Gần đây, những đoạn clip đóng giả Tom Cruise bằng công nghệ deepfake khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì độ chân thực đạt đến mức khó tin. Những đoạn clip này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về deepfake, công cụ có thể được dùng một cách phi pháp và gây tổn hại khôn lường. Mặc dù vậy, giới công nghệ cũng nghĩ đến tiềm năng tích cực của deepfake và cách hạn chế mặt tiêu cực.
Chris Ume, chuyên gia đồ họa làm clip đóng giả Tom Cruise, chia sẻ rằng công việc này vẫn cần kỹ năng chuyên nghiệp và tốn thời gian. Người đóng giả Tom Cruise trong clip là diễn viên Miles Fisher, vốn cũng có khả năng diễn xuất, cùng ngoại hình và giọng nói tương đối giống "nguyên mẫu". Việc của máy tính là ghép khuôn mặt của Tom Cruise vào, lấy từ trán xuống cằm.
Ume đã phải dành ra 2 tháng để luyện cho mô hình máy tính của mình bắt chước những biểu cảm khuôn mặt Tom Cruise. Tính ra chuyên gia đồ họa này mất 24 tiếng cho mỗi phút clip thành phẩm chỉ để tinh chỉnh lại chi tiết. "Đó không phải chuyện bạn có thể làm với chiếc máy tính ở nhà, không phải chỉ cần bấm nút là xong".
Theo Ume, deepfake giống như phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop 20 năm trước. Công nghệ này mang lại nhiều nguy cơ giả mạo, nhưng người ta sẽ dần quen hơn, hiểu biết hơn. Có một điều chắc chắn là quá trình phát triển không thể đảo ngược được nữa.
Những đoạn clip đóng giả Tom Cruise bằng công nghệ deepfake khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì độ chân thực đạt đến mức khó tin. Mặc dù vậy, người đóng giả Tom Cruise trong clip là diễn viên Miles Fisher (bên trái) vốn cũng có khả năng diễn xuất cùng ngoại hình, giọng nói tương đối giống “nguyên mẫu”
Trang web lập phả hệ gia đình MyHeritage cũng vừa triển khai công cụ làm "sống dậy" những người thân thích quá cố, lấy ảnh chụp ngày xưa để tạo ra video mà trong đó họ biết quay qua lại, cười, hoặc chớp mắt. Công cụ deepfake này mang tên Deep Nostalgia, hiện đã giúp xử lý hàng chục triệu bức ảnh.
"Tiềm năng tốt của công nghệ này là vô hạn", Gil Perry, CEO của công ty D-ID, đối tác tạo ra công cụ Deep Nostalgia cho trang web phả hệ, nhận định về deepfake. Thực tế deepfake cũng từng không ít lần được sử dụng để tạo hiệu ứng cảm xúc nào đó trong cộng đồng, bằng cách giúp cho một vài người đã qua đời xuất hiện trở lại.
Một tổ chức phi chính phủ đã tạo video mà Javier Arturo Valdez Cardenas, phóng viên người Mexico bị sát hại năm 2017, xuất hiện trở lại để kêu gọi xét xử vụ án của chính mình. Joaquin Oliver, cậu học sinh 17 tuổi thiệt mạng trong vụ xả súng trường học bang Florida (Mỹ), được gia đình "hồi sinh" để bày tỏ ủng hộ luật quản lý sử dụng súng.
Viên cảnh sát Australia qua đời vì tự tử năm 2012 cũng nhờ deepfake mà có cơ hội truyền thông điệp về sự cần thiết của sức khỏe tinh thần. Mặt khác, bộ phim tài liệu xã hội "Chào mừng tới Chechnya" dùng deepfake để ẩn đi danh tính, tránh cho các nhân vật lên hình gặp nguy hiểm.
Người ta còn dự báo hiệu ứng deepfake có thể được sử dụng trong các bộ phim điện ảnh khi cần làm trẻ hóa hoặc lão hóa khuôn mặt nhân vật, hoặc khi lồng tiếng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau sao cho khẩu hình nhân vật thay đổi tùy ngôn ngữ.
Ngay khi đưa vào công cụ Deep Nostalgia, MyHeritage đã cố gắng hạn chế mặt trái bằng cách đề nghị người dùng chỉ sử dụng cho những bức ảnh cũ mà họ sở hữu, không dùng cho ảnh của người đang sống mà không được sự cho phép. Hiện video tạo bởi Deep Nostalgia đều đươc đóng dấu watermark, và chưa có âm thanh để tránh bị lợi dụng vào mục đích xấu.
Lại nói về Photoshop, hãng chế tạo ra phần mềm này là Adobe vẫn thường xuyên nghiên cứu công cụ máy học để tự động phát hiện ảnh qua chỉnh sửa, nhất là chỉnh sửa khuôn mặt. "Mặc dù tự hào về Photoshop và các công cụ đa phương tiện, chúng tôi cũng nhận ra vấn đề đạo đức của công nghệ. Chuyện giả mạo đang ngày càng nghiêm trọng hơn".
Tương tự như vậy, người ta đang phát triển những công nghệ để phát hiện deepfake. Năm ngoái, Facebook còn tổ chức hẳn cuộc thi Deepfake Detection Challenge. Giải pháp đoạt giải khi được đưa ra giải quyết tình huống thực tế đạt độ chính xác 65,18%. Mike Schroepfer, Giám đốc công nghệ Facebook chia sẻ: "Thực sự cuộc thi thành công hơn tôi hy vọng".
"Facebook hiện cũng phát triển công nghệ phát hiện deepfake trên nền tảng của mình, và sẽ nâng cấp tùy vào thực tế", Mike Schroepfer tiết lộ thêm.
Trước cuộc bầu cử Tổng thống 2020, Microsoft cũng ra mắt phần mềm có khả năng giúp phát hiện các bức ảnh và video giả mạo sử dụng kỹ thuật deepfake. Phần mềm này là Video Authenticator, có khả năng phát hiện bằng chứng giả mạo mà mắt thường không thể nhìn thấy.