Gần đây, một số trang trong cuốn "cẩm nang" này đã lần đầu được hé lộ trong hội nhóm làm đẹp hơn 800.000 thành viên trên Facebook. Theo đó, quy trình bán mỹ phẩm trộn dành cho người mới vào nghề được xây dựng rất bài bản và chuyên nghiệp không kém nội dung trong các cuốn sách về marketing.
Theo cuốn "cẩm nang" này, phạm vi hoạt động của "hội kem trộn" bao gồm Zalo, Facebook. Ngoài ra còn có kênh "Offline mọi lúc mọi nơi" hay cụ thể hơn là "Gặp ai cũng giới thiệu sản phẩm" – theo lý giải của 1 cư dân mạng
Quy trình được chia làm 5 bước: Chiến lược thả thính (7 ngày), Xây dựng chiến lược tường bán lẻ, Xây dựng thương hiệu cá nhân, Quy trình chăm sóc khách hàng, Xây dựng group thân thiết.
Trong quy trình đầu tiên "Thả thính 7 ngày", người bán sẽ vào vai khách sử dụng thực tế, dựa vào review chân thực để tạo niềm tin cho người xem.
Trong 5 ngày đầu tiên, các bài đăng không gắn nội dung quảng cáo để người xem không đề cao cảnh giác. Giờ đăng bài cũng được tính toán rất kỹ, bởi từ 9-10 giờ tối là khung giờ mà nhiều chị em rảnh rang để lướt Facebook, shopping online.
Nhiều cư dân mạng cũng gật gù công nhận đã từng đọc được những bài đăng "chuẩn quy trình" như thế này trên Facebook
Quy trình thứ 2 - 3 là "Xây dựng tường bán lẻ" và "Quy trình chăm sóc khách hàng". Theo đó, trang cá nhân của người bán sẽ liên tục xuất hiện các bài đăng khoe thành quả bán hàng, ra đơn, nhiều bài đăng còn có mặt khách hàng để tăng độ uy tín.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhân vật khách hàng trong bài đăng có thật hay không lại rất khó kiểm chứng. 1 cư dân mạng chia sẻ, chị từng được nhờ "cầm hộ sản phẩm" để chụp ảnh rồi bỗng nhiên trở thành "khách mua sỉ" của 1 đại lý mỹ phẩm trộn mà chị không hề hay biết
Quy trình thứ 4 trong cuốn "cẩm nang" là "Xây dựng thương hiệu cá nhân". Tuy nhiên, trong quy trình này đã bắt đầu xuất hiện những nội dung và thuật ngữ hết sức khó hiểu như "Online: Nóng, ấm và lạnh", "Khách hàng có 30% là nổi và 70% là chìm", "Inbox bán hàng như không bán". Nếu muốn thấu hiểu hết những tầng ý nghĩa trong quy trình này, có lẽ người mới vào nghề phải kết hợp thêm việc "tầm sư học đạo" và áp dụng thực hành.
Bên cạnh nội dung khó hiểu, cả 3 quy trình còn xuất hiện những lỗi chính tả rất cơ bản trong tiếng Anh lẫn… tiếng Việt như Grup, kheo đơn, Ofline, Coment… quy trình thứ 4 và thứ 5 cũng không thoát khỏi tình cảnh tương tự.
Quy trình thứ 5 – "Group khách hàng thân thiết" có lẽ là chiêu trò quen thuộc nhất của hội bán kem trộn. Dạo 1 vòng Facebook, không khó để bắt gặp hàng loạt các bài đăng, livestream "giờ vàng, giá sốc", khuyến mãi đầu tháng…
Một số bài đăng bán kem dưỡng trắng với mức giá "sale" hấp dẫn
Sau khi "chốt đơn", khách hàng sẽ được người bán tận tình hướng dẫn các bước sử dụng mỹ phẩm trộn theo đúng quy trình trong "cẩm nang". Thế nhưng, nhiều cư dân mạng lại phát hiện ra các bước sử dụng lại "có gì đó sai sai".
Quy trình chốt đơn và hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm dính đầy lỗi chính tả và lỗi "skincare"
"Tẩy da chết nếu tới ngày" hay sử dụng "kem chống nắng sinh học" đều là những kiến thức lạ lẫm khi so với quy trình skincare chuẩn. Đặc biệt, việc tẩy da chết trước khi rửa mặt hoàn toàn đi ngược quy trình làm sạch da thông thường. Nếu người mua làm theo hướng dẫn này, việc làn da xuống cấp, thậm chí bị hư tổn là điều có thể lường trước.
Kết luận
Sau khi đọc hết 5 trang "cẩm nang" kể trên, có lẽ chị em đều đã lường được những rủi ro mà mình có thể gặp phải khi mua mỹ phẩm trộn trôi nổi trên thị trường. Để bảo vệ bản thân trước những mối nguy "hàng tồn", "skincare sai quy trình", chị em nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu trước khi tìm mua sản phẩm dưỡng da.
Bên cạnh đó, chị em có thể tìm mua sản phẩm của các thương hiệu đã được kiểm định về chất lượng, có cửa hàng chính hãng ở Việt Nam và giá cả ở phân khúc bình dân như Innisfree, Skinfood, Hada Labo hay The Face Shop.
Ảnh: Chụp màn hình