Vừa ra trường, nhìn gần bạn bè đứa làm công ty đa quốc gia, đứa thủng thỉnh freelance nhưng thu nhập hàng khủng, nhìn xa nay "cô gái trẻ kiếm lương trăm triệu/tháng" mai "chàng trai mới tốt nghiệp đã báo hiếu bố mẹ căn nhà"... Hàng tá mệnh đề tới tấp khiến không ít bạn trẻ bị rơi vào trạng thái peer pressure (áp lực đồng trang lứa), rồi hoài nghi vào chính bản thân.
Nguyễn Lê Vy (SN 1996), hiện đang làm việc tại Hà Lan cũng từng trải qua cảm giác lạc hướng như thế. Thậm chí, với Lê Vy, những áp lực thậm chí còn ở cấp số nhân. Trước khi công tác tại một công ty bán phần mềm cho các tập đoàn bảo hiểm ở nơi được mệnh danh là "đất nước hạnh phúc" này, Vy từng lênh đênh học tập làm việc ở 5 quốc gia khác nhau. Sở hữu vốn sống tốt nhưng có thời điểm, Vy hoàn toàn bất lực vì ứng tuyển mãi mà vẫn không tìm được "chốn dung thân" phù hợp.
Vy mong mình là một "chú rùa", như trong câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa. Bởi dù có thể "chậm" hơn bạn bè đồng trang lứa song "cứ kiên trì rèn luyện rồi cũng tới đích".
Chân dung Lê Vy
Vy từng đi Á sang Âu.
Cô gái trẻ từng có thời gian trao đổi ở Hàn Quốc, sau đó là sang Ý để du học Thạc sĩ Ngành quản trị quốc tế. Trong quá trình học tập, cô nàng nhận cơ hội sang Pháp trao đổi. Và cuối cùng là chọn "cắm dùi" ở Hà Lan để phát triển sự nghiệp. Nếu tính cả Việt Nam thì có thể nói, Vy từng sống, học tập và làm việc ở 5 quốc gia khác nhau.
Cách lựa chọn điểm đến của Vy cũng khá hay ho, đôi lúc là do lý trí, đôi lúc lại rất ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên đơn cử như với Ý. Vy chọn quốc gia này để học thạc sĩ chỉ vì một người quen của cô chia sẻ Ý có học bổng toàn phần và đi Ý thì "trải nghiệm cũng thích". Vậy là Vy apply.
Còn lý trí thì có thể kể đến Hà Lan. Hà Lan là điểm đến Vy chọn sau khi đã hoàn thành chương trình học và muốn tập trung phát triển sự nghiệp làm sales. Theo cảm nhận của Vy, Hà Lan là một trong những nước có khả năng nói tiếng Anh tốt nhất khối Schengen trong khi các nước khác ở châu Âu thường yêu cầu người làm sales nói ngôn ngữ của họ. Muốn làm sales và nghĩ cơ hội làm việc bằng tiếng Anh ở Hà Lan sẽ nhiều hơn các nước khác. Vậy là Vy "nhắm" nó.
Vy đã có cơ hội ghé qua nhiều quốc gia khác nhau
Nhưng "người tính không bằng trời tính".
Theo quy định của nước sở tại, nếu du học sinh học ở Hà Lan thì sau tốt nghiệp sẽ có cơ hội ở lại Hà Lan một năm để tìm/làm việc. Còn trong trường hợp của Vy, vì học ở Ý cộng thêm với việc trường và ngành của cô nàng không nằm trong top 200 thế giới nên điều kiện giấy tờ để được làm sales và định cư ở Hà Lan vô cùng khó khăn.
Chính từ đây, Vy phải trải qua một "kiếp nạn" khác mang tên: Xin việc ở Hà Lan.
Ở thời điểm bạn bè ai nấy đều rục rịch đi làm, thậm chí là đã bắt đầu có những thành tựu công việc nhất định, Vy bị… tụt lại. Cô không tìm được định hướng cho bản thân, cùng với đó là chuỗi ngày rải đơn xin việc như cơn ác mộng vì rải hoài rải mãi nhưng không nơi nào nhận.
Được mọi người cảnh báo là tìm việc toàn thời gian ở châu Âu có thể rất lâu nên Vy đã rục rịch tìm 8 tháng trước khi tốt nghiệp. Sau 131 đơn ứng tuyển đầu tiên, cô nàng nhận được 2 lời mời làm việc. Tuy nhiên, khi nhắc đến đoạn bảo lãnh giấy tờ, công ty mới nhận ra là họ không thể bảo lãnh Vy dễ dàng như các ứng viên khác học ở Hà Lan, kết quả là việc làm giấy tờ không thành.
"Kiên trì ứng tuyển cho đến con số 418 lần, mình mới nhận được thẻ cư trú ở Hà Lan. Nói chính xác thì trong lúc ứng tuyển, mình vẫn được bảo lãnh giấy tờ ngắn hạn để đi thực tập, trạng thái không được tính là thất nghiệp hoàn toàn nên cảm giác đỡ áp lực hơn xíu.
Mình biết có nhiều bạn cũng mất hàng năm trời mới tìm được việc ở châu Âu, nên con số lần ứng tuyển của mình không quá đặc biệt đâu, có không ít du học sinh đã trải qua con số này và thậm chí còn nhiều hơn thế nữa", cô nàng kể thêm.
Cô nàng từng ứng tuyển đến 418 lần và mãi tới lần cuối cùng mới được coi là thành công một cách trọn vẹn
Vào những lúc nản chí nhất, Vy đã tìm được người truyền động lực cho bản thân chính là… Chi Pu. Thậm chí, Vy còn làm hẳn một clip kể lại việc Chi Pu đã giúp cô nàng có được việc làm ở Hà Lan như thế nào.
"Chi Pu đã là nguồn động lực và niềm tin mạnh mẽ cho mình vượt qua những khoảng thời gian tìm việc khó khăn nhất. Hình ảnh Chi Pu cực kỳ kiên trì không ngại gian khổ tập luyện ở Đạp Gió để hoàn thành thật tốt những màn trình diễn nhắc nhở mình cần kiên trì và bền bỉ hơn. Những thành công mà Chi Pu đạt được sau những nỗ lực đó cũng là minh chứng cho mình tin rằng chỉ cần kiên trì thì mình sẽ có kết quả xứng đáng.
Và nếu Chi Pu có thể tập luyện để cải thiện rất nhiều về giọng hát, thứ mà thuộc nhiều về năng khiếu thì không có lý gì mình lại không thể cải thiện kỹ năng sales, thứ thuộc nhiều hơn về kỹ năng để tìm được việc cả", Vy hồi tưởng.
Hành trình của Chi Pu tại Đạp Gió đã truyền cảm hứng cho cô nàng này
Ngoài ra, mỗi khi mất động lực, Vy còn tìm đến việc đọc sách, thiền định, tập thể dục, nghe podcast, học video về sales để rèn luyện tư duy tích cực... Gia đình và bạn bè cũng động viên Vy rất nhiều.
Từ hành trình của chính mình, Vy khuyên mọi người không nên so sánh mình với người khác trong trường hợp bạn bè đã có công việc ổn định mà bản thân vẫn đang lạc lõng. Bởi lẽ mỗi người sẽ lựa chọn đi một con đường khác nhau.
"Giữa 'thỏ' và 'rùa', mình muốn chọn cả hai. Có tốc độ của thỏ và sự kiên trì của rùa. Nhưng nếu buộc phải chọn thì mình sẽ làm rùa. Mình tin là ban đầu có dở đến mấy mà cứ kiên trì rèn luyện rồi cũng tới đích. Còn chỉ giỏi trong thời gian ngắn thì cũng không đi được đến đâu", Vy nói.
Vy khuyên mọi người không nên so sánh mình với người khác
Trải qua hành trình xin việc không dễ dàng, Vy hiện tại đang tạm dừng chân ở một công ty bán phần mềm cho các tập đoàn bảo hiểm tại Hà Lan. Công việc đúng đam mê mang đến cho Vy nhiều cảm xúc khác nhau và cũng giúp cô nàng phần nào nhẹ đầu để tiếp tục tận hưởng những trải nghiệm "đa quốc gia" của mình.
Theo Vy, mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng, nên đối với những người từng trải nghiệm sinh sống ở nhiều quốc gia, việc bị "sốc" văn hóa mỗi khi chuyển đến một nơi mới là điều khó lòng tránh khỏi. May mắn, Vy chủ yếu xê dịch giữa những quốc gia ở châu Âu nên cô học được cách thích nghi với các nền văn hóa mới nhanh hơn.
"Mình thấy rất thú vị mỗi khi chuyển nước khi lại được trải nghiệm những điều bất ngờ, nên là mình chủ động đi tìm các cú sốc. Ví dụ khi sang Hà Lan đón năm mới mình thấy sốc vì họ bắn pháo hoa cực kỳ nhiều, đến nỗi mà nhiều người Hà Lan không thích nghe tiếng nổ phải đi du lịch các nước lân cận để né pháo hoa", Vy kể.
"Review" một chút về đồng nghiệp Hà Lan, cô nàng chia sẻ mọi đồng nghiệp tại Hà Lan của Vy đến nay đều rất tốt, họ luôn thân thiện và cởi mở với người nước ngoài.
Còn về chế độ lương thưởng, dù không chia sẻ con số chi tiết, song Vy nhấn mạnh mức lương tối thiểu ở Hà Lan cũng đã đủ chi trả cuộc sống cơ bản ở đây rồi nên mọi người hãy yên tâm khi tìm việc ở nơi được mệnh danh là "xứ sở của hoa tulip".
Vy hiện tại đang tạm dừng chân ở một công ty bán phần mềm cho các tập đoàn bảo hiểm tại Hà Lan
Trong tương lai, Vy muốn tập trung xây dựng sự nghiệp làm sales của mình ở Hà Lan trước. Nếu có cơ hội chuyển sang một quốc gia khác sinh sống, cô nàng hy vọng không phải là một quốc gia trong châu Âu nữa mà sang Mỹ để trải nghiệm.
"Dù mình ở nước ngoài nhưng không có nghĩa là mất kết nối với quê hương. Mình vẫn đang chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức mình học được ở nước ngoài bằng tiếng Việt trên mạng xã hội. Và mình cũng đã và sẽ hợp tác với các anh chị người Việt kinh doanh bên nước ngoài nói chung và Hà Lan nói riêng để bán được nhiều sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế", Vy nói.
Ảnh: NVCC