Hàng triệu phụ nữ đang chịu một thứ thuế ẩn từ khi sinh ra: Thiệt thòi cả về kinh tế và thời gian

Thạch Anh, Theo Phụ nữ số 15:33 28/11/2023
Chia sẻ

Không chỉ các mặt hàng vệ sinh cá nhân, mà ngay cả với những sản phẩm thông thường, phụ nữ cũng đang phải trả tiền nhiều hơn đàn ông.

"Vậy ý chị là không có gì ngoài tiền bạc hay thời gian có thể khiến mọi thứ tốt hơn?".

Một bà mẹ ba con đến từ khu dân cư trung lưu trên ở Edenvale, nằm về phía đông bắc Trung tâm thành phố Johannesburg, Nam Phi, dừng lại một lúc rồi trả lời: "Đúng".

Cuộc trao đổi này tóm gọn mọi cuộc trò chuyện mà giáo sư Lindsay B. Howe ở Đại học Zurich và các đồng nghiệp đã tổ chức với phụ nữ ở Nam Phi trong nhiều năm qua. Ở khắp các khu dân cư thuộc tầng lớp trung lưu, khu dân cư thuộc tầng lớp lao động và các khu định cư không chính thức, phụ nữ đều muốn có nhiều thời gian hơn hoặc nhiều tiền hơn để giảm bớt gánh nặng gia đình nhằm có thêm không gian cho bản thân.

Theo một nghiên cứu vào năm 2015 ở New York, các sản phẩm vệ sinh cá nhân dành cho phụ nữ có giá cao hơn 13% so với các sản phẩm tương tự dành cho nam giới, gây ra sự bức xúc và theo sau là các biện pháp khắc phục.

Hàng triệu phụ nữ đang chịu một thứ thuế ẩn từ khi sinh ra: Thiệt thòi cả về kinh tế và thời gian - Ảnh 1.

Cùng một loại và số lượng dao cạo nhưng phiên bản của phụ nữ có giá cao hơn (6,39 USD) so với 5,49 USD của nam giới.

Điều trớ trêu là phụ nữ, mặc dù thường có ít nguồn tài chính hơn nam giới, lại bị tính phí nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ hàng ngày, điều này đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách của Pháp vào năm 2014 điều tra loại "thuế ẩn" nhắm vào phụ nữ này và Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2016 đã đưa ra "Đạo luật bãi bỏ thuế hồng" cấm phân biệt giá dựa trên giới tính.

Thuế hồng là gì?

Thuế hồng thường đề cập đến thuế bán hàng đối với các sản phẩm kinh nguyệt, như băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san cho phụ nữ. Những sản phẩm vệ sinh phụ nữ đó là nhu cầu thiết yếu của rất nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều nơi đánh thuế các sản phẩm nữ giới, đồng thời miễn thuế bán hàng cho các nhu yếu phẩm khác, như đồ dùng tạp hóa và thuốc men.

Ngoài ra, không cứ thuế nhà nước mà bất kỳ chi phí gia tăng đối với các sản phẩm dành cho phụ nữ và các sản phẩm khác được bán cho phụ nữ cũng được gọi là "thuế hồng".

Tại sao lại là màu hồng? Đơn giản là vì hồng là màu thường được các nhà sản xuất sử dụng để tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm được thiết kế dành cho phụ nữ.

Ví dụ về thuế hồng

Thuế hồng không chỉ áp dụng cho các sản phẩm chăm sóc phụ nữ. Trong những năm qua, các tổ chức vận động đã chỉ ra nhiều ví dụ khác nhau về thuế hồng, bao gồm cả việc phân biệt giá cả liên quan đến hàng hóa và dịch vụ. Một số ví dụ bao gồm:

Chi phí giặt khô hoặc may đo quần áo phụ nữ cao hơn;

Chi phí cao hơn và thường là kích thước nhỏ hơn của các sản phẩm như dao cạo, dầu gội và chất khử mùi dành cho phụ nữ, so với chi phí và kích thước của các sản phẩm vệ sinh cá nhân tương tự được thiết kế cho nam giới (ví dụ: khi dao cạo màu hồng có giá cao hơn dao cạo màu đen hoặc xanh lam tương tự);

Giá đồ chơi hoặc thiết bị được bán cho trẻ em gái cao hơn, như xe đạp màu hồng, xe trượt scooter và mũ bảo hiểm có giá cao hơn so với xe đạp, xe scooter và mũ bảo hiểm màu đỏ hoặc xanh giống hệt nhau.

Tuy nhiên, như một số cuộc phỏng vấn và nghiên cứu trên khắp thế giới tiết lộ, cũng có một khoản "thuế hồng" chưa được giải quyết: thời gian của phụ nữ: Theo tờ TIME, đang có một đại dịch thiếu thời gian cá nhân ảnh hưởng đến mọi phụ nữ trên toàn cầu.

Mặc dù việc thiếu thời gian có thể cũng quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ cũng như việc thiếu nguồn tài chính, nhưng thời gian thường bị bỏ qua. Để theo đuổi một tương lai bình đẳng giới hơn, chúng ta cần mở rộng khái niệm "thuế hồng" để coi thời gian là một nguồn lực quan trọng khác mà phụ nữ phải đối mặt với sự bất bình đẳng.

Phụ nữ từ khi sinh ra đã "tốn tiền" hơn đàn ông?

Trong một nghiên cứu có tiêu đề "Từ nôi đến gậy chống: Chi phí khi là người tiêu dùng nữ", Sở Vấn đề Người tiêu dùng Thành phố New York đã theo dõi sự khác biệt về giá của các sản phẩm giống hệt nhau được bán cho người tiêu dùng nam và nữ.

Sau khi phân tích giá của gần 800 sản phẩm thuộc 35 danh mục, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cái gọi là "thuế hồng" không chỉ áp dụng cho dầu gội và dao cạo râu—phụ nữ phải trả nhiều tiền hơn cho hầu hết các sản phẩm trong suốt cuộc đời của họ, từ quần áo trẻ em đến các mặt hàng chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều ví dụ về các sản phẩm tương tự nhưng có giá cao hơn đáng kể khi tiếp thị cho phụ nữ. Quần áo trẻ em dành cho bé gái có giá cao hơn quần áo dành cho bé trai (áo sơ mi dành cho bé gái có thể đắt hơn 13%) và đồ chơi bán cho bé gái có giá cao hơn 11% so với đồ chơi dành cho bé trai, ngay cả khi chúng là những đồ chơi giống hệt nhau nhưng có màu sắc khác nhau.

Hàng triệu phụ nữ đang chịu một thứ thuế ẩn từ khi sinh ra: Thiệt thòi cả về kinh tế và thời gian - Ảnh 3.

Máy tính màu hồng cũng có mức giá cao hơn.

Sự chênh lệch giá đó kéo dài đến tuổi trưởng thành, khi áo sơ mi nữ có giá cao hơn 15% so với áo sơ mi nam và các sản phẩm dầu gội dành cho nữ có giá cao hơn 48% so với các sản phẩm được bán cho nam giới. Trên thực tế, các sản phẩm chăm sóc cá nhân có giá quá cao đối với phụ nữ đến mức khách hàng nữ phải trả nhiều hơn trong 56% tổng số lần khảo sát, ngay cả khi thành phần tương đương nhau.

Ngay cả khi về già, phụ nữ vẫn phải chịu thiệt thòi. Giá đỡ và nẹp cho phụ nữ đắt hơn 15% so với nam giới, gậy chống đắt hơn 12% và bồn tiểu cá nhân đắt hơn 21% đối với phụ nữ cao tuổi. Ngay cả tã dành cho người lớn cũng đắt hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng khi tính trung bình trong suốt cuộc đời, phụ nữ đang trả nhiều hơn 7% so với nam giới cho các sản phẩm tương đương.

Tại Trung Quốc, tờ NBC dẫn câu chuyện về cô Li Yi, cô này luôn muốn mua sản phẩm có màu hồng khi có thể - cô ấy chỉ thích màu này thôi.

Nhưng gần đây cô đã lưỡng lự khi đi mua một cặp tạ ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vì những quả tạ màu hồng có giá 90 tệ (300k đồng) so với 40 tệ (136k đồng) của những quả tạ thông thường màu đen.

Li không phải là người phụ nữ duy nhất ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhận thấy hàng hóa và dịch vụ bán cho phụ nữ thường có giá cao hơn. Các nhà hoạt động nữ quyền ở nước này du nhập thuật ngữ "thuế hồng" từ Hoa Kỳ để gọi hiện tượng trên.

Hashtag #PinkTax đã thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội Trung Quốc, nơi phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm từ chối mức giá cao hơn. Vấn đề này lại xuất hiện trong bối cảnh sự kiện mua sắm trực tuyến lớn hàng năm ở Trung Quốc được gọi là Ngày Độc thân, diễn ra vào ngày 11/11.

Hàng triệu phụ nữ đang chịu một thứ thuế ẩn từ khi sinh ra: Thiệt thòi cả về kinh tế và thời gian - Ảnh 4.

Li, đang là sinh viên đại học 22 tuổi, cho biết: "Tôi cảm thấy mua màu hồng đồng nghĩa với việc tự nguyện được đối xử khác biệt theo giới tính. Tôi không thể từ bỏ sở thích của mình trong khi tôi cũng không muốn trả nhiều tiền hơn".

Mối lo ngại đặc biệt của phụ nữ ở Trung Quốc và mọi nơi khác là chi phí kinh nguyệt. Một chiến dịch trực tuyến vào mùa thu năm nay đã khuyến khích chính phủ Trung Quốc giảm thuế 13% đối với các sản phẩm kinh nguyệt vì nước này đang xem xét luật mới về thuế giá trị gia tăng. Nhiều người lập luận rằng chúng nên được coi là nhu yếu phẩm cơ bản.

Tỷ lệ 13% tương tự như đối với thuốc lá và cao hơn vài điểm phần trăm so với các mặt hàng được coi là thiết yếu như ngũ cốc và nước.

Nancy Qian, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế Quản lý và Khoa học Quyết định Kellogg thuộc Đại học Northwestern cho biết, đối với những phụ nữ có ngân sách eo hẹp, chi phí tăng thêm có thể đồng nghĩa với việc không thể sử dụng sản phẩm kinh nguyệt.

Bà nói: "Thay vì có thể sử dụng băng vệ sinh được bán trong các cửa hàng hiện đại, một số lượng lớn phụ nữ phải sử dụng những thứ mà phụ nữ ngày xưa đã từng sử dụng và dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

Điều đó có nghĩa là phụ nữ phải trả nhiều tiền hơn để được khỏe mạnh hơn nam giới. Như thế thật không công bằng".

Bất lợi về chăm sóc sức khỏe

Theo CNN, một số báo cáo mới cho thấy phụ nữ đang phải trả thuế hồng cho cả việc chăm sóc sức khỏe của họ. Họ đang chi tiêu nhiều hơn nam giới và nhất là khi nói đến bệnh ung thư vú, các chi phí tăng thêm đang gây ra gánh nặng đáng kể đến mức có thể khiến họ phải trả giá bằng sức khỏe.

Theo một báo cáo mới từ công ty dịch vụ tài chính Deloitte, tại Hoa Kỳ, những phụ nữ có bảo hiểm y tế thông qua việc làm phải trả chi phí chăm sóc sức khỏe tự chi trả cao hơn khoảng 15,4 tỷ USD so với nam giới có bảo hiểm tương tự, chưa bao gồm phí bảo hiểm.

Theo phân tích xem xét hơn 16 triệu người có bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động tài trợ từ năm 2017 đến năm 2022, mặc dù phụ nữ đóng mức phí bảo hiểm tương đương với nam giới, nhưng định giá của khoản bảo hiểm của họ thấp hơn khoảng 1,34 tỷ USD.

Mặc dù báo cáo cho thấy phụ nữ đi khám bác sĩ và sử dụng các phúc lợi của họ nhiều hơn nam giới, phụ nữ vẫn phải chi tiêu cho y tế nhiều hơn 10%, ngay cả sau khi loại bỏ chi phí chăm sóc thai sản cao. Con số này tăng lên hơn 20% với chi phí thai sản.

Hàng triệu phụ nữ đang chịu một thứ thuế ẩn từ khi sinh ra: Thiệt thòi cả về kinh tế và thời gian - Ảnh 5.

Các công ty bảo hiểm dường như chi trả mức dịch vụ nhỏ hơn cho phụ nữ so với nam giới. Ví dụ, sàng lọc ung thư vú thường có thể tốn kém hơn nhiều sàng lọc ung thư khác.

Tác giả báo cáo, Tiến sĩ Kulleni Gebreyes lưu ý: "Hãy nghĩ về khoảng cách tiền lương theo giới đang tồn tại, và sau đó bạn sẽ thấy chi phí tự trả lại càng cao và chúng ta biết rằng tình trạng tài chính tốt và sức khỏe thể chất có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra 'thuế hồng' trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe".

Một báo cáo riêng, được tổ chức Susan G. Komen công bố hồi đầu tháng 10, cho thấy chi phí điều trị ung thư vú cao là một gánh nặng đáng kể đối với bệnh nhân, đến mức nó thực sự có thể ảnh hưởng đến sự thành công của việc điều trị của họ.

Komen, một tổ chức phi lợi nhuận giúp chống lại bệnh ung thư vú, có một chương trình hỗ trợ tài chính cho những bệnh nhân ung thư vú đủ tiêu chuẩn đang gặp khó khăn trong việc duy trì điều trị do chi phí điều trị cao.

Chương trình đã cung cấp gần 9,1 triệu USD tài trợ cho gần 16.000 bệnh nhân từ tháng 4 năm 2022 đến tháng 3 năm nay. Để hiểu hơn về những người cần được giúp đỡ, Komen đã xem xét kỹ hơn xem mọi người sử dụng tiền vào mục đích gì: nhà ở, phương tiện di chuyển đến nơi điều trị và hóa đơn điện nước là những yếu tố gây căng thẳng tài chính lớn nhất, cũng như chi trả cho thực phẩm và thuốc men.

Đó là chưa kể, phụ nữ ở Mỹ thường có xu hướng gặp khó khăn về tài chính hơn nam giới vì phụ nữ vẫn kiếm được ít tiền hơn. Vào năm 2022, phụ nữ chỉ kiếm được 0,82 USD trên mỗi USD mà đàn ông kiếm được. Đối với phụ nữ da đen và Latina, điều đó còn tệ hơn. Theo Văn phòng Kế toán Tổng hợp Hoa Kỳ, cơ quan điều tra của Quốc hội, phụ nữ da đen chỉ kiếm được 0,63 USD và phụ nữ Latina chỉ kiếm được 0,58 USD cho mỗi USD đàn ông da trắng kiếm được.

Loại thuế hồng ít được ngó ngàng nhất: Thời gian

Khách quan mà nói, phụ nữ có ít thời gian hơn nam giới: có nhiều việc phải làm hơn và có ít thời gian dành cho chúng hơn. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, nam giới có trung bình nhiều hơn 5 giờ thời gian rảnh rỗi mỗi tuần so với phụ nữ - tương đương với 260 giờ, hay 10,8 ngày trọn vẹn mỗi năm. Tại sao lại có sự bất bình đẳng về thời gian này?

Ở nhà, việc chăm sóc con cái và việc nhà hầu như ngốn hết thời gian của phụ nữ. Trong cuộc phỏng vấn của TIME với các bà mẹ đi làm tại các khu định cư không chính thức ở Kibera, Kenya, một người than thở: "Tôi có quá nhiều việc phải làm ở nhà và tôi vẫn phải đi làm".

Hàng triệu phụ nữ đang chịu một thứ thuế ẩn từ khi sinh ra: Thiệt thòi cả về kinh tế và thời gian - Ảnh 6.

Trong dữ liệu được thu thập ở vùng nông thôn Uganda, khi được hỏi liệu đàn ông có dành nhiều thời gian làm những việc họ thích hơn phụ nữ hay không, một người được phỏng vấn khác nói: "Phụ nữ không có lựa chọn. Họ bắt buộc phải làm những việc này. Đàn ông có thể ra vườn tắm rửa, uống rượu và họ không có trách nhiệm gì khác".

Tại nơi làm việc, phụ nữ – ngay cả những người có công việc ổn định – phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng bất bình đẳng về thời gian. Phụ nữ thường được yêu cầu và mong đợi đảm nhận "việc nhà ở văn phòng" nhiều hơn: những công việc cần thiết nhưng không thể thăng tiến như ghi chép, giúp nhân viên mới bắt kịp tiến độ, mang bánh cho đồng nghiệp hoặc pha cà phê cho văn phòng.

Càng xác nhận khuôn mẫu dựa trên giới tính, một nghiên cứu cho thấy phụ nữ tình nguyện nhiều hơn nam giới tới 50% cho những nhiệm vụ này. Phụ nữ cũng ít giao nhiệm vụ cho nhân viên khác hơn nam giới, một phần vì họ cảm thấy tội lỗi hơn khi có thể tạo gánh nặng cho nhân viên của mình.

Cuối cùng, phụ nữ thương lượng về thời gian thực hiện công việc của họ với tỷ lệ thấp hơn so với nam giới - trong một nghiên cứu, nam giới có xu hướng yêu cầu gia hạn thời gian cao hơn gấp đôi so với phụ nữ khi deadline của họ có thể điều chỉnh được.

Thuế hồng đối với thời gian không chỉ xuất phát từ những yêu cầu lớn mà còn từ những cắt giảm nhỏ. Phụ nữ phải quản lý thời gian nhiều hơn hoặc chịu gánh nặng từ việc quản lý thời gian của người khác. Một phụ nữ Nam Phi đến từ Edenvale chia sẻ: "Tôi thực sự đã hét vào mặt chồng mình vài tuần trước. Tôi nói, 'Anh biết đấy, anh đã từng giúp em giặt quần áo mà'. Anh ta trả lời, 'Chà, tại sao em không nhắc anh?' Và tôi nói, 'Em phải nhắc anh giặt đồ ấy hả? Đồ giặt kia kìa! Nó ở đó! Giỏ đã đầy rồi'… Tôi nghĩ lý do chỉ là vì tôi là phụ nữ. Cái số nó thế" Song song với áp lực này, tại nơi làm việc, phụ nữ dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và sửa đổi cách làm việc nhằm giúp đỡ nhân viên khác.

Chưa kể, phụ nữ thường phải đối mặt với hiện tượng "cảm giác tội lỗi khi sử dụng thời gian" khi trải qua áp lực liên tục để đáp ứng kỳ vọng của xã hội và cá nhân. Một phụ nữ ở Bedfordview, Nam Phi, than thở: "Tôi tự phán xét mình. Tôi mong đợi bản thân mình phải là 'vợ nhà người ta', Người vợ hoàn hảo… Tôi đã chôn vùi cá tính của mình". Sự đánh giá của xã hội về việc sử dụng thời gian của phụ nữ, cùng với sự tự phê bình, dẫn đến căng thẳng và giảm thiểu thời gian dành cho cá nhân.

Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ phải đối mặt với mức độ phân tán và gián đoạn thời gian cao hơn, góp phần gây ra căng thẳng chung liên quan đến thời gian của họ. Một cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị gián đoạn công việc cao hơn 33% so với nam giới, trong đó những người quan trọng khác là nguyên nhân phổ biến.

Để giải quyết vấn đề này, các ưu đãi và dịch vụ tiết kiệm thời gian có thể đóng một vai trò then chốt. Cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công việc như nấu ăn hoặc chăm sóc trẻ em có thể làm giảm bớt căng thẳng liên quan đến thời gian. Một nghiên cứu ở Kibera, Kenya, tiết lộ rằng những dịch vụ như vậy giúp phụ nữ giảm 7% gánh nặng lao động không được trả lương, từ đó nâng cao phúc lợi.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức trong việc vượt qua các chuẩn mực xã hội. Sự linh hoạt ở nơi làm việc là rất quan trọng, nhưng những định kiến vẫn còn tồn tại. Một người chồng ở Edenvale cho biết: "Đó chưa bao giờ là điều khiến tôi bận tâm. Tôi biết điều đó, nhưng đối với tôi nó giống như nước đổ đầu vịt… Bởi vì nó khiến cô ấy rất khó chịu khi cảm thấy bị phán xét ".

Sự thay đổi theo hướng coi trọng sự giải trí là điều cần thiết. Dành thời gian cho các hoạt động như tập thể dục dự đoán hạnh phúc, nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian rảnh rỗi. Cho đến khi những thay đổi này diễn ra, phụ nữ sẽ tiếp tục phải chịu "thuế hồng đúng hạn", phải đối mặt với những nhu cầu bất bình đẳng và có nguy cơ kiệt sức.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày