Với người trẻ hiện đại, những chuyến du lịch của họ từ lâu đã gắn với những chuyến bay. Chịu khó canh me giảm giá, click chuột vài cái là có ngay một chiếc vé với giá cực mềm và quan trọng nhất là, chỉ chợp mắt vài ba tiếng là có thể thức dậy ở một nơi xa. Sân bay Changi hoành tráng và hiện đại, sân bay Don Muang đông đúc và ồn ã, rồi sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài... Người trẻ cứ gấp gáp và hối hả đến rồi đi. Thảng hoặc giữa những chuyến bay bất đắc dĩ bị delay, khi thời gian bỗng cứ tích tắc, tích tắc lê thê, đã bao giờ bạn bỗng nhiên hụt hẫng và thấy thật trống trải với sự chậm rãi bất ngờ?
Đã bao giờ bạn nghĩ tới việc đi du lịch bằng tàu hoả?
Tôi cũng khởi hành chuyến đi bằng tàu hoả từ Sài Gòn rồi đến Nha Trang, ghé qua Quy Nhơn, dừng ở Đà Nẵng và kết thúc ở Quảng Bình bằng sự mệt mỏi không mấy hứng thú. Chờ tàu, chờ xuống ga, chờ thời gian tàu chạy... Tôi không có việc gì gấp nhưng việc không nhanh làm tôi thấy sốt ruột và bồn chồn như thể đã và sắp bỏ lỡ điều gì.
Nhưng tôi không từ chối đi chuyến đi này, bởi vì đã lỡ đọc cuốn sách "Phương đông lướt ngoài cửa sổ" của Paul Theroux. Năm 1973, khi nhà văn Paul Theroux bắt đầu thực hiện chuyến hành trình bằng xe lửa qua Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Coley (Sri Lanka cũ), Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia. Cuốn sách của ông là một hành trình đầy màu sắc rực rỡ và đầy chân thực về những con người và vùng đất mà ông đã đi qua.
Có gì trên những ô cửa tàu?
Lướt đi trong sự chậm rãi
Paul Theroux cũng ghé đến Việt Nam. Ông lên con tàu băng qua đèo Hải Vân, ngỡ ngàng nhận ra trong suốt cuộc hành trình, đây là vùng đất của những cảnh tượng thiên nhiên thơ mộng nhất. “Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ Luân Đôn, đây là nơi thơ mộng nhất… Chúng tôi đang đi trên viền một vùng vịnh màu xanh lá cây lung linh tươi sáng trong ánh nắng. Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những vách đá nhô ra, và cảnh tượng một thung lũng rộng lớn tới mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh mặt trời, khói, mưa và mây - những khối màu độc lập. Tôi đã từng băng qua đèo Hải Vân bằng xe máy, nhưng những miêu tả của ông vẫn khiến tôi thấy xa lạ. Thiên nhiên Việt Nam nhìn từ tàu hoả, lẽ nào lại khác biệt và kì vĩ đến vậy?
Chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn đi Nha Trang trong một chuyến tàu đêm. Khoang hạng nhất, giường mềm, mọi thứ khá tiện nghi dù tôi vẫn cằn nhằn đôi chút về việc sau phải ngủ cả đêm trên tàu chỉ để chờ đến Nha Trang thế này. Rồi tôi nhanh chóng thiếp đi, bình yên trong tiếng tàu chạy rì rầm, rì rầm. Như tiếng sóng biển, tiếng tàu chạy không ồn ã, không ầm ĩ, không chậm cũng không nhanh, cứ đều đều để người ta ngẩn ngơ ra nghe một chút là nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Sau này, kết thúc chuyến đi rồi tôi mới biết mình "nghiện" nghe tiếng tàu chạy. Không rộn ràng, cũng chẳng háo hức, chỉ thấy dìu dịu và bình yên.
Trên tàu
“Chuyến tàu SE4 đi từ Sài Gòn sẽ về đến ga Nha Trang trên đường ray số 2 trong ít phút nữa. Đề nghị quý khách đứng cách xa đường ray tối thiểu 2m...". Tới mỗi ga khác nhau, những giọng đọc ấm áp và thân thuộc của địa phương ấy lại vang lên. Tối qua còn nghe giọng của người xứ Nẫu, sáng ngủ dậy đã lại nghe tiếng miền Trung văng vẳng bên tai. Mỗi ngày thức dậy đều cảm giác vừa xa lạ nhưng cũng gần gũi. Với những người xa quê, cái giọng "rặt" tiếng địa phương này chỉ nghe thôi là đã muốn reo lên rằng mình sắp về đến nhà rồi!
Trên tàu không wifi. Thôi thì đã lỡ đi, không bật 3G nữa mà cho mình một cơ hội rời xa cái điện thoại một chút. Ngắm cảnh. Đọc sách. Nghe nhạc. Tự nhiên cảm giác "sốt ruột" ban đầu của tôi nguôi đi dần. Mình vẫn đang đi, chỉ là chậm hơn một chút. Và vì thế, cũng có cơ hội ngắm nhìn nhiều hơn, tĩnh lặng lại để suy ngẫm nhiều hơn.
Tôi mang theo cuốn sách của Ichikawa Takuji về 1 chuyện tình dịu dàng và giản đơn. 1 cuốn sách chưa bao giờ tôi thấy mình đủ thời gian để đọc thật chậm rãi và từ tốn. Chỉ có ở trên tàu, khi thế giới xung quanh thu hẹp lại chỉ vừa bằng một ô cửa với cảnh vật đang nhẹ nhàng lướt qua mới thấy mình đủ tĩnh lặng và kiên nhẫn để đọc. Điện thoại anh bạn mở toàn nhạc của Lê Cát Trọng Lý.
"Có chuyến đi dài hơn đất trời, và không thể đến nơi [...] Có bước chân dài hơn những con đường, về nơi tâm vắng lặng" - Lời bài hát mênh mang và da diết. Không hẹn mà tôi và anh đều nhìn xuống hai đôi giày Converse đã mòn gót nằm trên sàn tàu. Đi nhiều rồi, cuồng nhiệt và hối hả lắm rồi nhưng đã bao giờ đã chậm lại một chút để tự hỏi rằng mình rồi sẽ đi được bao xa và sẽ đến được những đâu trong hành trình cuộc đời chưa? Không ai có câu trả lời, chúng tôi lại để những bài hát của Lý vỗ về nỗi hoang mang trong lòng.
Đi qua 1 vịnh biển bình yên
Phần lớn thời gian trên tàu, tôi vẫn dành để ngồi bên cửa sổ và ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài. Một cái thị trấn ở miền Trung tĩnh lặng và có vẻ buồn bã, không đèn không sắc lung linh hay rực rỡ. Những đứa trẻ ở đó, liệu chúng có như "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam mà ngóng trông những đốm sáng rực rỡ vụt đến rồi vụt đi không nhỉ? Tàu đi ngang qua những cánh đồng trải dài ngút mắt, rồi núi, rồi rừng. Rồi cũng đến đèo Hải Vân - nơi mà tôi mong đợi nhất hành trình này.
Thiên nhiên tuyệt mỹ cứ dần mở rộng, mở rộng ra hơn với núi và biển. Vịnh biển bình yên với màu nước xanh trong vắt, hoà cùng mới màu trời xanh thẳm, cao rộng đến choáng ngợp. Trên sườn đèo, một loại hoa dại trắng muốt như những bông tuyết nở giữa nền trời, nền biển xanh thẳm. Sự hoà quyện tuyệt vời của hoa, của biển, của núi, của trời tạo nên một khung cảnh đẹp như được cắt ra từ một bộ phim điện ảnh. Chúng tôi lặng đi, chỉ còn biết tận hưởng từng khoảnh khắc quý giá khi mùa hè lướt qua thật đẹp đẽ và kì vĩ bên ô cửa tàu.
Hoàng hôn buông
Đèo Hải Vân, vịnh Lăng Cô, Huế rồi phá Tam Giang, tỉnh Quảng Trị dần lướt qua. Hoàng hôn buông khi chúng tôi đến ga Đồng Hới, kết thúc hành trình tại tỉnh Quảng Bình. Sau đó, bay về Sài Gòn chỉ chưa đầy 2 tiếng sau một hành trình dài mấy ngày trên tàu. Về lại với sự vội vã, ồn ào và tấp nập, nơi mọi thứ lướt qua nhanh đến nỗi đôi khi người ta không kịp cảm thấy bất kì điều gì. Dẫu vậy, sau chuyến đi, có lẽ ai cũng có trong mình 1 chút chậm rãi, một chút yên vui. Và cuối cùng thì Paul Theroux cũng thật đúng khi viết: "Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này... Đã từng có ai nhắc đến một sự thật đơn giản rằng, những điểm cao ở Việt Nam lại chính là những nơi có cảnh vật kỳ vĩ không thể tưởng tượng được?”.
Hãy đăng tải bài dự thi, tham gia các thử thách vòng 1 và chia sẻ với Here We Go những chuyến đi của bạn trong dải đất hình chữ S để lan tỏa sức hấp dẫn du lịch của Việt Nam nhé! Truy cập ngay herewego.kenh14.vn để tham gia vòng 1 (từ 08/08 đến 20/08).
Trân trọng cảm ơn Công ty Cổ phần Vinpearl đã cùng đồng hành với sự phát triển nền du lịch và nâng tầm trải nghiệm của du khách tại Việt Nam. Công ty Cổ phần Vinpearl là thương hiệu Việt hàng đầu trong ngành khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam, cung cấp chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế với các dòng sản phẩm như Vinpearl Luxury, Vinpearl Hotels & Resort, Vinpearl Discovery; hệ thống ẩm thực và dịch vụ đẳng cấp như Vinpearl Golf, Vincharm Spa, kết hợp các công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land và vườn thú bán hoang dã Vinpearl Safari…
Chi tiết truy cập: www.vinpearl.com