Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sở GD&ĐT Hà Nội đang phối hợp cùng tổng công ty vận tải Hà Nội việc khảo sát được thực hiện ở 10 quận, huyện, trong đó có 2 huyện ngoại thành là Đông Anh và Gia Lâm. Sau khi phân tích thông tin tổng hợp từ kết quả điều tra, cơ quan hữu trách sẽ xây dựng đề án xe buýt đưa đón học sinh phù hợp nhất với nhu cầu của phụ huynh và học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội đang trình đề án xây dựng tuyến xe buýt cho học sinh lên UBND thành phố. Ảnh minh họa.
Được biết, đề án này đã được trình lãnh đạo thành phố và nếu được phê duyệt sẽ tiến hành thực hiện ngay trong năm học 2017 - 2018. Các tuyến buýt linh động sao cho phù hợp với từng địa bàn, sẽ mở thêm tuyến mới, tăng lượng xe ở những tuyến có sẵn. Thậm chí, Sở mong muốn mở những tuyến xe buýt chỉ để đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại.
Theo ông Phạm Xuân Tiến: "Việc này là chủ trương của Thành ủy Hà Nội và cũng là mong muốn của ngành GD&ĐT thành phố. Việc tổ chức đưa đón học sinh bằng xe buýt nếu được thực hiện sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về giao thông hiện nay, đảm bảo an toàn cho học sinh, giảm ùn tắc và tai nạn, giảm thời gian di chuyển cho học sinh… “
"Thay vì đi xe máy, xe đạp điện tới trường các em sẽ cùng nhau đi xe buýt. Điều này sẽ giúp an toàn hơn cho học sinh, giảm tắc đường và tránh tình trạng vi phạm giao thông ở các em học sinh", ông Tiến cho hay.
Về phía lãnh đạo sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở cho biết: "Một trong những mục đích khi xây dựng đề án là nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Chúng tôi đang chờ khảo sát giữa tổng công ty Vận tải Hà Nội và sở GD&ĐT Hà Nội từ đó để có phương án tốt nhất".
Về sự khả thi của đề án khi đi vào thực tế, ông Quang cho hay: "Điều này thì chưa thể nói trước. Nhưng trước hết phải chờ kết quả khảo sát để có những bước đi cụ thể".