Theo ghi nhận của PV, các tài xế cho rằng họ đang tập trung để đòi hỏi quyền lợi của mình, do Grab áp dụng mức chiết khấu mới với dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress, GrabCar... là không hợp lý, nhất là trong bối cảnh người lao động đang chật vật mưu sinh sau dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Văn Đông, một tài xế chạy GrabBike bức xúc cho biết: "Tài xế chúng tôi phải chạy liên tục, không nghỉ mới có đủ 300.000 - 400.000 đồng. Vừa dịch xong lại gần sắp đến Tết, ai cũng khó khăn, mà tài xế như chúng tôi còn bị trừ thêm 10% VAT nữa. Nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe 100.000 đồng sẽ mất 20.000 đồng tiền phí cho công ty. Trong 80.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp 10% VAT nữa thì không thể chấp nhận được. Quá bức xúc nên sáng nay, chúng phải tập trung ở đây để đòi quyền lợi, phản đối việc tăng % chiết khấu của Grab".
Clip: Hàng trăm lái xe Grab diễu hành gây mất an toàn giao thông ở Đà Nẵng
Hàng trăm tài xế Grab tập trung đòi quyền lợi tại trụ sở Đà Nẵng
Tài xế yêu cầu Grab giảm % chiết khấu
Còn tài xế GrabCar Lê Văn Thuận cho rằng, việc chạy Grab ở Việt Nam nhiều rủi ro mà không được đóng bảo hiểm y tế. Do đó, càng ngày mức chiết khấu càng tăng thì ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cánh tài xế xe ôm công nghệ.
"Tài xế chúng tôi là đối tác chứ không ký hợp đồng lao động với Grab mà phải chịu mức thuế như vậy. Theo tôi, phía Grab hoặc khách hàng sử dụng dịch vụ phải chịu thuế VAT chứ không phải tài xế. Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng đến khi có câu trả lời rõ ràng nhất", anh Thuận nói.
Các tài xế công nghệ ở Đà Nẵng còn đồng loạt tắt app để phản đối chính sách khấu trừ mới của Grab
Theo ghi nhận, không chỉ tập trung đòi quyền lợi, một số hội nhóm tài xế trên mạng xã hội đã vận động mọi người đình công. Do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông gặp nhiều khó khăn, lực lượng chức năng đã có mặt để nhắc nhở đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đặc biệt, khoảng 11h30 trưa nay, sau khi tập trung đòi quyền lợi, hàng trăm tài xế Grab đã tổ chức diễu hành, bấm còi inh ỏi trên các trục đường chính của thành phố như Lê Duẩn, Bạch Đằng, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Thọ,… gây nên cảnh tượng náo loạn, khiến nhiều phương tiện di chuyển khó khăn.
Liên quan đến vụ việc này, Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Đà Nẵng, cho biết từ sáng 8/12, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an địa phương giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực quanh trụ sở Grab trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Đà Nẵng). Đến trưa cùng ngày, khi trở về, một số tài xế đã tổ chức diễu hành trên đường, đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Hiện, lực lượng công an đang kiểm tra, xác minh và sẽ xử lý nghiêm trường hợp tài xế cố tình dàn hàng ngang, diễu hành, gây cản trở giao thông.
Rât đông tài xế Grab tập trung diễu hành trên đường Lê Duẩn (Q. Hải Châu, Đà Nẵng)
Cũng trong hôm nay, đại diện Grab tại Đà Nẵng đã làm với các tài xế Grab và cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến của các tài xế để có câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, sau Hà Nội, TP.HCM, đến lượt tài xế Grab ở Đà Nẵng tập trung phản đối chính sách mới để đòi quyền lợi của mình.
Trước đó, Grab cho biết, từ 5/12, ứng dụng này sẽ tăng 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên cả nước, sau khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126/2020. Theo đó, trước đây, tài xế chỉ đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về.
Lực lượng chức năng được cử đến hiện trường để đảm bảo an ninh, trật tự
Đại diện Grab tại Đà Nẵng cho biết, sẽ ghi nhận tất cả ý kiến và có câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất
Tuy nhiên, theo Nghị định 126/2020, các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek sẽ phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe.
Phần tăng thêm này được Grab chia cho cả tài xế và khách hàng thanh toán cùng chịu, theo đó, tỷ lệ chiết khấu với tài xế sẽ tăng lên và giá cước xe cũng tăng. Thuế VAT 10% và thuế thu nhập cá nhân 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.
Dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,3% và 32,8%, tùy từng đối tác tài xế.