của Trang, bạn thân Vân – lại là hiện thân của những bà mẹ chồng có tư tưởng cổ hủ hiện nay ở Việt Nam. Bà Điều sống tại vùng thôn quê, nơi người ta vẫn quá nặng việc con trai mới là người nối dõi, chịu trách nhiệm hương khói cho tổ tiên. Chính vì thế, khi Trang sinh bé Đậu Phộng chưa được bao lâu, bà Điều đã lại thúc giục con dâu và con trai mau mau sinh "tập hai" và nhất định lần này phải là con trai.
Thấy các con chưa có động tĩnh gì, bà Điều ngày ngày hối thúc. Dù rằng, bà vẫn yêu thương bé Đậu Phộng, chăm sóc cho bé từng ly từng tý, nhưng tư tưởng "phải có cháu trai" vẫn quá mạnh mẽ. Đã vậy, bà Điều còn quá cả tin, sống quá đơn thuần – đậm chất của người phụ nữ thôn quê. Thế nên sau này mới xảy ra chuyện bé Đậu Phộng bị bắt cóc.
Nhưng suy cho cùng, chẳng người bà nào không thương con thương cháu. Sự kiện Đậu Phộng bị bắt cóc như một cú đánh thẳng vào quan niệm cổ hủ trong lòng bà, để bà Điều nhận ra rằng, cháu nào cũng là cháu.
5. Trang – Tùng
Trang không chỉ là cô gái tính tình thẳng thắn mà còn là "bạn thân quốc dân" của nữ chính Minh Vân. Ở vị trí bạn bè, Trang thường đưa ra cho Vân những lời khuyên hữu ích cũng như ở bên cạnh Vân để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống với cô. Ở vị trí cô con dâu, Trang chưa hẳn là hoàn hảo bởi cô cũng phụ thuộc quá nhiều vào mẹ chồng trong công việc nhà và chăm con. Bởi suy nghĩ cổ hủ của bà Điều, Trang cũng phải chịu không ít áp lực vì mãi không chịu mang thai lần nữa.
Cũng giống như Thanh, Tùng cũng bị đẩy vào thế bí khi mẹ chồng và nàng dâu không bằng mặt nhau. Tuy nhiên, đến cuối cùng, anh vẫn là người dung hòa cũng như lựa chọn bảo vệ vợ con chứ không giở thói vũ phu với vợ như Thanh. Anh chồng "soái ca" không chỉ ở bên vợ khi Trang bị sốc tâm lý bởi Đậu Phộng bị bắt cóc mà còn đưa ra lời hứa sẽ bảo vệ cô cùng con gái cả cuộc đời. Sau này Trang muốn ở nhà chăm con? Không sao, vậy thì kinh tế trong nhà để anh lo!
Trang và Tùng mang đến cho khán giả một cuộc hôn nhân có tranh cãi, có nước mắt và hẳn nhiên, nó không hoàn toàn hoàn hảo. Có thể nói, đôi vợ chồng này là sự kết hợp và hòa trộn vừa đủ giữa những tình tiết gay cấn thường chỉ có trên phim cùng những sự kiện thực tế. Thậm chí, Trang còn may mắn hơn cả nhân vật trong nguyên tác của Sống Chung Với Mẹ Chồng khi có thể giải quyết khúc mắc với mẹ chồng cũng như tìm lại được con gái.
6. Ông Bằng - Bà Bằng: Bố mẹ của Vân
Không mang đến toàn phẫn nộ như bà Phương, song, bố mẹ của Vân cũng khiến khán giả nhiều lúc điên tiết. Đó là vì, con gái đi lấy chồng xa và đôi khi bày tỏ những nỗi khổ khi làm dâu nhưng hai ông bà lúc nào cũng khuyên Vân phải biết nhẫn nhịn. Cho đến tận khi chứng kiến cảnh con rể "quý hóa" đèo cô bồ về nhà, bố Vân mới tỉnh ngộ và nhận ra vết thương lòng của con gái. Như ông Bằng nói, việc Vân ly hôn với Thanh là lỗi của cả hai gia đình. Một bên ở xa nhưng chưa đủ quan tâm, một bên thì gây áp lực cho Vân vô cớ, ép cô đến đường cùng. Ngày ấy nếu cả hai bên cùng ngồi xuống giải quyết vấn đề với nhau, có lẽ, họ đã không tự đẩy mình và tình thế khó xử sau này.
Mặc dù vậy, có cha mẹ nào không thương con. Sau khi Vân ly hôn, ông Bằng ngày càng quan tâm đến con gái hơn. Ngay cả Sơn cũng phải qua vòng kiểm duyệt của ông Bằng mới được nghĩ đến chuyện tiếp tục theo đuổi cô. Không những vậy, cha mẹ Vân vẫn là những quân sư cuộc đời của cô. Ông Bằng khuyên Vân đừng mãi sống trong cảnh "Chim sẻ sợ cành cong". Rồi đến lúc, cô phải tự tin hơn vào bản thân để sống hạnh phúc.
7. Diệp – Con dâu "tập 2" đanh đá của bà Phương
Tưởng chừng là nhân vật đáng ghét nhất trong Sống Chung Với Mẹ Chồng khi Diệp là "tiểu tam" chen ngang vào cuộc hôn nhân của Thanh và Vân. Vậy nhưng, sự xuất hiện của cô nàng lại được khán giả coi như hành động giải cứu Vân cũng như khiến quả báo nhanh chóng đến với gia đình bà Phương. Diệp có thể có cuộc sống quá "thoáng" và vô tình, nhưng câu nào cô nói gần như đều đúng! Diệp tượng trưng cho những cô con dâu thế hệ mới – ích kỷ, độc miệng, vô tình. Nhưng có thế, những bà mẹ chồng sống quá đáng như bà Phương mới "vỡ mộng" được.
Vân hay các khán giả trẻ của Sống Chung Với Mẹ Chồng đừng học theo tính "tiểu tam", lừa đảo của Diệp. Tuy nhiên, với những chuyện gia đình như "thiết quân luật lại với chồng", thẳng thắn chia sẻ về cái lợi – cái hại trong cuộc sống với mẹ chồng thì chắc chắn là nên!
8. Sơn - Soái ca xế đỏ tốt tính
Sự góp mặt của Sơn trong Sống Chung Với Mẹ Chồng chính là hạnh phúc đích thực mà nhà sản xuất dành cho nhân vật Vân. Ban đầu, Sơn xuất hiện với các tiêu chí "chuẩn chỉ" mà chị em ngày nay đều mong muốn chồng tương lai của mình có được: "giai" độc thân, sự nghiệp vững vàng, kinh tế khá giả, đẹp trai, tốt tính, sống tình cảm, mẹ lại dễ tính và tâm lý. Thế nhưng, "soái ca xế đỏ" hoàn hảo ấy lại bị người trong mộng từ chối vì nghĩ bản thân không xứng với anh.
Sau cùng, Sơn cũng để lộ khoản "thiếu hoàn hảo" để người xem thấy Sống Chung Với Mẹ Chồng chân thực hơn một chút. Đó là anh cũng đã từng trải qua một cuộc hôn nhân thất bại, tự khép lòng mình suốt một thời gian dài cho đến khi gặp Vân. Hai con người cùng từng trải qua một lần lỡ dở vì hôn nhân sẽ càng biết trân trọng hạnh phúc kế tiếp hơn. Thế nên đấy cũng là lý do, Sơn là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho Vân sau này.