Mua nhà riêng vốn được xem là ước mơ của nhiều người trẻ. Sở hữu một căn nhà không chỉ tượng trưng cho sự trưởng thành mà còn là bước quan trọng để ổn định tài chính, hoàn thành mục tiêu “an cư lạc nghiệp". Tuy nhiên, tại Trung Quốc ngày càng nhiều người trẻ từ bỏ giấc mơ mua nhà khiến thị trường bất động sản tại quốc gia tỷ dân trở nên khó khăn.
Nguyên nhân sâu xa là vì sự gia tăng thu nhập của người trẻ đã không bắt kịp với đà tăng giá của nhà ở. Theo tạp chí China Briefing, giá nhà tăng không ngừng suốt 20 năm qua, đỉnh điểm là gần 10.000 nhân dân tệ (~34,3 triệu đồng)/m2 (giá trung bình trên cả nước) vào năm 2020. Không chỉ gặp khó khăn tài chính, họ còn đối mặt với khoản trả trước lớn và lãi suất trả góp tăng lên qua thời gian.
Thêm nữa, sau Covid-19, người trẻ Trung Quốc phải đối diện với áp lực gấp 3 lần đó là lạm phát cao, lãi suất vay mua nhà tăng mạnh, nền kinh tế suy giảm kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng. Sau 3 năm Covid-19, thu nhập của người trẻ Trung Quốc sụt giảm hơn rất nhiều do đó để mua nhà, nhiều người cần tìm đến sự giúp đỡ tài chính của cha mẹ, nếu không giấc mơ “an cư lạc nghiệp" ngày càng xa vời.
Nhiều người trẻ Trung Quốc từ bỏ giấc mơ mua nhà (Ảnh minh hoạ)
Trong những năm gần đây, “phòng nô" (nô lệ của nhà ở) đã trở thành chủ đề thảo luận phổ biến trên mạng xã hội. Thuật ngữ này ám chỉ những người trẻ phải làm việc cả đời để trả nợ mua nhà.
Để gồng gánh khoản nợ này, họ không dám thay đổi công việc, không dám kết hôn, chi ít tiền cho giải trí, không có khả năng đi du lịch chứ chưa nói đến tận hưởng cuộc sống. Đồng thời, họ phải làm việc trong lo lắng, nỗ lực nhiều hơn nhưng sống chật vật hơn. Khi nói không với “phòng thô" biến thành xu hướng trên mạng xã hội, điều này đã dấy lên làn sóng người trẻ từ bỏ việc mua nhà, thay vào đó dành tiền lương để tận hưởng cuộc sống và các thú vui khác.
Ở diễn biến khác, dưới tình hình kinh tế khó khăn và bão sa thải lan rộng khắp Trung Quốc, giới trẻ còn rộ lên mốt “sống vật vờ". Thay vì chi tiền thuê nhà hàng tháng, họ chọn sống ở ngay trong ô tô cá nhân, như một giải pháp thay thế khi giá nhà ngày càng cao.
Wang Hong (30 tuổi) đang sống tại thành phố Thượng Hải. Sau khi hợp đồng thuê nhà kết thúc hồi tháng 9/2023, anh chàng đã biến ô tô của mình thành nhà di động. Trước đó, hàng tháng chàng trai phải trả 3.000 NDT (khoảng hơn 10 triệu đồng) cho tiền nhà thuê. Dù có công việc ổn định và mức thu nhập ổn, song Wang Hong đã “nói không" với việc thuê nhà để dành tiền cho các mục tiêu tài chính khác.
Wang Hong
Nói về chỗ ở đặc biệt của mình, Wang Hong tâm sự chúng đáp ứng 99% nhu cầu hàng ngày, bao gồm cả việc giữ ấm vào mùa đông. Anh mua pin di động để cung cấp điện cho đèn sưởi, dùng tấm cách nhiệt bằng xốp để làm giường và một bếp nấu ăn di động.
Ngoài ra, Wang Hong thường đậu xe trên những con đường vắng ở ngoại thành để tiết kiệm chi phí gửi xe và không đặt đồ ăn trực tuyến do không có địa chỉ chính xác. Trong khâu vệ sinh cá nhân, Wang Hong nói anh dựng lều bên cạnh ô tô và chạy bộ vài cây số trước khi tắm bằng máy bơm điện. Những điều này không chỉ giúp chàng trai tiết kiệm chi phí nhà ở mà còn cải thiện sức khỏe.
Wang Hong ước tính, anh có thể tiết kiệm được hơn 10.000 NDT (khoảng 34 triệu đồng) sau khi chuyển đến nơi ở mới. Anh cũng cho biết quãng đường đi làm được rút ngắn nhờ chiến lược đỗ xe gần công ty.
Một trường hợp khác, Twiggy He (28 tuổi, Thâm Quyến) cũng chuyển đến sống trong một chiếc RV được trang bị đầy đủ tiện nghi với bếp nấu, bồn tắm và đàn piano từ giữa năm 2023. Trước khi sống trong xe, tiền thuê nhà hàng tháng của cô nàng là 2.5000 NDT (khoảng 8,5 triệu đồng). Nhưng giờ đây, cô chỉ tốn 600 NDT (1,9 triệu đồng) tiền thuê xe và thêm 20 NDT (66 ngàn đồng) phí gửi xe mỗi ngày.
Twiggy He
Tương tự Wang Hong, Twiggy He chỉ mất 2 phút để di chuyển từ chỗ ở đến nơi làm việc bởi cô sống ngay trong bãi đỗ xe của công ty. "Sống trong ô tô rất tự do và giúp tôi giảm bớt áp lực về việc phải mua nhà hay tìm kiếm cuộc sống ổn định”, Twiggy He bày tỏ.
Đó là nhận định của tờ SCMP về tình hình bất động sản của Trung Quốc. Trước đó, ngành bất động sản Trung Quốc từng có thời kỳ tăng trưởng tốt nhờ động lực độc đáo của thị trường hôn nhân. Theo đó, một người đàn ông muốn kết hôn phải sở hữu được một căn nhà riêng và tốt nhất là không mắc nợ. Để con trai có mối hôn sự tốt, nhiều ông bố bà mẹ cũng tham gia đường đua này, sẵn sàng chi hết tiền tích luỹ và dưỡng già của họ vào căn nhà tương lai của con.
Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ kết hôn giảm cũng khiến ngành bất động sản đi xuống.Vào năm 2022, số lượng người kết hôn giảm mạnh xuống còn 11,6 triệu, ít hơn năm trước 700.000. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức cao nhất của Trung Quốc là 23,9 triệu vào năm 2013.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, sự phát triển của ngành bất động sản đi liền với tỷ lệ kết hôn của người trẻ. Bởi lẽ khi có gia đình, họ mới có nhu cầu mãnh liệt sở hữu một căn hộ riêng để ổn định cuộc sống và tạo điều kiện phát triển cho con cái. Thế nhưng, áp lực này với người độc thân thì gần như bằng không.
Tính đến năm 2022, Trung Quốc còn khoảng 7 tỷ m2 bất động sản nhà ở đang được xây dựng và chưa bán được. Nếu những cặp kết hôn đều mua bất động sản, và tỷ lệ kết hôn không giảm thêm thì vẫn sẽ mất khoảng 10 năm để tiêu thụ hết số bất động sản tồn kho này.
Sở dĩ số người trẻ chọn độc thân tăng mạnh trong những năm qua đến từ nhiều nguyên do như chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái đắt đỏ; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng; kinh tế suy thoái; hiện tượng “trọng nam khinh nữ" ở nhiều nơi dẫn đến cơ cấu nam nữ mất cân bằng khiến đàn ông phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn trong hôn nhân… Nói cách khác, chỉ khi những vấn đề này được giải quyết thì sẽ tạo động lực để thị trường bất động sản Trung Quốc ổn định và tăng trưởng trở lại.