Theo Reuters, vào ngày 9/6, mực nước của hồ chứa Mead đã giảm xuống còn 326m so với mực nước biển, thấp hơn một chút so với mức thấp kỷ lục trước đó là 327m được ghi nhận vào năm 2016. Nhìn chung, mực nước tại hồ chứa này đã giảm 43m trong vòng 21 năm qua.
Các kỹ sư đã tạo ra hồ chứa Mead vào những năm 1930 bằng cách xây dựng đập Hoover trên sông Colorado ở biên giới hai bang Arizona và Nevada. Đây là hồ chứa lớn nhất tại Mỹ, chứa khoảng 9.000 tỷ gallon nước (34.000 tỷ lít nước), cung cấp nước cho khoảng 25 triệu người sống ở vùng Tây Nam nước Mỹ, bao gồm Los Angeles, San Diego, Phoenix, Tucson và Las Vegas.
Khu vực Tây Nam nước Mỹ đã trải qua một đợt hạn hán gần như liên tục trong 20 năm qua. Lượng mưa và tuyết rơi quá thấp để khu vực này có thể phục hồi hoàn toàn sau đợt hạn hán.
Đập Hoover ở Tây Nam nước Mỹ (Ảnh: Getty Images)
Brandon Miller, nhà khí tượng học của CNN, cho biết: "Biến đổi khí hậu rõ ràng đang đóng một vai trò quan trọng trong đợt hạn hán kéo dài. Nhiệt độ ấm hơn làm tình trạng hạn hán thêm nghiêm trọng, khiến lượng mưa thông thường hoặc thậm chí trên trung bình mỗi năm khó bù đắp lượng nước bị thiếu hụt, khi trong một hoặc hai năm, lượng mưa/tuyết rơi dưới mức trung bình xảy ra, như chúng ta đã thấy, kết quả thật thảm khốc".
Với thực trạng mực nước xuống thấp nghiêm trọng tại hồ Mead, các bang phụ thuộc vào hồ chứa có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Vào tháng 8, giới chức Mỹ sẽ xác định xem liệu có ban bố "Tình trạng thiếu hụt cấp độ 1" đối với hồ Mead vào năm 2022 hay không, điều này sẽ dẫn đến việc cắt giảm nguồn nước cung cấp cho khu vực, CNN đưa tin.
Nếu tình trạng này được ban bố, bang Arizona có thể bị cắt giảm nguồn cung cấp nước 320.000 mẫu Anh, tức là lượng nước cho 1 triệu người trong một năm.