Theo tờ The Guardian, khi các trường hợp mắc PIMS xuất hiện trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, các bác sĩ và nhiều bậc phụ huynh đã vô cùng hoang mang, lo lắng. Ban đầu nó được gọi là bệnh Kawasaki, một tình trạng hiếm gặp chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sau đó, PIMS đã được công nhận là một hội chứng riêng biệt, xuất hiện sau khi mắc COVID-19. Ước tính, cứ 5.000 trẻ em thì có 1 trẻ mắc phải hội chứng này vào khoảng 1 tháng sau khi mắc COVID-19, bất kể có triệu chứng hay không.
Hình minh họa: The Lancet
Các triệu chứng của PIMS bao gồm phát ban, sốt khoảng 40 độ C, huyết áp thấp nguy hiểm và các vấn đề ở bụng. Các ca nghiêm trọng còn gặp các triệu chứng giống như sốc nhiễm độc hoặc nhiễm trùng huyết. Hai trẻ em đã tử vong vì PIMS kể từ khi đại dịch bùng phát.
Các bệnh viện tại Anh đã tiếp nhận đến 100 trẻ mắc hội chứng PIMS mỗi tuần trong làn sóng dịch thứ 2 (Ảnh minh họa: The Independent)
Các bác sĩ chuyên khoa tại Anh cho biết căn bệnh này đã tăng cao hơn so với làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Các bệnh viện đã tiếp nhận đến 100 trẻ mỗi tuần trong đợt thứ 2, nhiều hơn so với khoảng 30 ca một tuần vào tháng 4 năm ngoái. Kể từ tháng 1 vừa qua, có từ 12 đến 15 trẻ em mắc hội chứng PIMS mỗi ngày. Các ca bệnh phần lớn tập trung ở London và Đông Nam nước Anh, những khu vực mà biến chủng mới xuất hiện đã khiến các ca nhiễm tăng mạnh.
Dữ liệu từ 21/23 đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em (PICU) cũng cho thấy: 78% bệnh nhân không có bệnh lý nền và hầu như đều có sức khỏe tốt trước khi mắc PIMS. Các bác sĩ nhi khoa cho biết điều này "rất đáng lo ngại".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Whittaker cho biết các bậc cha mẹ không nên lo lắng. "PIMS có thể rất nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi đã thấy ít trường hợp nghiêm trọng hơn trong đợt dịch thứ hai vì có sự chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Hội chứng này vẫn còn hiếm và chúng tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ không nên lo lắng" - bà Whittaker nói.