Chiều 5/5, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông, Hà Nội thông tin về tình hình sức khoẻ của 2 học sinh có biểu hiện sốt trong ngày đầu trở lại trường học (ngày 4/5).
Theo đó, 2 học sinh này sau khi đo thân nhiệt, được xác định lần lượt 37,3 và gần 38 độ C. Nhà trường đã tổ chức cách ly, kết hợp với trung tâm y tế để theo dõi tình hình sức khoẻ.
Bà Hương cho biết, học sinh có mức nhiệt 37,3 độ C là do nhà cách xa trường, tự đạp xe tới lớp nên thân nhiệt tăng. Sau khi nghỉ ngơi, em này đã hạ nhiệt và vào học bình thường.
Học sinh còn lại, học tập tại trường THCS Kiến Hưng, được cán bộ y tế xác định viêm amidan dẫn đến sốt. Nhà trường đã liên hệ với phụ huynh, đưa học sinh về nhà theo dõi thêm. Hiện, em đã bớt sốt, sức khoẻ bình thường, tuy nhiên vẫn chưa thể đến trường cho đến khi hết sốt hoàn toàn.
Học sinh được đo thân nhiệt, phân làn di chuyển trong ngày đầu quay lại trường học sau 3 tháng nghỉ tránh dịch.
Trước đó vào chiều 4/5, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội, đại diện các quận, huyện, thị xã báo cáo, trong ngày đầu tiên quay lại trường học đã phát hiện 3 học sinh có biểu hiện sốt. Các đơn vị đã ngay lập tức cách ly và theo dõi sức khoẻ.
Bên cạnh đó, chính quyền đã tiến hành giám sát chặt chẽ công tác phòng dịch ở các trường học; kiểm tra số lượng học sinh đến trường và xác minh các trường hợp không đến trường. Cá biệt có một số ít học sinh không đến trường vì quên lịch đi học.
Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã thành lập 6 đoàn cùng với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra tại các trường học về quy định an toàn phòng chống dịch. Trong ngày 4/5, đã có 224 /226 trường THPT quay lại hoạt động bình thường.
Trong 628 trường THCS chỉ còn trường THCS Mê Linh nằm tại ổ dịch thôn Hạ Lôi nên chưa mở cửa trở lại và 66 học sinh thuộc thôn Đông Cứu, của trường THCS Dũng Tiến vẫn thuộc diện cách ly.
Ông Dũng cho biết, khó khăn các nhà trường gặp phải hiện nay là việc giãn cách học sinh khi phải ưu tiên học sinh cuối cấp, lớp 9 và 12 học đầy đủ các buổi trong tuần, đảm bảo việc ôn thi sắp tới. Các khối còn lại được yêu cầu học cách ngày.
"Thực tế yêu cầu gia tăng số lượng cũng như cường độ làm việc của các giáo viên. Nếu việc này diễn ra trong một thời gian ngắn thì các thầy cô giáo đảm đương được, nhưng nếu kéo dài thì sẽ gặp nhiều khó khó khăn", ông Dũng nói.