Hai thành phố ở độ cao trên 2.000m bị bỏ hoang khiến giới khảo cổ phải sửng sốt, sở hữu ‘kho báu’ giá trị cao dưới lòng đất, công nghệ lập tức vào cuộc

Nguyệt Lượng, Theo Nhịp sống thị trường 19:12 24/10/2024
Chia sẻ

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 22 chuyến bay bằng máy bay không người lái được trang bị cảm biến LiDAR.

Hai thành phố bị "lãng quên" được lập bản đồ

Bị lãng quên trong nhiều thế kỷ, hai thành phố cách nhau gần 5km bị ẩn bên dưới những dưới đồng cỏ xanh trên núi Uzbekistan. Hai thành phố được gọi là Tashbulak và Tugunbulak.

Hai thành phố ở độ cao trên 2.000m bị bỏ hoang khiến giới khảo cổ phải sửng sốt, sở hữu ‘kho báu’ giá trị cao dưới lòng đất, công nghệ lập tức vào cuộc- Ảnh 1.

Giờ đây, các nhà khảo cổ học lần đầu tiên lập bản đồ cho những thành phố này - nơi từng là ngã tư quan trọng của tuyến đường buôn bán tơ lụa cổ đại đã bị bỏ hoang một cách khó hiểu.

Sử dụng LiDAR gắn trên máy bay không người lái, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy các công trình bị che khuất bởi thảm thực vật. Họ chụp được hình ảnh cho thấy hai khu đô thị có quy mô lớn ngoài mong đợi, với các tháp canh, pháo đài, tòa nhà phức hợp, quảng trường và lối đi mà hàng chục nghìn người có thể sinh sống.

Hai thành phố ở độ cao trên 2.000m bị bỏ hoang khiến giới khảo cổ phải sửng sốt, sở hữu ‘kho báu’ giá trị cao dưới lòng đất, công nghệ lập tức vào cuộc- Ảnh 2.

Hình ảnh từ LiDAR của Tugunbulak cho thấy một khu định cư đông đúc dọc theo một dãy núi (Theo Michael Frachetti)

Nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ hai thành phố vào năm 2022, thực hiện 22 chuyến bay bằng máy bay không người lái được trang bị LiDAR. Theo nghiên cứu, nỗ lực này đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ này trong khu vực.

Cảm biến LiDAR theo dõi thời gian mà mỗi xung laser phản xạ trở lại và sử dụng thông tin này để tạo ra bản đồ ba chiều của môi trường bên dưới. Kỹ thuật này đã cách mạng hóa việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa của con người, đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các địa điểm khảo cổ ở rừng nhiệt đới Amazon và các di tích Maya ở Trung Mỹ.

Nhà nhân chủng học Michael Frachetti, tác giả chính của nghiên cứu cho biết việc phát hiện ra những thành phố đông đúc từ thời Trung Cổ ở độ cao "chóng mặt" là hơn 2.000 met so với mực nước biển là điều đáng ngạc nhiên.

Cuộc sống ở hai khu định cư hẳn rất khó khăn, đặc biệt là trong những tháng mùa đông. "Đây là vùng đất của những người du mục, những người chăn thả gia súc. Đối với hầu hết mọi người, đây là vùng ngoại vi", Frachetti cho biết.

Ngày nay, chỉ có 3% dân số thế giới sống cùng mức hoặc cao hơn độ cao như vậy, chủ yếu là ở Cao nguyên Tây tạng và dãy Andes. Nghiên cứu lưu ý rằng, các khu định cư cổ đại trên cao nguyên, chẳng hạn như Machi Picchu ở Peru, được coi là bất thường do sự khắc nghiệt của cuộc sống ở độ cao.

Nhóm khảo cổ đã bắt đầu khai quật sơ bộ tại hai địa điểm này để tìm ra ai là người đã thành lập nên những thành phố bí ẩn và lý do tại sao.

Thành phố trên núi cao của dân du mục?

Frachetti và cộng sự tin rằng, các thành phố cao nguyên mới tìm thấy là quá lớn để chỉ là các trạm giao dịch hoặc điểm dừng chân trên Con đường tơ lụa.

Nhiều khả năng, đây là các khu định cư được xây dựng để khai thác quặng sắt ở dưới lòng đất. Nhóm nghiên cứu hy vọng các cuộc khai quật sẽ tiết lộ ai là người thành lập và sinh sống tại đây.

Frachetti cho biết: “Toàn bộ khu vực này đang sở hữu một loại hàng hóa có giá trị cao vào thời điểm đó, đó là sắt, và nơi đây cũng có nhiều rừng bách xù, nơi có thể cung cấp nhiên liệu (cho quá trình nấu chảy)”.

Hai thành phố ở độ cao trên 2.000m bị bỏ hoang khiến giới khảo cổ phải sửng sốt, sở hữu ‘kho báu’ giá trị cao dưới lòng đất, công nghệ lập tức vào cuộc- Ảnh 3.

Sử dụng thiết bị phát hiện ánh sáng và đo khoảng cách từ máy bay không người lái, các nhà khảo cổ học đã lập bản đồ hai thành phố bị bỏ hoang trên núi Uzbekistan (Theo Michael Frachetti)

Silvia, người không tham gia vào nghiên cứu, đã bình luận rằng các điểm đô thị ở vùng cao cực kỳ hiếm trong hồ sơ khảo cổ học vì nhiều thách thức để hình thành nên những cộng đồng lớn ở các vùng núi. "Việc phát hiện ra Tashbulak và Tugunbulak buộc chúng ta phải xem xét lại quan niệm về vị trí tối ưu để thành lập một thành phố", vị chuyên gia này cho biết.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu LiDAR phát hiện ra Tugunbulak chiếm diện tích khoảng 1,2 km2 (120ha) và cho thấy bằng chứng về hơn 300 công trình kiến trúc độc đáo, có kích thước từ 30-4.300m2.

Trong khi đó, thành phố Tashbulak có diện tích từ 0,12-0,15km2 (12-15m2). Mặc dù nhỏ hơn, thành phố lại sở hữu một thành trì được tạo thành từ một gò đất cao bao quanh bởi kiến trúc dày đặc và các công sự có tường bao quanh làm từ đất nện.

Các nhà nghiên cứu tin rằng Tashbulak có người sinh sống từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 11, trong khi Tugunbulak có người sinh sống từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11, ông cho biết.

Không rõ tại sao các khu định cư lại bị bỏ hoang. "Những câu chuyện đó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta đi sâu hơn vào khảo cổ học", Frachetti cho biết. Ông nói thêm rằng không có dấu hiệu nào cho thấy chúng bị san phẳng, đốt cháy hoặc tấn công, nhưng đây là chủ đề đang được nghiên cứu tích cực.

Theo CNN Science

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày