Hàng rong trước cổng trường hiện là các xe di động, như trước Trường THCS Lê Anh Xuân, TP.HCM (ảnh chụp trưa 12-12) - Ảnh: M.DUNG
Trong khi đó, nhà trường nói khó quản lý bên ngoài cổng và cơ quan chức năng kiểm tra xong thì "hàng rong lại đến".
Không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Khoảng 10h45 ngày 12-12, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Tân Bình, TP.HCM) mở cổng cho học sinh về buổi trưa. Đây cũng là lúc học sinh túa ra sà vào các hàng quán hàng rong trước cổng trường bán đồ ăn vặt và những xe, gánh hàng rong đang chờ sẵn với nước ngọt, đồ ăn vặt, trà sữa, bánh tráng trộn, trà tắc.
Trong khi đó, trước cổng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Tân Phú), nhiều xe máy hàng rong di động từ nơi khác nhanh chóng tiếp cận học sinh. Trong khoảng 30 phút, người đàn ông đi xe máy bán hot dog Hàn Quốc cho cả trăm lượt khách. Khi học sinh vãn dần lúc hơn 11h15, người bán di chuyển đến địa điểm khác.
Tình trạng bán hàng rong cổng trường cũng khá nhộn nhịp trước cổng Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú). Một dãy khoảng 15 quán chuyên bán đồ ăn vặt, nước giải khát, nước ngọt. Ngoài ra, hàng rong di động từ nơi khác cũng đổ về khi học sinh đến hoặc tan trường. Đó là những xe kem, há cảo, khoai chiên, bánh tráng trộn, nước ngọt, nước giải khát, gà rán, xúc xích...
Gần 12h ngày 12-12, một xe máy chở theo bình gas to đứng ngay cổng trường bán phô mai Hàn Quốc, hot dog cho hàng chục học sinh vây quanh...
Tại Hà Nội, hiếm có một trường mầm non, tiểu học nào không có hàng quà vặt, bán kèm đồ chơi ngoài cổng trường. Hàng quà vặt được bày bán trên các xe đẩy, xe máy có gắn giá bày hàng, hay bán trên các sạp, mẹt hàng rong ngoài vỉa hè, bán trong các quán cố định xung quanh cổng trường.
Thức ăn rất đa dạng từ thịt xiên nướng, xúc xích chiên, viên tôm, viên bò, viên gà, viên cá, viên phô mai, bánh tráng, bánh ngô, khoai chiên, sushi đến các loại kẹo mút, kẹo viên có phẩm màu xanh đỏ, hình các con thú hay nhân vật hoạt hình, đồ uống đóng chai.
Một chị bán thịt xiên nướng ở cổng Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội) cho biết mỗi ngày bán khoảng 5-7kg thịt. "Thịt ướp gia vị rồi nên có để nhiệt độ thường cũng không hỏng được. Bán rong thế này lấy đâu ra tủ lạnh mà bảo quản" - chị chủ hàng cho biết.
Ngoài đồ ăn, uống, các loại đồ chơi ở cổng trường học cũng đa dạng. Tại một số cổng trường tiểu học ở Hà Nội, đồ chơi slime (xà lam) - thứ nghi ngờ gây ngộ độc cho một số học sinh ở Hòa Vang (Đà Nẵng) mới đây cũng bán khá phổ biến...
Nhiều vụ ngộ độc
Cuối tháng 11-2022, Trung tâm Y tế TP Tây Ninh tiếp nhận 11 học sinh tiểu học, mầm non có triệu chứng nôn, sốt, đau bụng. Những học sinh này đều ăn sushi bán trước cổng trường học.
Ở Đồng Nai từng có vụ học sinh ngộ độc do ăn bánh tráng ngoài cổng trường. Tại Vinh (Nghệ An) có một số học sinh tiểu học bị ngộ độc, nghi do uống nước ngọt miễn phí ngoài cổng trường.
Ở Đà Nẵng, Tây Ninh có chuyện nhiều học sinh bị dị ứng, ngộ độc khi chơi slime (còn gọi là xà lam). Đây là đồ chơi có độ dẻo dai như cao su có thành phần hóa chất độc hại, trẻ dùng để tạo hình, kéo dãn thành các hình thù khác nhau.
Phụ huynh lo lắng
Anh N.L.H. - phụ huynh tại Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú) - nói: "Tôi sợ nhất là không biết thực phẩm đó có nguồn gốc gì không, có nấu chín kỹ không. Giờ nghe nói có cả ma túy trá hình nữa nên tôi đâm lo...".
Còn chị Hồng Loan, một phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội), chia sẻ: "Tôi thường để trong túi cho con 5.000 đồng đến 10.000 đồng khi cho con đến trường, phòng khi con cần. Tôi không biết thói quen đó lại là việc tiếp tay cho hàng bán thực phẩm bẩn, có thể gây hại cho con mình".
Chị Loan cho biết phụ huynh không có cảnh báo từ trường, cũng không được thông tin gì về kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bán ngoài cổng trường. Mặc dù nhìn bằng mắt thường, người lớn cũng có thể đánh giá được nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm trên các mẹt/xe quà vặt.
"Con cũng vài lần bị đau bụng, tiêu chảy khi ở trường về, nhưng gia đình lại chỉ hỏi giáo viên chủ nhiệm tình hình những học sinh khác ở lớp để xác định không có chuyện ngộ độc từ bữa ăn bán trú. Cho đến khi tôi đọc trên báo về một vụ học sinh ở Tây Ninh bị nghi ngộ độc sushi bán ngoài cổng trường, tôi mới giật mình.
Có lúc thấy trong cặp con có kẹo mút hình con vật ngộ nghĩnh nhuộm xanh đỏ, con bảo bạn có tiền nên đã mua cho con. Tôi thấy mình chủ quan, bất cẩn quá. Có thể con cũng từng ngộ độc nhẹ từ thức ăn ngoài cổng trường mà tôi đã không biết" - chị Loan nói.
Trước cổng Trường tiểu học Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Tác động âm thầm của thực phẩm, đồ chơi bẩn
Theo các chuyên gia tại Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Cụ thể, có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Nhưng điều lo ngại hơn là tác động âm thầm của thực phẩm, đồ chơi bẩn khi trẻ ăn, uống, tiếp xúc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.
Đáng lo hơn là chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc ngấm vào cơ thể một cách từ từ, tích tụ lại gây bệnh ung thư.
Trường "không can thiệp được"
Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM cho rằng hầu như lãnh đạo trường nào cũng ý thức được việc học sinh ăn uống hàng rong trước cổng trường là không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, hàng rong trước cổng trường cũng rất khó "đuổi". "Những đợt phường, khu phố ra quân mạnh tay thì hàng rong ít. Sau đó đâu lại vào đó. Chúng tôi chủ yếu nhắc nhở học sinh không ăn hàng rong trước cổng trường và lưu ý phụ huynh để học sinh không dùng thực phẩm không tốt cho sức khỏe" - vị này nói thêm.
Thạc sĩ Cao Đức Khoa - hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TP.HCM - chia sẻ trường này dùng hai cách để "đuổi" hàng rong trước cổng trường.
"Thứ nhất, chúng tôi sinh hoạt với học sinh và nhất là liên lạc với phụ huynh để yêu cầu phụ huynh không cho học sinh ăn thực phẩm, mua hàng rong trước cổng trường.
Thứ hai, trường thường xuyên giữ liên lạc với khu phố, UBND phường... hễ thấy hàng rong tiếp cận xung quanh cổng trường là báo với các lực lượng này để họ không cho hàng rong tiếp cận học sinh bán hàng" - ông Cao Đức Khoa nói.
Một hiệu trưởng ở Hà Nội cho biết trường không can thiệp được hàng quán ngoài cổng trường. "Nếu có nguy cơ hoặc nghi ngờ ngộ độc từ thực phẩm, từ hàng quán ngoài cổng trường chúng tôi cũng chỉ phản ánh cho phường sở tại và chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở phụ huynh, học sinh" - hiệu trưởng này nói.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường không thể làm ngơ "chuyện ngoài cổng trường". Cũng có phụ huynh cho rằng sẽ yên tâm hơn khi trường có căng tin.
"Dù sao thì vẫn có thể quản lý, kiểm soát được về nguồn thực phẩm, cách chế biến và đảm bảo sạch sẽ khi có thiết bị bảo quản và chỗ bày bán, ăn uống sạch sẽ" - một phụ huynh ý kiến.
"Lực lượng kiểm tra đi, xe hàng rong lại đến"
Bà Lê Thị Hoàng Chinh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê (Đà Nẵng), cho biết phòng đã chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh không ăn thức ăn hàng rong, không rõ nguồn gốc và giáo dục học sinh biết cách chọn thức ăn hợp vệ sinh nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe.
Các trường học cũng cử lực lượng nề nếp kỷ luật, thường xuyên túc trực trước cổng trường đầu giờ và cuối giờ để tăng cường nhắc nhở học sinh không mua hàng rong.
"Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra khu vực trước và xung quanh cổng trường đầu giờ và giờ tan học. Tuy nhiên khi lực lượng kiểm tra đi thì xe hàng rong lại tiếp tục đến. Xe hàng rong thường đứng cách cổng trường 10-20m" - bà Chinh nói.
Ông Nguyễn Thanh Lịch - trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu - nói việc nhắc nhở, xử lý các xe hàng rong trước cổng trường cũng gặp nhiều khó khăn. Khi thấy các lực lượng chức năng của địa phương, các xe bán hàng rong bỏ chạy đến nơi khác, các điểm kinh doanh trước cổng trường chây ì. Khi các cán bộ, giáo viên đến nhắc nhở thì bị chửi mắng, xúc phạm. (ĐOÀN NHẠN)