Hà Nội vào "mùa" ô nhiễm không khí

Minh Hiếu, Theo VOV 11:10 26/10/2022

Theo “quy luật”, khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chuẩn bị bước vào mùa đông cũng là thời điểm ô nhiễm không khí gia tăng.

Ngoài yếu tố thời tiết như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa… làm giảm khả năng khuếch tán của không khí, khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, thì sau nhiều năm, các nguồn gây ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát.

Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Bụi bặm gia tăng trên đường do công trình lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Làm thêm công việc giao hàng sau giờ lên lớp, Lê Đức Trường, sinh viên Trường đại học Thương mại cảm nhận rõ sự gia tăng của ô nhiễm không khí khi Hà Nội chuyển mùa. Chiếc khẩu trang mỏng manh không đủ để ngăn chặn khói bụi tràn ngập trên những cung đường ùn tắc liên miên:

"Em đi nhiều thì thấy mạn Cầu Giấy nhiều khói bụi, thấy rõ bằng mắt thường luôn ý. Đêm về cũng thấy mệt mỏi, nhưng công việc biết làm sao bây giờ. Giá khẩu trang loại tốt thì đắt quá so với sinh viên bọn em đi làm nghề ship này. Chắc chỉ đỡ được 20-30%, cũng không gọi là được lọc không khí đâu."

Không chỉ những người làm việc ngoài đường mà cả những người ở nhà cũng nhận thấy rõ sự gia tăng của bụi bặm. Bà Trần Thị Tú, ở quận Đống Đa cho biết, cứ tầm tháng 10 trở đi là bà phải vệ sinh máy lọc không khí hằng tuần thay vì theo tháng. Máy chạy gần như hết công suất cả ngày đêm vì nhà đông người, đèn cảnh báo màu đỏ sáng liên tục:

"Nói chung cũng ảnh hưởng đấy. Người già, trẻ em hay bị vấn đề đường hô hấp, viêm mũi dị ứng rồi là viêm họng. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong 4 mùa ở Hà Nội mà bị ô nhiễm không khí thì cũng buồn thật. Bây giờ chỉ mong nhà nước đầu tư, cải thiện cái ô nhiễm không khí thôi", bà Tú cho biết.

Theo ứng dụng PamAir, vào lúc 8h sáng nay, đa số điểm quan trắc tại Hà Nội cho chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức màu cam (không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm). Cá biệt có các địa điểm: Giảng Võ (chỉ số 160, màu đỏ, không lành mạnh), hay đường Nguyễn Văn Huyên (chỉ số 207, màu tím, rất không lành mạnh).

Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí - Ảnh 2.

Đốt rác thải bừa bãi ở làng nghề xã Tiền Phong (huyện Thường Tín).

Ngoài phương tiện giao thông, các công trình xây dựng và nhiều nguồn khác vẫn “vô tư” phát thải khói bụi. Như tại điểm “màu đỏ” Giảng Võ sáng nay, đang có công trình lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên. Dòng nước nhỏ từ máy cắt không đủ để ngăn lớp bụi trắng xóa hòa vào không khí.

Hay tại đường Huỳnh Tấn Phát, các công nhân vệ sinh môi trường vẫn thản nhiên đốt rác:

"Cô nghĩ là lá cây không độc hại lắm đâu. Không đốt không được, không đốt lá cây nó cũng thối đi mà".

"Không đốt đi thì nó đổ rác các nơi khác đến đây thì quá tội".

Ô nhiễm không khí cùng thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chưa kể những tác hại lâu dài của khói bụi, đặc biệt là bụi mịn, gây ra với sức khỏe con người.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nước ta hiện còn thiếu các nghiên cứu về ô nhiễm không khí, giải pháp hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là... chờ mưa. Và “điệp khúc” ô nhiễm không khí theo mùa sẽ còn tái diễn nếu không có các biện pháp kiểm soát nguồn phát thải hiệu quả. "Mưa chỉ giải quyết được tức thời tình trạng ô nhiễm thôi. Các cấp phải ngồi lại cùng các biện pháp để giảm thiểu: hạn chế phương tiện giao thông như thế nào? Nhiều người có đốt rác hay không? Thế rồi các cơ sở sản xuất, các làng nghề ví dụ tái chế giấy, kim loại, nhựa,… Phải làm cương quyết mới mong hạn chế được phần nào"./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày