Chiều 6-9, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thông tin tình hình sức khỏe của các trẻ trước đây ở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP HCM).
Ngày 4-9, các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển về các cơ sở Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM để chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo đó, 32 trẻ vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình; 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức; 15 trẻ vào Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận (trong đó có 1 trẻ là con ruột của bảo mẫu); 1 trẻ đang nằm Bệnh viện Nhi đồng điều trị bệnh viêm phổi.
82 trẻ hiện ổn định tâm lý, được thăm khám và được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi. Đối với các trẻ bị bạo hành, có dấu hiệu của bạo hành, các trung tâm cử nhân viên chăm sóc riêng, theo dõi tình trạng trẻ để có phương án chăm sóc tốt hơn. Riêng 2 trẻ đang ở Trung tâm Gò Vấp trở bệnh nặng, đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám và điều trị.
Theo ông Thinh, trong công tác quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, Sở LĐ-TB-XH TP HCM chưa ghi nhận khó khăn đối với các cơ sở đã được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có một số khó khăn phát sinh liên quan. Trong đó, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa đúng chức năng, nhiệm vụ; quy chế giám sát nội bộ phòng chống xâm hại, bạo lực tại một số cơ sở ngoài công lập chưa được người đứng đầu quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Ông Thinh nhấn mạnh pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em; trong đó bao gồm hành hạ, ngược đãi, đánh đập. "Từ sự việc Mái ấm Hoa Hồng, sở nhận định đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật" - ông Thinh nói.
"Quan điểm của sở từ khi tiếp nhận thông tin đến thời điểm này là xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực trẻ. Đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu để cơ quan có thẩm quyền thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra, xác minh và xử lý theo quy định" - ông Thinh nói thêm.