Ngày 24/4 vừa qua, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) đã công bố thực đơn yến tiệc Tổng thống Moon Jae-in dự định chiêu đãi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau cuộc họp thượng đỉnh hôm 27/4 tới.
Không chỉ thể hiện tinh hoa ẩm thực Hàn Quốc và tài nghệ của người nấu, mỗi món ăn trong thực đơn đều mang ý nghĩa rất riêng, đồng thời là lời gửi gắm đến ông Kim Jong-un về hy vọng và tương lai hai nước Hàn-Triều.
Trong số các món ăn được tiết lộ, phải kể đến món bánh Rosti (bánh khoai tây) của Thụy Sĩ. Theo Nhà Xanh, món ăn này mang ý nghĩa trân trọng tuổi thơ du học tại Thụy Sĩ của ông Kim.
Tuy Triều Tiên chưa từng chính thức xác nhận thông tin này, nhưng một số báo Thụy Sĩ, các giáo viên và bạn cùng lớp cũ của ông Kim đã khẳng định ông từng theo học tại đây.
Nhằm gợi nhớ tuổi thơ của Tổng thống Moon Jae-in ở thành phố biển Busan, các đầu bếp Nhà Xanh đã đặc biệt chuẩn bị món cá John Dory (cá mặt trời) nướng.
Ngoài ra, ông Moon đã yêu cầu món mỳ lạnh kiểu Bình Nhưỡng, hay naengmyeon, từ nhà hàng Okryu nổi tiếng của Triều Tiên. Theo phát ngôn viên Nhà Xanh Kim Eui-kyeom, Bình Nhưỡng đã vui vẻ chấp nhận yêu cầu này.
Straits Times cho biết, đầu bếp của nhà hàng Okryu sẽ tới Khu Phi Quân sự DMZ hôm 27/4 tới và đích thân chuẩn bị món mỳ lạnh đặc biệt cùng các đầu bếp Hàn Quốc.
Đi kèm với những món ăn đặc sắc là những loại rượu truyền thống hảo hạng của hai nước Hàn-Triều. Hai vị nguyên thủ có thể chọn loại rượu làm từ hoa đỗ quyên, hoặc loại rượu chưng cất nồng độ cao munbaeju.
Nhà Xanh đã đăng tải những lời giới thiệu đầy tâm huyết kèm hình ảnh những món ăn hấp dẫn trong bữa yến tiệc sắp tới:
"Chúng tôi đã nỗ lực truyền tải khát vọng hòa bình của những người dân hai nước Hàn-Triều, cả trên đất liền và biển cả.
Mỗi món ăn đều chứa đựng ý chí và quyết tâm của những người đã và đang nỗ lực thống nhất hòa bình."
Sau đây là thực đơn đặc biệt dành cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 sắp tới:
Món bạch tuộc lạnh biển Tongyeong, Namhae, thuộc miền Nam Hàn Quốc, ăn kèm nước tương và nước cốt chanh.
Bánh khoai tây Rosti, một trong những món 'phải ăn' khi tới Thụy Sĩ. Đây là món ăn mang ý nghĩa trân trọng tuổi trẻ của ông Kim.
Món há cảo nhân hải sâm, cá tuyết và thịt bò. Hải sâm là đặc sản tỉnh Cholla, quê hương cố Tổng thống Kim Dae-jung. Là chủ nhân giải Nobel Hòa bình, ông Kim Dae-jung đã khởi xướng Chính sách Ánh dương đối với Triều Tiên, và chủ trì Thượng đỉnh liên Triều hồi năm 2000.
Món cá mặt trời nướng từ thành phố biển Busan nhằm gợi nhớ tuổi thơ của ông Moon.
Món thịt bò Hanwoo nổi tiếng được cung cấp bởi trang trại của một doanh nhân Hàn Quốc giàu có. Năm 1998, ông đã gửi đàn 500 con gia súc tới Triều Tiên khi nước này đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm.
Đặc sản Hàn Quốc - cơm trộn. Đặc biệt, loại gạo được sử dụng làm món cơm này được trồng tại quê hương của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người từng gặp gỡ cố Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il hồi năm 2007.
Cá tráp và cá trê hấp - Món ăn đặc trưng trong các bữa tiệc của người Hàn Quốc.
Món mousse xoài tráng miệng với tên gọi đầy ý nghĩa: Mùa xuân của Dân tộc. Món ăn được trang trí bằng các loại hoa, thể hiện năng lượng mùa xuân xua tan băng giá mùa đông. Với hình ảnh lá cờ thống nhất và chiếc vỏ cứng bằng sô-cô-la, món tráng miệng tinh tế này còn muốn gửi gắm hy vọng rằng hai nước sẽ phá tan lớp vỏ cứng rắn và tiến tới thống nhất.
Nước trà được làm từ loại nấm mọc trên dãy núi Baekdudaegan chạy dọc hay nước Triều-Hàn, và trái cam trồng trên đảo Jeju. Loại nước trà này tượng trưng cho hy vọng hòa bình sẽ lan tỏa khắp Bán đảo Triều Tiên, từ Baekdudaegan (Bắc) đến Jeju (Nam).
Hàn Quốc là bậc thầy gửi gắm thông điệp qua ẩm thực. Khi các quan chức Triều-Hàn gặp gỡ trong một bữa tiệc chiêu đãi trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang hồi tháng 2 vừa qua, Hàn Quốc đã khéo léo sử dụng món khai vị để truyền tải thông điệp của mình.
Các đầu bếp đã tạo hình bán đảo Triều Tiên màu xanh da trời, ở giữa là đoạn dây thép gai bằng sô-cô-la tượng trưng cho Vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, món ăn này lại được phủ một lớp sô-cô-la trắng lên trên, như lời gợi mở về sự tan băng trong quan hệ hai nước.
Ảnh: Twitter.