2017 vừa qua đi, để lại bao kỷ niệm vấn vương nữa trong lòng các tín đồ công nghệ, và cũng hứa hẹn về một năm 2018 đang chờ đón nhiều sự kiện và tin vui trước mắt.
Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng cứ chỉ chăm chăm nhìn vào những mặt tốt mà quên mất những điểm yếu và tiêu cực còn tồn tại. Phải có những lúc xem lại và tự khắc phục bản thân thì mới không để những sự việc tương tự xảy ra lại trong tương lai. Và tất nhiên, năm 2017 cũng không phải là ngoại lệ, với một vài scandal nổi bật trên toàn thế giới.
Cùng điểm lại top những vụ "lùm xùm" về 2 gương mặt đen đủi đáng nhớ nhất năm qua nhé.
Cái tên đầu tiên phải nhắc đến ở đây chính là YouTube, khi mà số vụ bị sao quả tạ chiếu vào đầu đã lên đến tận 3 lần trong năm qua, lần nào cũng khiến cư dân mạng được một phen phẫn nộ và bàng hoàng.
- PewDiePie phân biệt chủng tộc:
Chân dung PewDiePie ngoài đời thực.
Đầu tiên là vụ việc vào tháng 2, khi anh chàng PewDiePie - tài khoản YouTube có số lượng người theo dõi lớn nhất thế giới - đã dính vào cơn bức xúc của biết bao người khi anh đăng tải video có nội dung phân biệt chủng tộc, liên quan đến ngôn từ có phần đả kích người Do Thái.
Bất ngờ là mới tháng 9 gần đây thôi, anh lại lỡ... buột mồm nói ra những từ ngữ kỳ thị nhạy cảm trong khi đang hăng máu bình luận trong video livestream của mình, và vẫn đón nhận thêm cả tấn gạch đá nữa từ cộng đồng mạng. Một lời xin lỗi nữa lại được đưa ra, tất nhiên, nhưng còn phải xem chàng trai này có có hối cải thành công kể từ 2018 này không nữa.
- Bị tẩy chay vì nội dung cực đoan:
Một số thương hiệu đã phát hiện quảng cáo mà họ đặt đăng ký để hiện lên trên YouTube lại... nhảy vào cả trong những video có nội dung tiêu cực, chứa nhiều yếu tố bạo lực, cực đoan. Chắc chắn là chẳng ai muốn hình ảnh mình đang cố xây dựng lại hiện lên kè kè với những thứ như thế cả, dù cho đó có là vì lỗi sắp xếp ngẫu nhiên của YouTube hay không nữa.
Đã có tới hơn 250 hãng đồng loạt tạm ngừng hợp đồng quảng cáo với YouTube, khiến hàng trăm triệu USD lợi nhuận bỗng dưng biến mất thê thảm. Con số ước tính thiệt hại là 750 triệu USD. Sau thì có một số đã quay lại ký tiếp, nhưng không phải tất cả.
- Làn sóng phẫn nộ vì sai phạm video cho trẻ em:
Video cho trẻ em cần được quan tâm và kiểm duyệt gắt gao hơn nữa.
Vừa tháng 11 vừa qua, hàng nghìn video đã bị lật tẩy trên YouTube do cố tình sai phạm núp dưới vỏ bọc video cho trẻ em để câu view và quảng cáo, nhưng thực chất lại mang nội dung bạo lực và nhiều tính chất không hề đúng mực với độ tuổi quy định. Thế mà YouTube vẫn đưa nó lên chính thức, và dường như không hề có động thái kiểm duyệt nào cả.
Sau đấy thì YouTube đã tăng cường đội ngũ kiểm tra nội dung của mình hơn, đồng thời áp dụng cả công nghệ tự động báo cáo nội dung nữa.
- Lỗ hổng bảo mật toàn thế giới:
Tháng 11 vừa qua, một lỗ hổng trong hệ thống an ninh của hệ điều hành dành cho máy tính Mac của Apple đã được phát hiện, gây bất ngờ cho toàn cộng đồng công nghệ. Một số người đã nhận thấy khả năng có thể truy cập vào các cài đặt được bảo vệ sâu của máy tính, chỉ bằng vài bước cung cấp thông tin đăng nhập ban đầu là xong. Sau đó, Apple đã gấp rút phải tung ra bản sửa lỗi ngay, đồng thời xin lỗi đến toàn thể khách hàng và người dùng của mình về sự cố này.
- Giấu giếm, cố tình làm chậm iPhone cũ:
iPhone 7 trở về trước thường là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng.
Vụ việc này thì vừa mới xảy ra cách đây khoảng hơn 1 tuần thôi, khi mà Apple đã bất ngờ bị làm lộ động thái ngầm bấy lâu nay của mình khi tự ý làm chậm tốc độ và hiệu suất của iPhone cũ có pin bị xuống cấp, với lý do tránh để máy hoạt động quá sức mà tụt pin, sập nguồn.
Tuy nhiên, dù có biện hộ thế nào thì việc Apple không công khai tí gì về hành động này cũng ít nhiều gây nên sự tức giận và hoài nghi trong lòng người dùng. Đã có nhiều vụ kiện về quyền xảy ra trên thế giới hướng vào Apple, và số tiền đền bù mà "Táo khuyết" phải trả đã lên đến gần 1 nghìn tỷ USD rồi (nếu thua kiện).