Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên

Anh Quang, Theo VTV 13:59 18/10/2021
Chia sẻ

Instagram - “đế chế” với hơn 1 tỷ người dùng đang kiếm hàng tỷ USD từ nỗi sợ của các thiếu nữ và hơn thế nữa.

Mọi chuyện bắt đầu từ giữa tháng 9 năm nay, khi tờ Thời báo Phố Wall (Mỹ) đăng tải một loạt bài điều tra dựa trên những bằng chứng cung cấp bởi bà Frances Haugen, cựu nhân viên cấp cao tại Facebook - công ty mẹ của mạng xã hội Instagram.

Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên - Ảnh 1.

Bà Frances Haugen trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Scott Pelley (Đài CBS) về các nghiên cứu nội bộ của Facebook (Ảnh: CBS)

Bà Haugen đang nắm giữ hơn 10.000 tài liệu cho thấy cách thức Instagram và Facebook gây ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ.

Nghiên cứu nội bộ này cho biết: 13,5% thiếu nữ sử dụng Instagram nói rằng nền tảng này khiến suy nghĩ về 'tự tử và tự gây thương tích' trầm trọng hơn và 17% nói rằng nền tảng này làm trầm trọng hơn các vấn đề ăn uống, chẳng hạn như chứng biếng ăn. Còn trong số những thiếu niên có ý định tự tử, 13% người dùng ở Anh và 6% người dùng ở Mỹ nảy sinh các suy nghĩ này sau khi xem các nội dung trên Instagram.

Việc nhìn thấy hình ảnh hoàn hảo (dù biết chúng đã qua chỉnh sửa) của những người dùng Instagram khác đang khiến một tỷ lệ lớn thiếu niên cảm thấy lo âu và trầm cảm vì tự ti với bản thân mình.

Một trong số các tài liệu của Facebook bị rò rỉ có đoạn: "Chúng ta (Instagram) đang khiến một phần ba số trẻ em gái trong độ tuổi thiếu niên nhận thức tồi tệ hơn về hình ảnh bản thân".

Cách “bỏ đói” các thiếu nữ

Mắc chứng biếng ăn và chỉ nặng 38,5kg, Ashlee Thomas sống ở bang New South Wales, Australia. Cô bé đã phải nhập viện vào năm 14 tuổi. Tim của cô bé ngừng đập hai lần và các bác sĩ cho rằng Ashlee không thể qua khỏi.

Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên - Ảnh 2.

Ashlee Thomas (Australia): Instagram rất nguy hiểm. Đó chính là nơi hành trình cận kề cái chết của các thiếu nữ bắt đầu (Ảnh: CNN)

Mọi chuyện bắt đầu khi Ashlee dùng ứng dụng Instagram và theo dõi những người có ảnh hưởng về vấn đề ăn sạch (clean eating). Là một vận động viên, Ashlee muốn có một thân hình cân đối nhất và những thân hình mà cô bé coi là lý tưởng đã xuất hiện trên dòng thời gian của Instagram mỗi ngày.

"Tôi chỉ muốn được nhiều người thích và yêu mến như họ. Tôi muốn có cảm giác đó" - Ashlee, năm nay 20 tuổi, cho biết.

Tuy nhiên, chuyện tiêu cực đã xảy ra. Một người theo dõi đã bình luận bên dưới một bức ảnh Ashlee tự chụp rằng bụng cô bé quá nhiều mỡ. Từ đó, cô bé bắt đầu bỏ ăn.

Trong video được gia đình ghi lại, Ashlee la hét và khóc khi bị bố mẹ ép ăn.

Cô bé nói trong nước mắt: "Con không thể".

Bố mẹ cô bé thuyết phục: "Há miệng ra và chỉ cần đưa vào rồi nuốt".

Ashlee thừa nhận đã rất "nghiện" Instagram.

Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên - Ảnh 3.

17% các thiếu nữ trong nghiên cứu nội bộ của Facebook cho biết Instagram khiến chứng biếng ăn, rối loạn ăn uống gia tăng (Ảnh: BBC)

Còn chia sẻ với tờ Người bảo vệ, chị Michelle, một bà mẹ sống ở bang Arizona (Mỹ), cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát chị thấy 2 cô con gái của mình dành nhiều thời gian lướt mạng xã hội hơn trước, đặc biệt là Instagram.

Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên - Ảnh 4.

Nhiều thiếu nữ ở Mỹ mắc chứng biếng ăn khi theo dõi các bài đăng khuyến khích giảm cân, khoe vóc dáng "không tì vết" trên Instagram (Ảnh: NewYork-Presbyterian)

Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả hai đều muốn ăn kiêng, lao vào tập thể dục và dần sinh chứng rối loạn ăn uống trầm trọng. Thậm chí, con gái lớn của chị Michelle còn suýt phải vào viện vì biếng ăn kéo dài.

Chị Michelle chia sẻ: "Tôi hiểu Instagram không trực tiếp gây ra chứng rối loạn ăn uống. Nhưng nền tảng này lại cổ xúy, kích thích cảm giác tự ti, khiến bọn trẻ mắc kẹt trong nền văn hóa độc hại này".

Nghiên cứu do Bệnh viện Nhi CS Mott ở Michigan (Mỹ) tiến hành cho thấy số thiếu niên nhập viện do mắc chứng rối loạn ăn uống trong 12 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19 cao hơn mức trung bình 3 năm trước đó.

"Đầu độc" sức khoẻ tâm thần

Ông John Duffy, tác giả cuốn sách "Parenting the New Teen in the Age of Anxiety" (tạm dịch: Nuôi dạy thiếu niên ngày nay trong thời đại của lo âu), chia sẻ với hãng truyền thông CNN câu chuyện về một thiếu nữ 17 tuổi mà ông đang điều trị về chứng bệnh "nghiện" Instagram.

Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên - Ảnh 5.

Nhiều thiếu nữ phải “cai nghiện” Instagram (Ảnh: Scarymommy)

Ông John Duffy kể: "Cô bé mất rất nhiều thời gian để chỉnh ảnh của mình bằng nhiều bộ lọc mới thoải mái để đăng nó lên Instagram. Cô gái trẻ thừa nhận tấm ảnh đó chẳng giống mình ngoài đời, nhưng lượt thích đổ về quá lớn khiến cô bé tiếp tục muốn có một tấm khác đẹp hơn. Cô bé gọi đó là chứng 'nghiện lòng tự trọng'".

Nhiều khách hàng thiếu niên nói với ông John Duffy rằng Instagram là một nơi tối tăm và đầy rắc rối với tâm trí người trẻ tuổi. Họ thấy bản thân không đủ đẹp, không xứng để đăng hình. Vì vậy, họ sẽ dùng filter và chỉnh sửa vóc dáng, cố biến mình trở thành giống với những người nổi tiếng mà họ theo dõi, ngưỡng mộ.

Trang The Conversation dẫn 1 thống kê giai đoạn 2010 - 2019 cho thấy tỷ lệ trầm cảm và cô đơn đã tăng gấp đôi ở Mỹ cũng như trên toàn cầu. Trong cùng thời gian, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cũng tăng vọt và tỷ lệ nhập viện cấp cứu vì tự làm hại bản thân cũng tăng gấp 3 lần trong số trẻ em gái từ 10 - 14 tuổi ở Mỹ.

Một nghiên cứu khác ở Anh vào năm 2018 cũng cho thấy những thực trạng tương tự. Cứ 4 nữ sinh trên 15 tuổi thì có 1 em dành hơn 5 tiếng mỗi ngày sử dụng mạng xã hội. Thời gian sử dụng quá nhiều khiến tỷ lệ trầm cảm lâm sàng trong nhóm này tăng tới 38%, so với con số 15% ở nhóm chỉ sử dụng mạng xã hội dưới 1 tiếng mỗi ngày.

Chủ nghĩa cực đoan trên Instagram

Hãy hỏi bất kỳ thiếu niên nào, và nếu các em thành thật, các em sẽ chia sẻ với bạn rằng các em có nhiều tài khoản Instagram. Tài khoản "Finsta" - từ rút gọn của "fake" và "Instagram", là tài khoản Instagram phụ hoặc tài khoản riêng tư thứ 2, nơi họ loại bỏ sự theo dõi của người thân. Chỉ một nhóm nhỏ đối tượng được lựa chọn có thể theo dõi loại tài khoản Finsta này.

Một số khách hàng của ông John Duffy thường thể hiện suy nghĩ cực đoan trên các tài khoản ẩn danh này hơn, từ tư tưởng chính trị bị cực đoan hoá đến âm mưu tấn công các tài khoản nhất định.

Ông John Duffy cho biết hiện đang có tranh luận về mạng xã hội mới tên là Instagram Kids, dành riêng cho trẻ 10 - 12 tuổi. Tuy nhiên mạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi trẻ em ở độ tuổi này còn quá nhỏ chưa có sự chuẩn bị cho tình trạng bùng nổ tâm lý khi bước vào không gian mạng xã hội.

Tạm dừng triển khai Instagram Kids

Ngày 27/9 vừa qua, Facebook thông báo sẽ tạm dừng việc triển khai ứng dụng mạng xã hội Instagram phiên bản cho trẻ em dưới 13 tuổi (Instagram Kids).

Hé lộ chiêu trò Instagram “đầu độc” thiếu niên - Ảnh 6.

Phiên bản Instagram dành cho trẻ em bị tạm dừng do tác động tiêu cực đối với tinh thần của trẻ (Ảnh: CNN)

Đây là một ứng dụng không quảng cáo và phụ huynh được trao quyền kiểm soát nội dung nhiều hơn, tương tự như các ứng dụng mạng xã hội dành cho trẻ em khác là YouTube Kids, Spotify Kids hoặc Messenger Kids (của Facebook), theo ông Mosseri - người đứng đầu Instagram.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại chuyện một lỗi thiết kế trong ứng dụng Messenger Kids năm 2019 khiến hàng ngàn trẻ em có thể nói chuyện với những người dùng chưa xác thực trên nền tảng này.

Tháng 4 năm nay, tổ chức phi lợi nhuận vì quyền trẻ em là Campaign for a Commercial-Free Childhood (Tạm dịch: Chiến dịch vì tuổi thơ không thương mại) gửi thư kêu gọi ông Mark Zuckerberg - đồng sáng lập, chủ tịch, giám đốc điều hành Facebook - chấm dứt kế hoạch phát triển ứng dụng Instagram Kids. Tổ chức này cho rằng, trẻ em trong độ tuổi 10 - 12 sẽ không bao giờ chuyển sang dùng ứng dụng dành cho "em bé" như mục tiêu của Facebook, và rằng việc cho ra đời ứng dụng Instagram Kids chỉ khiến nhiều trẻ em lứa tuổi bé hơn nữa tham gia vào Instagram mà thôi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày